Vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp 5 tháng đầu năm giảm thấp nhất kể từ 2017

DOANH NGHIỆP Việt nAM
06:58 - 29/05/2023
Vốn đăng ký bình quân doanh nghiệp 5 tháng đầu năm giảm thấp nhất kể từ 2017
0:00 / 0:00
0:00
Số liệu từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho thấy, số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,2 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 tháng đầu năm kể từ năm 2017.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 5/2023 có 12.098 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 103.741 tỷ đồng, giảm 9,5% về số doanh nghiệp và giảm 17,5% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 5 tháng đầu năm 2023, cả nước có gần 62.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký gần 569.000 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 406.000 lao động.

Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2023, có 94.959 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Bình quân một tháng có gần 19.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Số liệu tình hình đăng ký doanh nghiệp 5 tháng đầu năm 2023 cũng cho thấy, kinh doanh bất động sản tiếp tục là lĩnh vực chịu áp lực và ảnh hưởng nặng nề nhất khi số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong lĩnh vực này có mức sụt giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tới 61,4%.

Ngoài ra, một trong những động lực chính của tăng trưởng là sản xuất công nghiệp có sự giảm sút.

Trong số 8/17 ngành có sự sụt giảm về số lượng doanh nghiệp thành lập mới so với cùng kỳ năm 2022 thì theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, cả 4 ngành nghề thuộc nhóm ngành công nghiệp và xây dựng đều có sự sụt giảm. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 10,1% về số doanh nghiệp gia nhập thị trường.

Vốn đăng ký giảm mạnh

Đáng chú ý, số vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới giảm 25,3% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức thấp nhất trong giai đoạn 5 tháng đầu năm kể từ 2019 đến nay.

Cụ thể, tổng vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới chỉ đạt mức 568.711 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng hơn 70% tổng số vốn cùng kỳ trong các năm chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 (năm 2021 con số này là 778.327 tỷ đồng và năm 2022 là 761.035 tỷ đồng).

Số vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong 5 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 9,2 tỷ đồng, mức thấp nhất trong 5 tháng đầu năm kể từ năm 2017. Số vốn đăng ký tăng thêm của doanh nghiệp đang hoạt động cũng giảm tới 51% so với cùng kỳ năm 2022.

Nhận định dựa trên các con số trên, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho biết, doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn kinh doanh khi những điểm nghẽn trên thị trường tài chính, trái phiếu doanh nghiệp khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và không huy động được vốn.

Theo lĩnh vực, vận tải đứng đầu các lĩnh vực ghi nhận tỷ lệ giảm vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới cao nhất, với mức giảm 69,4%. Tiếp sau là kinh doanh bất động sản giảm 62,3%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm giảm 61,6%; sản xuất phân phối, điện, nước, gas giảm 60,2%; thông tin và truyền thông giảm 59,8%...

88 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường

Ở chiều ngược lại, trong tháng 5/2023, có 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn; có 1.223 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, có 88.040 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 55.193 doanh nghiệp; 7.349 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Bình quân một tháng có 17.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Nhiều doanh nghiệp muốn giảm quy mô

Mới đây, Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về kết quả khảo sát tình hình của gần 10.000 doanh nghiệp và một số đề xuất, tham mưu để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Kết quả cho thấy doanh nghiệp đang trải qua bối cảnh đặc biệt khó khăn. Dẫn chứng là trong tổng số 9.556 doanh nghiệp tham gia khảo sát, có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.

Trong số các doanh nghiệp còn hoạt động năm 2023, có 71,2% dự kiến giảm quy mô lao động trên 5%, 22,2% dự kiến giảm trên 50%. Có 80,7% doanh nghiệp dự kiến giảm doanh thu trên 5%, tỷ lệ giảm trên 50% doanh thu là 29,4%.

Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày ngày 26/5/202 đã ký Công điện số 470/CĐ-TTg 3, nêu rõ, tình hình kinh tế thế giới đang tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ở trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép cả từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

Đọc tiếp