VN-Index sẽ tiếp tục nhiều phiên giao dịch giằng co trong chiều hướng tăng

VN INDEX CHỨNG KHOÁN
07:00 - 22/05/2022
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.
0:00 / 0:00
0:00
Sau 6 tuần giảm điểm liên tiếp, việc VN-Index hồi phục đã giúp giải toả phần nào sự căng thẳng trên thị trường. Tuy nhiên, thanh khoản thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn còn trong trạng thái nghi ngờ, dè dặt giải ngân dù nhiều cổ phiếu đã về mức giá hấp dẫn.

VN-Index bước vào tuần giao dịch vừa qua với phiên thứ Hai “nhuộm đỏ”. Tuy nhiên, sự xuất hiện của dòng tiền bắt đáy ở vùng giá thấp đã giúp chỉ số bật tăng mạnh mẽ ngay phiên sau đó với mức tăng hơn 56 điểm, tương ứng tỷ lệ +4,8%. VN-Index tiếp tục nới rộng sắc xanh hai phiên sau đó. Phiên thứ Sáu đảo chiều giảm nhẹ nhưng tính cho cả tuần, chỉ số sàn HoSE vẫn tăng 57,94 điểm, lên mốc 1240.71 điểm. HNX-Index cũng tăng 4,63 điểm so với tuần trước đó.

Trái ngược với đà tăng về mặt điểm số, thanh khoản trên 2 sàn lại có chiều hướng suy giảm. Trên sàn HoSE, khối lượng khớp lệnh trung bình giảm 11,45% so với tuần giao dịch trước, còn gần 507 triệu cp/phiên. Tại sàn HNX, thanh khoản bình quân giảm 4,08%, còn hơn 73 triệu cp/phiên.

Xét theo mức độ đóng góp thì MSN và các cổ phiếu nhóm ngân hàng như BID, MBB, VCB và CTG là những mã ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index. Riêng MSN đã góp hơn 4 điểm cho chỉ số này. Trong tuần qua, cổ phiếu của Masan đã tăng từ vùng giá 90.000 đồng/cp lên 107.800 đồng, tương đương mức tăng 11,2%.

Nhiều chuyên gia phân tích dự báo tích cực cho MSN và đánh giá cổ phiếu này đang ở vùng giá hấp dẫn để đầu tư. Chứng khoán Bản Việt (VCSC) định giá MSN ở mức 158.000 đồng, còn các chuyên gia của HSBC cũng khuyến nghị mua với mức giá mục tiêu là 161.000 đồng.

MSN được mua mạnh trong 3 phiên giữa tuần. SSI

MSN được mua mạnh trong 3 phiên giữa tuần. SSI

Nhóm chứng khoán hồi mạnh sau khi giảm sâu 40-50%

Xét về nhóm ngành thì nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất trong tuần qua với mức +12,1% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu như BSR +26,5%, OIL +18,8%, PVD +22,1%, PVS +19%, PVB +17,3%... Các doanh nghiệp dầu khí, đặc biệt là nhóm thượng nguồn (PVD, PVS) vẫn đang được hỗ trợ bởi giá dầu thế giới. Giá dầu Brent kể từ tháng 4 trở lại đây vẫn duy trì ở vùng giá cao, trên mức 100 USD/thùng.

Tuy nhiên, tâm điểm phải là nhóm chứng khoán với đà hồi phục mạnh sau diễn biến điều chỉnh giảm mạnh trong hơn 1 tháng trước đó. Trung bình, cổ phiếu ngành chứng khoán đã giảm khoảng 40% - 50% trong giai đoạn từ 7/4-16/5 khi thị trường chung giảm mạnh. Tại ngày 16/5, hệ số định giá P/E của ngành chứng khoán đã giảm xuống 7,96x, tương đương mức thấp nhất tại thời điểm tháng 3/2020, khi thị trường bất ngờ giảm mạnh do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19. Với định giá hấp dẫn này, các cổ phiếu chứng khoán được bắt đáy mạnh trong tuần qua, với SSI +10,3%, HCM +16,7%, VCI +23,5%, SHS +23,4%...

Nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng cũng hồi phục khá tốt với tỷ lệ +6,1% giá trị vốn hóa, với VCB +3,2%, BID +8,5%, CTG +8,4%, TCB +5,6%, MBB +12%, VPB +5,5%, ACB +5,6%, SHB +15,2%...

Tiếp theo là ngành nguyên vật liệu với tỷ lệ + 7,7% giá trị vốn hóa, với các cổ phiếu tiêu biểu thuộc ngành con hóa chất như DGC +17,1%, DPM +12,1%, DCM +16,2%...; ngành con thép như HPG +4,9%, HSG +1,2%, NKG +7,6%...

