World Bank dự báo tăng trưởng GDP cả năm đạt 2-2,5%, kiến nghị tăng hỗ trợ DN

TÀI CHÍNH Việt nAM
21:25 - 14/10/2021
World Bank dự báo tăng trưởng GDP cả năm đạt 2-2,5%, kiến nghị tăng hỗ trợ DN
0:00 / 0:00
0:00
Ngân hàng Thế giới vừa cập nhật báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9/2021, trong đó chỉ ra rằng việc nối lại hoạt động kinh tế sau thời gian cách ly xã hội đang đối mặt với một số trở ngại.

Báo cáo của World Bank chỉ ra hàng loạt dữ liệu kinh tế suy giảm mạnh mẽ trong quý III vừa qua khi Việt Nam phải đối mặt với làn sóng bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng liên quan đến biến thể Delta.

Dự báo tăng trưởng GDP cả năm đạt 2-2,5%

GDP quý III/2021 của Việt Nam ghi nhận mức giảm 6,17% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lớn nhất mà Việt Nam từng ghi nhận kể từ khi công bố dữ liệu GDP quý đến nay.

Trong đó, ngành dịch vụ chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất, đặc biệt tại các “đầu tàu kinh tế” như Hà Nội và TP.HCM, với mức giảm 9,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 60% trong tổng mức giảm GDP quốc gia. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 6,5% so với tháng 8 sau chuỗi giảm 4 tháng liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn giảm 28,4% so với cùng kỳ năm 2020.

Ngành công nghiệp chịu tác động trầm trọng, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái khi hàng loạt khu công nghiệp, khu chế xuất tại các tỉnh phía Nam phải đóng cửa để kiểm soát sự lây lan dịch bệnh. Mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp ghi nhận sự phục hồi nhẹ trong tháng 9 (tăng 4,9% so với tháng 8), nhưng vẫn thấp hơn 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đà phục hồi cũng được đánh giá là không đồng đều giữa các vùng miền trên cả nước, khởi sắc ở các trung tâm công nghiệp miền Bắc và tiếp tục chững lại ở phía Nam. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) chỉ đạt 40,2 trong tháng 9, cho thấy điều kiện kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn do hàng loạt yếu tố như gián đoạn chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động.

Điểm sáng duy nhất trong bức tranh chung của các khu vực kinh tế là sự tăng trưởng 1% trong ngành nông nghiệp.

Nguồn: MPI

Nguồn: MPI

Trong bối cảnh các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM đang dỡ bỏ dần các hạn chế kiểm dịch, World Bank dự báo GDP Việt Nam trong cả năm 2021 có thể đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 2-2,5%, thấp hơn đáng kể so với dự báo 4,8% hồi tháng 8 năm nay.

Một thách thức lớn với nền kinh tế là sự suy yếu của thị trường lao động, với tỷ lệ thất nghiệp tăng 1% và tỷ lệ thiếu việc làm tăng 1,8% trong quý III so với quý liền trước. Trong khi đó, mức lương thực tế bình quân tháng giảm 10,1% so với quý II/2021 và giảm 12,1% so với cùng kỳ năm ngoái. World Bank đánh giá đây là một bước thụt lùi đáng kể, ảnh hưởng đến quá trình phục hồi thu nhập cũng như làm giảm chi tiêu tiêu dùng, một động lực chính trong tăng trưởng GDP.

Nhập khẩu tăng trưởng chững lại khi nhu cầu trong nước suy yếu

Trong tháng 9, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giảm 0.6% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi nhập khẩu tăng trưởng chững lại đáng kể, chỉ tăng 9,5% so với cùng kỳ tháng trước do sự suy yếu nhu cầu trong nước. Với sự chững lại của nhập khẩu, đây là tháng đầu tiên Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại kể từ tháng 4/2021 đến nay.

