Cuộc vật lộn với Covid-19 tại 3 ‘tâm chấn’ Omicron

omicron THẾ GIỚI
13:00 - 19/12/2021
Nhân viên chuẩn bị vaccine phục vụ cho hoạt động tiêm chủng xuyên suốt 24 giờ tại trung tâm tiêm chủng Morris House GP Practice ở Haringey, Anh. Ảnh: PA
Nhân viên chuẩn bị vaccine phục vụ cho hoạt động tiêm chủng xuyên suốt 24 giờ tại trung tâm tiêm chủng Morris House GP Practice ở Haringey, Anh. Ảnh: PA
0:00 / 0:00
0:00
Biến chủng Omicron gây ra làn sóng dịch bệnh với tốc độ lây lan kỷ lục tại Nam Phi, Anh và Đan Mạch. Cuộc chiến chống dịch tại đây có thể là bài học cho các quốc gia khác trên thế giới khi đối phó với chủng mới của Covid-19.

Trong khi Chính phủ Anh thúc đẩy người dân tiêm vaccine để chống lại Omicron, tăng cường chiến dịch mũi tăng cường vào cuối tháng 12 thì Nam Phi tìm cách trấn an thế giới bằng các dữ liệu sơ bộ cho thấy Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn Delta, dù chưa chứng minh được mức độ kháng vaccine của Omircon.

Đan Mạch, quốc gia từng đi đầu tuyên bố mở cửa biên giới từ cuối tháng 9 nhờ tỷ lệ tiêm vaccine lên tới hơn 86% người trên 12 tuổi, giờ đang phải xem xét tái áp đặt các biện pháp hạn chế để kiểm soát sự lây lan của các ca mắc Omicron.

Vậy các quốc gia khác có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm của họ?

Đã quá muộn để ngăn chặn Omicron

Mặc dù hàng loạt các quốc gia áp đặt hàng loạt hạn chế đi lại với miền Nam châu Phi ngay sau khi phát hiện ra biến chủng mới hồi cuối tháng 11 vừa qua, nhưng biến chủng Omicron vẫn lây lan nhanh chóng lan truyền trên toàn cầu. Thậm chí Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) còn nhận định biến chủng này đã kịp có mặt tại hầu hết các quốc gia từ trước khi các nước kịp trở tay.

Mọi người xếp hàng để được tiêm các mũi tăng cường bên ngoài trung tâm tiêm chủng tại Bệnh viện St. Thomas ở London vào hôm 15/12. Ảnh: CNN

Mọi người xếp hàng để được tiêm các mũi tăng cường bên ngoài trung tâm tiêm chủng tại Bệnh viện St. Thomas ở London vào hôm 15/12. Ảnh: CNN

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một cuộc họp báo hôm 14/12 rằng, ít nhất có 77 quốc gia hiện đã báo cáo chính thức về các trường hợp mắc Omicron.

“Thực tế là Omicron có thể có ở hầu hết các quốc gia, ngay cả khi nó chưa được phát hiện”, ông cảnh báo. "Omicron đang lan truyền với tốc độ mà chúng tôi chưa từng thấy với bất kỳ biến chủng nào trước đây. Chúng tôi lo ngại rằng mọi người đang coi thường Omicron là biến chủng nhẹ. Nhưng cho đến giờ, chúng tôi chắc chắn đã đánh giá thấp loại virus nguy hiểm này”.

Ông nói thêm rằng, ngay cả khi Omicron gây ra triệu chứng nhẹ hơn, "số ca mắc có thể một lần nữa gây quá tải hệ thống y tế chưa sẵn sàng ứng phó”.

Hôm 14/12, Chính phủ Anh cũng đã phải rút lại lệnh hạn chế đi lại với 11 quốc gia ở miền nam châu Phi, khi Omicron đang lây lan mạnh trong chính quốc gia nước này.

"Tôi cho rằng Omicron sẽ sớm có mặt ở khắp mọi nơi", Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton của Anh nhận định. “Và sẽ có rất nhiều ca mắc Omicron trong cộng đồng mà hầu hết các quốc gia vẫn chưa phát hiện ra, một phần là do hệ thống xét nghiệm và năng lực chiết tách bộ gene vẫn đang còn hạn chế”.

Omicron đang trở thành biến chủng “thống trị”

Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh, sau 2 ca mắc biến chủng Omicron đầu tiên được phát hiện ở Anh vào ngày 27/11, cho đến ngày 14/12, nó đã vượt qua Delta để trở thành chủng Covid-19 thống trị ở London.

Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, các các mắc Omicron đang tăng gấp đôi sau mỗi hai ngày và tốc độ tăng ca nhiễm Omicron ở Anh tương tự mức tăng nhanh chóng đang diễn ra ở Nam Phi.

Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại London, Anh hôm 3/12. Ảnh: Reuters
Một điểm tiêm chủng vaccine Covid-19 tại London, Anh hôm 3/12. Ảnh: Reuters

Riêng trong ngày 17/12, Anh đã báo cáo 93.045 ca mắc mới, mức kỷ lục kể từ khi dịch bắt đầu. Nam Phi cũng ghi nhận số ca mắc hàng ngày cao nhất từ ​​trước đến nay vào hôm 15/12, với xấp xỉ 27.000 trường hợp.

Viện Huyết thanh Statens của Đan Mạch (SSI) dự đoán Omicron ​​sẽ trở thành biến chủng chiếm ưu thế trong tuần này. Gần 10.000 ca mắc đã được xác nhận ở nước này trong 24 giờ qua, SSI cho biết hôm 16/12. Thủ tướng Đan Mạch Mette Fredricksen nhận định số ca nhiễm Omicron là rất cao và bà chắc chắn rằng “rất cần đến các biện pháp hạn chế mới để phá vỡ chuỗi lây nhiễm”.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng cảnh báo Omicron sẽ trở thành chủng trội trong 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) vào giữa tháng 1/2022.

Trong đánh giá rủi ro mới nhất được công bố hôm 15/12, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) cho biết Omicron có nguy cơ lan rộng rất cao trong khu vực, đồng thời "có khả năng làm gia tăng số ca nhập viện và tử vong" vượt qua cả những gì từng dự báo về biến chủng Delta.

Tại Mỹ, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, Tiến sĩ Anthony Fauci nhận định rằng, Omicron chắc chắn sẽ trở thành chủng trội ở quốc gia này. Tuy nhiên, Fauci cho biết, vẫn chưa rõ mức độ gây triệu chứng nặng của biến chủng này như thế nào.

Còn quá sớm để kết luận về Omicron

Dữ liệu từ Nam Phi đang được xem xét kỹ lưỡng để tìm manh mối về cách thức lây lan của Omicron. Viện Quốc gia về Bệnh lây nhiễm Nam Phi (NICD) tuyên bố "có bằng chứng cho thấy làn sóng Omicron có thể nhẹ hơn, nhưng đang thu thập thêm dữ liệu".

Một nghiên cứu được Discovery Health, công ty bảo hiểm y tế lớn ở Nam Phi thì kết luận vaccine giảm hiệu quả trước biến chủng mới, nhưng Omicron gây ra các triệu chứng nhẹ hơn so với các biến chủng trước. Hai liều vaccine Pfizer có thể giảm nguy cơ mắc bệnh chung khoảng 33%, nhưng hiệu quả tới 70% trong việc ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng. Nguy cơ nhập viện ở người trưởng thành mắc Omicron cũng thấp hơn 29% so với chủng gốc của Covid-19.

Người dân đăng ký tiêm tại địa điểm tiêm Covid-19 di động ở quận Milnerton của Cape Town, Nam Phi, vào ngày 2/12. Ảnh: CNN

Người dân đăng ký tiêm tại địa điểm tiêm Covid-19 di động ở quận Milnerton của Cape Town, Nam Phi, vào ngày 2/12. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia y tế không lạc quan như vậy. Giám đốc Y tế của Anh Chris Whitty cảnh báo rằng, kỷ lục ca mắc mới hàng ngày của Anh "sẽ sớm bị vượt qua trong vài tuần tới nếu duy trì tốc độ này", dẫn tới số ca nhập viện tăng mạnh. Giáo sư Neil Ferguson, cố vấn y tế chính phủ Anh, cùng nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Hoàng gia ở London ngày 17/12 công bố báo cáo dữ liệu khẳng định “không thấy bằng chứng nào cho thấy Omicron ít nghiêm trọng hơn Delta”.

Chỉ tiêm vaccine sẽ không đủ để kiểm soát Omicron

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, trong bối cảnh Omicron lan rộng, các quốc gia tiếp tục triển khai các biện pháp can thiệp phi dược học (NPI) để giảm nguy cơ lây lan trong cộng đồng như giãn cách xã hội và cải thiện hệ thống thông gió trong nhà.

Người dân xếp hàng tại một điểm test nhanh COVID-19 ở Manhattan, thành phố New York, Mỹ, ngày 18/12. Ảnh: Reuters

Người dân xếp hàng tại một điểm test nhanh COVID-19 ở Manhattan, thành phố New York, Mỹ, ngày 18/12. Ảnh: Reuters

Đối mặt với những gì mà Thủ tướng Boris Johnson mô tả "làn sóng thủy triều” Omicron, chính phủ Anh quyết định "tăng áp" chiến dịch tiêm vaccine tăng cường. Các dữ liệu cho thấy hiệu quả của vaccine với Omicron giảm đáng kể nếu chỉ có hai liều, nhưng mũi thứ ba sẽ tăng khả năng bảo vệ lên tới hơn 70%.

