VNDirect: Cổ phiếu, trái phiếu vẫn là lựa chọn tối ưu

CHỨNG KHOÁN Việt nAM
10:21 - 11/10/2022
VNDirect: Cổ phiếu, trái phiếu vẫn là lựa chọn tối ưu
0:00 / 0:00
0:00
Các chuyên gia phân tích VNDirect cho rằng kênh cổ phiếu và trái phiếu vẫn là lựa chọn tối ưu so với bất động sản, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở các thị trường phát triển.

Công ty Chứng khoán VNDirect vừa có thông báo đến khách hàng về những diễn biến tiêu cực trên thị trường chứng khoán thời gian vừa qua.

VNDirect cho biết những vụ việc bắt giữ đối với những cá nhân, đơn vị liên quan tới việc thao túng thị trường chứng khoán và lạm dụng việc phát hành trái phiếu thực chất là kết quả đã được dự đoán trước của quá trình lành mạnh hóa hoạt động thị trường tài chính. Trong đó xử lý nghiêm minh các cá nhân và tổ chức có động cơ làm giá và lạm dụng phát hành không đúng các quy định của luật pháp.

Chuyên gia VNDirect nhìn nhận, truyền thông số mang lại nhiều cơ hội nắm bắt thông tin nhanh chóng, nhưng đồng thời cũng làm cho các tin đồn lan nhanh, khiến cho nhà đầu tư khó nhận biết được sự thật đang diễn ra và trong ngắn hạn có thể khiến các nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm lo lắng, thậm chí hoảng sợ.

Với góc nhìn chuyên môn, VNDirect nhận định bản chất của tài sản tài chính cũng không khác các tài sản hữu hình như bất động sản. Các tài sản này đều cần 3 điều kiện: tính thanh khoản, khả năng sinh lời ổn định và khả năng tăng giá trong tương lai.

"Trong bối cảnh lạm phát toàn cầu hiện nay, cổ phiếu hay trái phiếu vẫn là kênh trú ẩn lạm phát tốt nhất", nhóm phân tích VNDirect khẳng định.

Tuy nhiên, điều này phải đi kèm với điều kiện đó phải là cổ phiếu và trái phiếu của những doanh nghiệp có mô hình kinh doanh và phát triển bền vững, có chất lượng tài sản sinh lời ổn định ở hiện tại và tương lai.

Thực tế, một số doanh nghiệp trong năm nay có thể không đạt được kỳ vọng về lợi nhuận, điều này không quá ngạc nhiên khi tất cả các kênh tài sản đều khó có khả năng sinh lời trong điều kiện thị trường khó khăn hiện tại.

Song, VNDirect nhấn mạnh kênh cổ phiếu và trái phiếu vẫn là lựa chọn tối ưu nếu so sánh với đầu tư bất động sản có khả năng sinh lời và hoàn vốn lên tới vài chục năm. Điều này đúng với nhiều thị trường phát triển, không chỉ riêng ở Việt Nam.

Quan điểm này tương đồng với lập luận được ông Andy Ho, Tổng Giám đốc Hội đồng đầu tư của VinaCapital nêu ra tại Hội nghị nhà đầu tư mới đây khi cho rằng biến động của thị trường chứng khoán gần đây đã làm không ít nhà đầu tư bất an. Tuy nhiên, điều quan trọng mà nhà đầu tư cần lưu ý là các công ty niêm yết và công ty tư nhân của Việt Nam vẫn đang hoạt động hiệu quả, nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường nội địa.

"Các công ty được chúng tôi đầu tư, đặc biệt là các công ty trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, vẫn đang ghi nhận doanh thu ổn định, thậm chí cao hơn giai đoạn trước đại dịch. Với sự tiếp tục tăng trưởng của nền kinh tế, chúng tôi tự tin rằng các doanh nghiệp này sẽ liên tục phát triển và tạo ra lợi nhuận bền vững cho nhà đầu tư trong dài hạn", ông Andy Ho cho biết.

Các chuyên gia của VinaCapital cho rằng Việt Nam vẫn đang rất hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư nước ngoài bất chấp những khó khăn hiện tại. Điểm khác biệt của Việt Nam đến từ câu chuyện tăng trưởng kinh tế cao và lạm phát đang được kiểm soát tốt. Trong khi đó, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giải ngân vẫn đang tăng trưởng mạnh theo xu hướng chiến lược đa dạng hóa chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia trong vài năm qua. Thị trường nội địa phục hồi mạnh mẽ kích thích sự phát triển của các chuỗi bán lẻ trong nước theo các nhu cầu ngày càng đa dạng của người dân Việt Nam.

Trong ba trụ cột của nền kinh tế là xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư công, ông Andy Ho cho rằng tăng trưởng trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu có thể giảm đi trong năm 2023 khi nhu cầu tiêu dùng sụt giảm dưới áp lực của lạm phát và suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tuy nhiên, sự suy giảm ở hai lĩnh vực này vẫn có thể được bù đắp một phần bởi nguồn thu từ du lịch, đặc biệt là khách quốc tế dự báo sẽ được cải thiện trong năm sau. VinaCapital ước tính du lịch quốc tế có thể chiếm khoảng 10% GDP của Việt Nam trong thời gian tới, trong khi hiện đang ở mức bằng 0 do ảnh hưởng của COVID-19.

Song song đó, đầu tư công vào hạ tầng sẽ trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong vài năm tới. Đây là trụ cột mà Việt Nam đang có rất nhiều dư địa để giữ nhịp tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích dòng vốn gián tiếp vào Việt Nam.

VinaCapital dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam có thể đạt 8% trong năm 2022 và sau đó trở lại mức tăng trưởng khoảng 6-7% mỗi năm như thời kỳ trước dịch COVID-19. Ngoài ra, các chuyên gia của VinaCapital cũng cho rằng dù thanh khoản hiện đã giảm một nửa so với năm ngoái nhưng vẫn gấp 3 lần giai đoạn trước COVID-19.

Đặc biệt, nếu tính theo định giá P/E thì thị trường Việt Nam đang ở vùng hấp dẫn và rẻ hơn các nước trong khu vực. Trong khi đó, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn duy trì. Bước sang năm 2023, mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết được dự báo tiếp tục duy trì mức 19% và cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực.

Đọc tiếp

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Đấu thầu vàng miếng: Kịch bản nào cho giá vàng?

Chiều nay 17/4, theo kế hoạch, Ngân hàng Nhà nước tổ chức đấu thầu vàng miếng trở lại sau 11 năm gián đoạn, một động thái được giới chuyên gia đánh giá là giải pháp cấp bách ngắn hạn để gia tăng nguồn cung cho thị trường và góp phần hạ nhiệt thị trường.
Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Vàng miếng sắp hết độc quyền?

Định hướng quản lý thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.