Theo World Bank, tăng trưởng trong kim ngạch nhập khẩu tháng 9 chủ yếu xuất phát từ thực tế giá nhập khẩu tăng cao (tăng khoảng 9,5% trong quý III/2021 so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn: World Bank

Nguồn: World Bank

Xuất khẩu tháng 9 gần như đi ngang. Các ngành xuất khẩu giày da, dệt may và gỗ - nhóm mặt hàng chiếm khoảng 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 - giảm mạnh tới 28,3% do ảnh hưởng từ các biện pháp giãn cách xã hội tại một số tỉnh thành phía Nam.

Bù lại, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, chiếm đến 44% tổng kim ngạch xuất khẩu năm ngoái tiếp tục tăng. Một số ngành hàng thậm chí đạt mức tăng trưởng khả quan như điện thoại (15,2%); máy móc, thiết bị (10,9%), máy vi tính & sản phẩm điện tử (tăng 3,0%). Kim ngạch xuất khẩu kim loại và các sản phẩm kim loại cũng tăng mạnh 75,5% so với cùng kỳ năm ngoái do giá kim loại trên thị trường thế giới tăng cao.

Tính theo từng thị trường cụ thể, báo cáo kinh tế vĩ mô của World Bank cho thấy kim ngạch xuất khẩu sang cả hai thị trường quan trọng là Mỹ và Trung Quốc đều giảm so với cùng kỳ năm trước.

Vốn FDI tiếp tục tăng

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng tháng thứ 3 liên tiếp.

Trong đó, vốn FDI đăng ký tháng 9/2021 tăng 26,1% so với hồi tháng 8, một sự phục hồi mạnh mẽ phản ánh lòng tin bền vững của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn. Dòng vốn đăng ký mới chủ yếu đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo (tăng 90,7% so với tháng 8).

Do việc nới lỏng các hạn chế di chuyển, vốn FDI thực hiện cũng phục hồi, đạt mức tăng 57,4% so với tháng 8 dù vẫn giảm 29,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tổng thể, vốn FDI đăng ký đạt 22,1 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm 2021, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn FDI thực hiện giảm 3,5% trong cùng kỳ.

Lạm phát vẫn còn ở mức thấp

Trong tháng 9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) giảm 0,7% so với tháng 8. Mức giảm một phần do chi phí nhà ở thấp hơn khi tiền thuê nhà và giá điện nước sinh hoạt giảm ở các địa phương đang thực hiện cách ly xã hội. Học phí giảm cũng góp phần làm giảm áp lực lạm phát.

Giá lương thực thực phẩm cũng chững lại khi các tỉnh từng bước nới lỏng hạn chế di chuyển, qua đó giải tỏa các nút thắt làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng. Giá cả hàng hóa và dịch vụ khác đi ngang do nhu cầu trong nước còn yếu. So với năm trước, CPI tháng 9 tăng 2,1%, thấp hơn mức tăng 2,8% hồi tháng 8.

Nguồn: World Bank

Nguồn: World Bank

Xu hướng này trái ngược với nhiều nền kinh tế trên toàn cầu, những quốc gia đang ghi nhận CPI tăng vọt do giá năng lượng, giá lương thực thực phẩm hay giá nguyên liệu đầu vào tăng đột biến.

Trong báo cáo vĩ mô 9 tháng đầu năm vừa công bố, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định lãi suất còn dư địa giảm thêm trong bối cảnh lạm phát được kiểm soát tốt, thị trường ngoại hối ổn định và tỷ giá từ nay đến cuối năm không chịu áp lực, thanh khoản lành mạnh.

Ngân sách tháng 9 bội chi lớn nhất kể từ đầu năm

Trong 9 tháng đầu năm, ngân sách ghi nhận bội thu ở mức 46,6 nghìn tỷ đồng, do tổng chi giảm 7,4% so với cùng kỳ năm ngoái trong khi tổng thu tăng 10,5%. Ngược lại, ngân sách tháng 9 ghi nhận mức bội chi lớn nhất kể từ đầu năm, khi thu ngân sách giảm 21,7% so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh hoạt động kinh tế chững lại.