Bên cạnh việc tiêm tăng cường vacicne, quốc hội Anh cũng tái áp đặt các biện pháp chống dịch bổ sung như yêu cầu thẻ xanh Covid-19 tại một số địa điểm như câu lạc bộ đêm và bắt buộc đeo khẩu trang ở hầu hết các không gian trong nhà.

Tương tự như vậy, Bộ trưởng Y tế Nam Phi Joe Phaahla kêu gọi người dân "hành xử có trách nhiệm và tuân thủ nghiêm chỉnh hơn" các biện pháp hạn chế để ngăn nguy cơ bùng phát mạnh Covid-19 trong kỳ nghỉ lễ cuối năm. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh điều quan trọng hiện nay là phải tiếp tục duy trì các biện pháp phòng ngừa, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là nhóm nước nghèo, có thể mất tới 12-24 tháng nữa mới có thể triển khai mũi tiêm thứ ba.

Nhu cầu về vaccine và xét nghiệm có thể tăng

Tốc độ lây lan kỷ lục của Omicron khiến nhu cầu tiêm mũi tăng cường và nhu cầu về các thử nghiệm vaccine Covid-19 tăng đột biến. Ví dụ trang web của Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã bị sập do nhu cầu về các cuộc gọi hẹn lịch tiêm tăng cường, các dụng cụ để tiêm đều trong tình trạng hết hàng. Cơ quan y tế nước này đã phải tăng gấp đôi số bộ xét nghiệm tại nhà cho người dân.

Người dân tại thành phố Nijmegen, Hà Lan, tranh thủ mua sắm cho dịp lễ trong lúc chờ đợi chính phủ công bố các biện pháp giới hạn mới để ngăn dịch bệnh lây lan. Ảnh: Reuters

Người dân tại thành phố Nijmegen, Hà Lan, tranh thủ mua sắm cho dịp lễ trong lúc chờ đợi chính phủ công bố các biện pháp giới hạn mới để ngăn dịch bệnh lây lan. Ảnh: Reuters

Đan Mạch cũng báo cáo rằng hệ thống xét nghiệm Covid-19 của nước này đang chịu áp lực khi tỷ lệ lây nhiễm tăng lên.

Trong khi đó tại Nam Phi, nhu cầu về vaccine đã không tăng kể từ khi biến chủng Omicron xuất hiện. Nhưng Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, người có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19 vào tuần trước, đã kêu gọi người dân mau chóng tiêm vaccine. "Hãy làm mọi thứ bạn có thể và cần để giữ an toàn. Nên bắt đầu bằng việc tiêm phòng”, ông viết một dòng Tweet.

Nhiều khả năng không tái phong tỏa

Cho đến nay, dù số ca nhiễm đang tăng mạnh, các quốc gia nhiều khả năng sẽ không tái áp đặt phong tỏa như trước đây. Phát biểu trong chuyến thăm một trung tâm tiêm chủng ở Ramsgate, miền nam nước Anh, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng thay vì "khóa chặt mọi thứ lại", chính phủ yêu cầu mọi người "thận trọng" và "suy nghĩ lại các kế hoạch của họ vào dịp Giáng sinh sắp tới”.

Tuy nhiên, Michael Head, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế toàn cầu tại Đại học Southampton (Anh), cho rằng các quốc gia nên chấp nhận thực tế rằng họ có thể vẫn cần phong tỏa vào một thời điểm nào đó, dù là với Omicron hay biến thể khác trong tương lai vì theo ông phong tỏa vẫn là :phương cách hữu dụng cuối cùng".

Hiện tại, nhiều quốc gia vẫn đang duy trì áp dụng một loạt các biện pháp hạn chế sự lây lan của các biến chủng Omicron và Delta như cấm tổ chức các sự kiện ngoài trời và tụ tập đông người ở Pháp, hay đóng cửa nhà hàng trước 20h ở Ireland...

Nhiều nơi đang chấp nhận thực tế sẽ phải học cách sống chung với biến chủng mới, khi tỷ lệ tiêm chủng đang dần được cải thiện. Thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố: “Virus đang ở đây. Omicron đang có mặt ở Australia. Nhưng chúng tôi sẽ sống chung với virus và không để nó kéo chúng tôi lùi lại”.

Ngày 18-12, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết 89 quốc gia đã ghi nhận sự có mặt của Omicron. Số ca nhiễm đã tăng gấp đôi trong vòng từ 1,5 đến 3 ngày tại một số khu vực. Omicron đang lây lan nhanh chóng ở ngay cả các quốc gia có mức miễn dịch toàn dân cao. Dù vậy, WHO vẫn chưa kết luận được liệu điều này xuất phát từ khả năng trốn tránh miễn dịch, khả năng lây nhiễm nhanh hơn hay sự kết hợp của cả hai ở biến thể trên.

Tin liên quan

Đọc tiếp