VN-Index 'hồi sức', VIC dẫn dắt nhóm bất động sản trỗi dậy

VIC STB
16:16 - 11/08/2023
Giao dịch nhóm bất động sản và xây dựng phiên 11/8.
Giao dịch nhóm bất động sản và xây dựng phiên 11/8.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index phục hồi trở lại sau khi giảm về ngưỡng hỗ trợ 1.220 điểm. Cổ phiếu nhóm bất động sản đồng loạt “trỗi dậy” với sự dẫn dắt của cổ phiếu VIC.

Kết phiên cuối tuần, chỉ số sàn HoSE lên lại mốc 1.232,21 điểm, tăng 11,6 điểm so với kết phiên hôm qua. HNX-Index tăng 1,3 điểm còn UPCoM tăng 0,18 điểm. Thanh khoản duy trì mức tỷ USD với tổng giá trị giao dịch đạt gần 24.500 tỷ đồng.

Khối ngoại giao dịch khiêm tốn với giá trị hơn 2.500 tỷ đồng, và bán ròng nhẹ gần 60 tỷ đồng trên sàn HoSE. VHM và SSI bị bán ròng mạnh nhất hơn 70 tỷ đồng. HCM và VND bị bán ròng hơn 50 tỷ đồng. VPB, VCI, HDG bị bán ròng 30 – 40 tỷ đồng.

Chiều mua ròng dẫn đầu là HPG với hơn 81 tỷ đồng. Tiếp theo là STB với 72 tỷ đồng. Danh sách mua ròng còn có KBC, KDH, VNM, DCM, FRT, DXG…

Đóng góp lớn nhất cho chiều tăng của chỉ số là VIC khi tăng trần, khớp lệnh đột biến hơn 23 triệu đơn vị. Với mức tăng này, cổ phiếu của Vingroup lên lại mức giá 72.600 đồng, cao nhất kể từ tháng 6/2022. Chỉ trong 2 tuần gần đây, VIC đã tăng hơn 40%. Đà tăng được hỗ trợ bởi câu chuyện VinFast chuẩn bị niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.

Một mã bluechip khác cũng không kém cạnh là STB, tăng 4,3% lên mức giá 31.850 đồng, cao nhất kể từ tháng 3/2022; khớp lệnh hơn 33 triệu đơn vị. Từ đầu tháng 8 tới nay, mã bank này đã tăng gần 10%.

Trong báo cáo triển vọng doanh nghiệp mới cập nhật, Chứng khoán DSC cho biết Sacombank đang lên kế hoạch bán ra 32,5% vốn tại Công ty Quản lý Tài sản (VAMC) trong quý 4/2023. Theo ước tính của DSC, mức giá bán tối thiểu sẽ ở khoảng 32.000-34.000 đồng/cp. Đây cũng sẽ là câu chuyện có thể tạo động lực tăng giá mạnh cho cổ phiếu STB trong năm 2023.

Ngoài VIC và STB, đa số các mã trong rổ VN30 cũng hồi phục sau 2 phiên chịu áp lực bán. MWG, VCB, VRE tăng hơn 2%; MSN, SSB, CTG, HPG tăng hơn 1%. Chiều giảm có BVH, FPT, GAS, GVR, HDB, PLX, POW, SAB, VIB; tỷ lệ điều chỉnh không lớn.

Sự thăng hoa của VIC đã lan tỏa ra toàn nhóm bất động sản, giúp vốn hóa cả nhóm tăng 2,7%, dẫn đầu chiều tăng. DXG và TCH tăng trần, khớp lệnh lần lượt 36,5 và 18,4 triệu đơn vị. QCG cũng kết phiên với sắc tím.

Bên cạnh đó là hàng loạt mã tăng mạnh như KDH +4,4%, KBC +3,9%, DIG +2,9%; NLG, VRE, PDR, HDC tăng hơn 2%. VHM, BCM, NVL, CEO… đều tăng giá.

Hai nhóm thép và ngân hàng cũng là trợ lực lớn giúp VN-Index hồi phục. Nhóm ngân hàng chủ yếu nhờ các mã lớn trong VN30 kéo xanh; còn nhóm thép ngoài HPG còn có HSG tăng 5,6%, NKG tăng 2,6%.

Nhóm chứng khoán tăng nhẹ với sự phân hóa. Chiều tăng có SSI, CTS, CSI, FTS, MBS, SHS, TCI, VIX… Ngược lại, chiều giảm ghi nhận ở VND, VCI, VDS, TVS, PSI, HCM, EVS…

Nhóm giảm điểm sâu nhất hôm nay là thủy sản, với ANV giảm 2,8%, IDI giảm 1,8%, VHC, FMC, ACL đều giảm giá.

Nhìn chung, sau khi tiếp giáp vùng 1.220-1.230 điểm, VN-Index chưa có dấu hiệu suy yếu sau quá trình tăng trưởng bắt đầu từ tháng 6/2023. Thanh khoản lớn đi kèm động lực tăng trưởng vừa qua cho thấy dòng tiền liên tục chảy mạnh vào thị trường.

Nhịp tăng của VN-Index khả năng sẽ tiến tới mục tiêu trung hạn 1.295-1.305 điểm trong tháng 8/2023, khi dòng tiền đang ủng hộ cho sự đi lên của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Tin liên quan

Đọc tiếp