Giải ngân vốn đầu tư công tăng 3,9% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, mặc dù phải tăng chi để kiểm soát đợt dịch lần thứ tư và để hỗ trợ thu nhập cho các hộ gia đình, nhưng chi thường xuyên vẫn giảm 3,6% so với tháng 9/2020.

World Bank nhận định chính sách tài khóa thắt chặt có nguyên nhân phần nào do những cứng nhắc trong quy trình ngân sách, không cho phép điều chuyển nguồn lực nhanh chóng trong thời điểm khủng hoảng. Mặt khác, kế hoạch vốn đầu tư công giải ngân chậm trong nửa đầu năm và tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đợt cách ly xã hội trong quý III/2021.

Trong tháng 9, một số biện pháp hỗ trợ tài khóa bổ sung được thông qua, trong đó có gói hỗ trợ tài chính trị giá khoảng 21,3 nghìn tỷ VND dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 10. Gói hỗ trợ này chủ yếu bao gồm miễn giảm thuế cho các đối tượng hộ kinh doanh, doanh nghiệp vừa và nhỏ bị giảm doanh số và các doanh nghiệp trong các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Đồng thời, các cấp có thẩm quyền cũng phê duyệt gói giảm 30% tiền thuê đất cho doanh nghiệp và hộ gia đình bị ảnh hưởng trong đợt dịch đang diễn ra.

Chính phủ vay 38,5 nghìn tỷ đồng trên thị trường trong nước trong tháng 9, nâng tổng vay nợ tính từ đầu năm lên 248,8 nghìn tỷ đồng, tương đương 71% kế hoạch năm. Thanh khoản dồi dào tiếp tục giữ cho chi phí vay nợ ở mức thấp, với lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm trên thị trường sơ cấp tăng nhẹ lên mức 2,21% vào cuối tháng 9.

Trong báo cáo vừa trình Quốc hội hôm 14/10 về nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022, Chính phủ cho biết nợ Chính phủ hiện khoảng 3,35 triệu tỷ đồng, tương đương 39,5% GDP. Dự kiến nợ công cả năm 2021 tương đương 43,7% GDP, vẫn ở ngưỡng an toàn và thấp hơn nhiều mức trần dưới 60% GDP mà Quốc hội cho phép. Năm ngoái, nợ công của Việt Nam cũng chỉ ở mức 44,4% GDP, thuộc top thấp nhất khu vực.

Cần áp dụng chính sách tài khóa mở rộng, hỗ trợ nhiều hơn cho người lao động và doanh nghiệp

World Bank chỉ ra rằng quá trình khôi phục các hoạt động kinh tế sau một giai đoạn cách ly xã hội kéo dài ở nước ta có thể phải đối mặt với một số trở ngại, từ các vấn đề mang tính toàn cầu như nút thắt về logistics cho đến các thách thức nội tại như thiếu hụt lao động và sản phẩm.

World Bank đề xuất để giúp gỡ bỏ những nút thắt về logistics, việc tiếp tục thực hiện xét nghiệm và tiêm vắc xin, khuyến khích dịch chuyển lao động cần được ưu tiên. Các cấp có thẩm quyền nên áp dụng chính sách tài khóa mở rộng và sử dụng các công cụ tài khóa khác nhau trong khả năng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.

World Bank đề xuất 3 giải pháp để biến các công cụ tài khóa thành động lực tăng trưởng kinh tế: Một là giảm sự cứng nhắc về thủ tục trong thực hiện ngân sách chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển để hỗ trợ tổng cầu.

Hai là mở rộng hơn nữa hỗ trợ cho người lao động cả ở khu vực chính thức và phi chính thức, cũng như các hộ gia đình; giúp họ vượt qua khó khăn khi quay lại làm việc. Ba là tiếp tục hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp để tái khởi động các hoạt động kinh doanh sau một thời kỳ dài đóng cửa, đặc biệt trong ngành dịch vụ bị ảnh hưởng trực tiếp bởi làn sóng dịch như du lịch, ăn uống và lưu trú.

Tin liên quan

Đọc tiếp