VNDirect: Rủi ro lên thanh khoản hệ thống ngân hàng là không lớn nhờ vĩ mô ổn định

NGÂN HÀNG Basel II
11:54 - 16/10/2022
Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.
0:00 / 0:00
0:00
VNDirect cho rằng rủi ro thanh khoản là không lớn trong bối cảnh vĩ mô ổn định và sức khỏe hệ thống ngân hàng đã cải thiện nhiều. 

Trong báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng phát hành ngày 14/10, VNDirect cho rằng rủi ro lên thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện tại là không lớn. Điều này được hỗ trợ bởi nhiều nguyên nhân.

Thứ nhất là những nỗ lực chống “đô la hóa” nền kinh tế và tăng cường giao dịch không tiền mặt của các cơ quan quản lý trong thời gian qua đã mang lại hiệu quả đáng kể. Niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng được củng cố, cũng như thói quen tích trữ tiền mặt đã giảm xuống rõ rệt, giúp thanh khoản hệ thống được bù đắp.

Thứ hai, vĩ mô ổn định và sức khỏe hệ thống ngân hàng hiện tại đã được cải thiện rất nhiều. Hiện gần 20 ngân hàng thương mại (NHTM), chiếm đa số trong hệ thống đã được công nhận đạt chuẩn Basel II, trong đó có 6 ngân hàng đã hoàn thành cả 3 trụ cột.

Bên cạnh đó, tỷ lệ vốn ngắn hạn và cho vay trung và dài hạn đã giảm xuống 34% vào ngày 1/10/2022; và sẽ tiếp tục giảm xuống mức 30% từ ngày 1/10/2023.

Theo khối phân tích VNDirect, hiện chưa có lộ trình cụ thể cho các NHTM triển khai Basel III; tuy nhiên đã có một số ngân hàng tiên phong trong việc triển khai bộ tiêu chuẩn để củng cố thêm chất lượng về vốn và đặc biệt là năng lực thanh khoản như TPB, VCB, HDB, VIB, OCB…

Việc nâng cao quản trị rủi ro về thanh khoản cũng là một mục tiêu quan trọng đối với tất cả các NHTM để đạt được tiêu chuẩn Basel III, tiêu chuẩn giúp các ngân hàng nâng cao khả năng chống chịu trước các rủi ro và góp phần ngăn ngừa tổn thất có thể xảy ra.

Các tiêu chí đánh giá rủi ro thanh khoản

Dựa trên những tiêu chí về thanh khoản “L - liquidity” trong mô hình CAMELS, VNDirect cho rằng khi áp lực thanh toán ngắn hạn gia tăng đột biến, rủi ro thanh khoản sẽ được giảm thiểu nếu như ngân hàng đó đảm bảo các tiêu chí sau:

Tỷ lệ tài sản thanh khoản/huy động khách hàng (Liquid asset/Customer deposits). Tỷ lệ này càng cao có nghĩa rằng ngân hàng đó sẽ có khả năng dễ dàng chuyển đổi thành tiền mặt, đủ đáp ứng nghĩa vụ thanh toán ngắn hạn.

Tỷ lệ cho vay khách hàng/huy động khách hàng (Gross LDR) đo lường mức độ dồi dào của thanh khoản. Nếu tỷ lệ này càng cao thì ngân hàng đã tối ưu nguồn huy động vốn của mình. Vì vậy, chỉ số này càng thấp càng tốt.

Tỷ lệ tài sản thanh khoản/tổng tài sản (Liquid asset/Total asset). Tương tự như tiêu chí số 1, tỷ lệ này càng cao cho phép ngân hàng đó nhanh chóng đáp ứng đủ nghĩa vụ thanh toán ngắn hạn.

Tỷ lệ cho vay ngắn hạn/dư nợ cho vay (Short-term loans/Net loans). Tỷ lệ này càng cao càng tốt.

Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn/tổng huy động khách hàng (CASA - Demand deposit/Customer deposits). Tỷ lệ này càng cao thì ngân hàng đó ít chịu áp lực huy động vốn dài hạn để đáp ứng nhu cầu cho vay.

Tỷ lệ huy động tiền gửi từ tổ chức/tổng huy động khách hàng (Nonindividuals/Customer deposits). Từ góc độ thị trường, tỷ lệ tiền gửi của khách hàng tổ chức càng cao thì nguồn vốn huy động của ngân hàng càng ổn định, đáp ứng thanh toán của ngân hàng càng tốt.

Nếu như đáp ứng các tiêu chí trên, ngân hàng sẽ có thể đáp ứng được nhu cầu tiền mặt đột biến của khách hàng do vốn huy động đã được tối ưu hóa và không chỉ để phục vụ chủ yếu cho mục đích vay trung và dài hạn.

Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng.

Hiệp ước bao gồm ba trụ cột chính: Trụ cột 1 quy định tỷ lệ an toàn vốn (CAR); Trụ cột 2 đánh giá nội bộ về mức đủ vốn (ICAAP); Trụ cột 3 về minh bạch và kỷ luật thị trường.

Tại Việt Nam, NHNN đã ban hành Thông tư 41/2016/TT-NHNN và Thông tư 13/2018/TT-NHNN làm khuôn khổ pháp lý để triển khai ba trụ cột của Basel II.

Bộ chuẩn mực toàn cầu về quản trị rủi ro Basel III được hình thành năm 2010 nhằm đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 và được cải cách năm 2017 nhằm khắc phục hạn chế của những quy định Basel trước.

Để “nâng cấp” từ Basel II lên Basel III đòi hỏi các nhà băng phải nâng tỷ trọng và chất lượng vốn, nâng cao khả năng nắm bắt rủi ro để đối phó với rủi ro thị trường; tính toán đề phòng tình huống căng thẳng, áp lực thị trường trong 12 tháng; điều chỉnh tỷ lệ đòn bẩy bắt buộc, cải thiện chỉ số thanh khoản ngân hàng theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như đơn giản hóa cách thức xử lý rủi ro hoạt động…

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.