Trong khi thị trường đảo chiều hồi phục sau 6 tuần mất điểm thì khối ngoại lại quay ra xu hướng bán ròng với giá trị hơn 100 tỷ đồng, trong đó danh mục xả bán tập trung bộ đôi lớn SSI (gần 600 tỷ đồng) và HPG (422 tỷ đồng). Ngược lại, nhóm này mua ròng mạnh nhất cổ phiếu DPM với giá trị đạt 220,8 tỷ đồng, tiếp sau là VNM đạt 147,2 tỷ đồng, MSN đạt 134 tỷ đồng, FUEVFVND đạt 129 tỷ đồng, DCM đạt 104,1 tỷ đồng…

Trong tuần qua, HoSE cũng đã công bố giao dịch của khối tự doanh từ phiên 17/5. Theo đó, khối này đã ghi nhận 2 phiên mua ròng và 2 phiên bán ròng. Tính chung cả tuần, tự doanh các công ty chứng khoán bán ròng hơn 604 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu. Các mã bị khối này bán mạnh trong phiên cuối tuần là BCM, HDG, HPX, MSN, DGC, HSG, KDH, VJC… Ngược lại, họ mua mạnh APH, FPT, VPB, MWG, PNJ, TCB…

Chờ dòng tiền lấy lại mốc 1.350 điểm

Theo Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), VN-Index hồi phục trong tuần qua nhưng thanh khoản thấp cho thấy nhà đầu tư vẫn còn dè dặt trong việc tham gia trở lại thị trường.

Góc nhìn về phân tích kỹ thuật đang có sự ủng hộ nhất định cho xu hướng hồi phục của thị trường với việc chỉ số VN-Index lấy lại ngưỡng 1.200 điểm để xác nhận kết thúc sóng điều chỉnh và bước sang sóng hồi phục với mục tiêu theo lý thuyết gần nhất quanh ngưỡng 1.300 điểm. Tuy nhiên, nếu thị trường suy yếu trở lại và VN-Index không thể giữ được ngưỡng 1.200 điểm thì thị trường sẽ một lần nữa quay trở lại sóng điều chỉnh.

SHS cho biết, định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn cho các nhà đầu tư dài hạn với P/E (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) của VN-Index và VN30 chỉ quanh mức 13 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm gần nhất. Nếu tính P/E Forward (P/E kỳ vọng) cho năm 2022 thì mức định giá lại càng trở nên hấp dẫn hơn.

Chứng khoán Đông Á (DAS) nhận định, VN-Index phiên thứ Sáu giao dịch giằng co trong biên độ hẹp với thanh khoản thấp. Sau các phiên thị trường tạo đáy ngắn hạn, nhà đầu tư thường bình tĩnh giao dịch chậm để hấp thụ lượng hàng bắt đáy thực hiện chốt lời. Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn chưa có sự đồng pha khi luân phiên tăng giảm bù trừ điểm số trong các phiên gần đây.

Vùng 1.200 điểm của VN-Index có thể được coi là khá vững và kỳ vọng thị trường đã tạo đáy ngắn hạn, tuy nhiên thanh khoản thị trường ở mức trung bình thấp nên sẽ còn có nhiều phiên giao dịch giằng co trong chiều hướng tăng. Thị trường cân bằng ở mặt bằng giá thấp mở ra những cơ hội đầu tư dài hạn trong nhóm cổ phiếu cơ bản, đồng thời dòng tiền tham gia trở lại thị trường có thể hỗ trợ VN-Index lấy lại mốc 1.350 điểm trong ngắn hạn.

Theo Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), thị trường kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (20/5) trong trạng thái lưỡng lự dưới mốc tham chiếu. Sau phiên đảo chiều mạnh mẽ ngày 17/5, hiện tượng “đè” bán vào cuối phiên vẫn diễn ra trên nền thanh khoản thấp. Diễn biến ở các nhóm ngành cũng đang có phân hóa. Điều này cho thấy sự thận trọng vẫn đang bao trùm lên tâm lý của các nhà đầu tư. Do đó, nhiều khả năng thị trường sẽ cần 1 nhịp lùi để kiểm tra lại cung-cầu và để chờ đợi sự tham gia đồng bộ hơn của dòng tiền ở các nhóm ngành.

VDSC dự kiến vùng 1.200 - 1.220 vẫn sẽ đóng vai trò hỗ trợ cho VN-Index trong tuần sau. Vì vậy, nhà đầu tư có thể cân nhắc mua tích lũy tại các cổ phiếu lớn có định giá tốt trong khi đợt điều chỉnh diễn ra.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.