VN-Index mất 18 điểm, khối ngoại bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng

NVL SAB
16:13 - 11/09/2023
Giao dịch nhóm bất động sản và xây dựng phiên 11/9.
Giao dịch nhóm bất động sản và xây dựng phiên 11/9.
0:00 / 0:00
0:00
Áp lực bán gia tăng vào phiên chiều khiến VN-Index nhanh chóng đảo chiều giảm mạnh, trong đó nhóm bất động sản diễn biến tiêu cực nhất.

Kết phiên 11/9, chỉ số sàn HoSE giảm gần 18 điểm về mốc 1.223,63 điểm. HNX-Index giảm gần 5 điểm còn UPCoM cũng giảm hơn 1 điểm.

Thanh khoản tăng vọt với tổng giá trị giao dịch trên 3 sàn lên tới hơn 36.000 tỷ đồng. Đây cũng là một trong những phiên ghi nhận dòng tiền chảy vào thị trường chứng khoán mạnh nhất. Kỷ lục về thanh khoản hiện thuộc về phiên 18/8/2023 với 42.144 tỷ đồng; trước đó là phiên 10/1/2021 với hơn 44.000 tỷ đồng.

Áp lực khiến VN-Index giảm điểm hôm nay còn đến từ khối ngoại khi bán ròng hơn 1.000 tỷ đồng trên HoSE (trong tổng số hơn 3.000 tỷ đồng giao dịch). HPG bị bán ròng mạnh nhất với 210 tỷ đồng. Tiếp sau là SSI 160 tỷ đồng, VHM 116 tỷ đồng, KBC 92 tỷ đồng, chứng chỉ quỹ FUESSVFL và STB HƠN 60 tỷ đồng; TPB, FPT, NVL, HCM, DXG, VRE 20-40 tỷ đồng.

Chiều ngược lại chỉ có 2 mã được mua ròng hơn 30 tỷ đồng là DGC và PDR. VIX, FRT, VIC, VGC được mua ròng trên 10 tỷ đồng; còn MWG, BID, KDC, BMP… được mua ròng nhẹ.

HPG và VHM là hai mã có tác động tiêu cực nhất đến thị trường khi giảm lần lượt 2,6 và 2,8%. Hầu hết các bluechip khác trong VN30 cũng kết phiên trong sắc đỏ, với GVR giảm mạnh nhất 4,2%. SHB và VRE giảm hơn 3%; STB, TCB, VJC, MSN, BCM giảm hơn 2%. Đi ngược thị trường chỉ có PLX và SAB.

SAB của Sabeco bứt phá tăng 4,3% lên mức giá 167.500 đồng. Từ giữa tháng 8 đến nay, cổ phiếu này có sự phục hồi với mức tăng gần 10%. Ngày 15/9 tới đây, Sabeco sẽ chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 641 triệu cổ phiếu thưởng để thực hiện tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ phát hành 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu được nhận 1 cổ phiếu mới. Giá trị phát hành theo mệnh giá đạt hơn 6.412 tỷ đồng.

Nhóm ngành có diễn biến tiêu cực nhất là bất động sản và xây dựng, với gần 160 mã ở chiều giảm trong khi chỉ có hơn 30 mã ở chiều tăng. NVL, DXS, HTN, HPX… giảm sàn. Riêng NVL khớp lệnh 71,6 triệu đơn vị, dẫn đầu thanh khoản thị trường. Từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu của Novaland đã tăng khá mạnh, gần 35%.

Nhiều mã bất động sản và xây dựng khác cũng giảm sâu, như DXG -6,2%, DIG -5,4%, BCG -5%, KBC -3,7%, PDR -3,5%, VCG -4,4%, NLG -4,8%, HQC -5,2%, LDG -5,5%, L14 -7,1%, HDC -5,5%, HUT -4,3%...

Nhóm vật liệu xây dựng cũng giảm mạnh do lực kéo của HPG, cùng với đó là NKG giảm 3,9% và HSG giảm 3,2%.

Nhóm ngân hàng chỉ còn 3 mã giữ được sắc xanh là LPB, OCB và VPB. Trong đó tăng đáng kể 2,8% còn hai mã kia chỉ tăng nhẹ. Giảm mạnh nhất là NVB -5,3%. SHB và MSB giảm hơn 3%, còn lại đa số giảm từ 1-2%.

Tương tự với nhóm chứng khoán, các cổ phiếu tăng giá chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đó là AGR, BSI, CTS, VCI và VUA, với mức tăng chỉ trên dưới 1%. Giảm mạnh nhất là hơn 5%, ghi nhận ở ABW và VFS. VND giảm 1,1%, SSI giảm 0,7%, VIX giảm 2,5%.

Cổ phiếu đáng chú ý hôm nay là PVT của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí khi tăng mạnh 5,2% lên mức giá 25.250 đồng/cp, khớp lệnh đột biến 14,8 triệu đơn vị. Từ giữa tháng 8 đến nay, mã này đã tăng gần 20%, chỉ cách mức đỉnh 27.000 đồng hồi tháng 2/2022 một đoạn ngắn.

Tin liên quan

Đọc tiếp