Xuất khẩu cá tra kỳ vọng tăng trưởng tại các thị trường ngách

Cá tra Việt nAM
16:19 - 05/01/2023
Xuất khẩu cá tra kỳ vọng tăng trưởng tại các thị trường ngách
0:00 / 0:00
0:00
VASEP dự báo kết quả xuất khẩu cá tra năm 2023 khó có thể duy trì như năm 2022. Dù vậy, việc Trung Quốc mở cửa cũng như tiềm năng vẫn còn tại thị trường có thị phần nhỏ hơn như ASEAN, Trung Đông, xuất khẩu cá tra kỳ vọng vẫn giữ tăng trưởng trong năm nay.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ước tính xuất khẩu cá tra năm 2022 của Việt Nam có thể đạt kỷ lục với hơn 2,4 tỷ USD. Tuy nhiên, trước tác động của lạm phát tại các thị trường, xuất khẩu cá tra của Việt Nam đã bắt đầu ghi nhận giảm vào tháng 11, đây cũng là tháng đầu tiên xuất khẩu cá tra ghi nhận lực giảm trong năm 2022.

Theo báo cáo ngành cá tra ngày 27/12/2022 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS), sản lượng cá tra của Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 10/2022 hầu như đều tăng trưởng hơn 60% so với năm 2021. Tuy nhiên, sản lượng và kim ngạch xuất khẩu trong quý III/2022 giảm lần lượt là 25% và 33% so với quý 2/2022.

Theo báo cáo, nguyên nhân do lượng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu thường đạt đỉnh từ tháng 6,7. Tại thị trường Mỹ (thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam) có năm tài chính kết thúc vào 30/6 nên các doanh nghiệp sẽ cố gắng xả kho vào thời điểm này, khiến giá cá tra ghi nhận sự hạ nhiệt.

Xuất khẩu cá tra có giảm sụt nhẹ ở các tháng gần đây là do Trung Quốc mới chỉ nới lỏng một phần các biện pháp phong tỏa. Đồng thời thị trường Mỹ đang bị thiếu hụt nhân sự về logistic, khiến nhiều lô hàng bị kẹt lại cảng chưa đến được tay người mua. Nhìn chung, nhu cầu về cá tra vẫn chưa hề hạ nhiệt, tuy nhiên một số yếu tố ngoại cảnh vẫn tác động tiêu cực đến quá trình xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Kỳ vọng vào sự tăng trưởng tại các thị trường xuất khẩu vào năm 2023

Theo các chuyên gia VASEP, dự báo xuất khẩu cá tra sang một số thị trường chủ lực trong quý I/2023 sẽ sụt giảm mạnh vì đơn hàng giảm và kết quả năm 2023 khó có thể duy trì được như năm 2022. Tuy nhiên, doanh nghiệp cá tra vẫn có thể linh hoạt điều chỉnh thị trường xuất khẩu vì vẫn có những tín hiệu lạc quan ở một số thị trường hoặc khối thị trường, từ đó giữ tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2023.

Trung Quốc chắc chắn sẽ là kỳ vọng lớn nhất với ngành cá tra năm nay sau khi nước này bỏ các quy định kiểm soát, xét nghiệm Covid đối với hàng nhập khẩu. Việc nới lỏng chính sách kiểm soát Covid sẽ thúc đẩy mạnh mẽ nhu cầu tiêu thụ thực phẩm và thủy sản của thị trường này. Dự báo các phân khúc tiêu thụ thực phẩm như khách sạn, nhà hàng, dịch vụ sẽ bùng phát nhu cầu trở lại từ Tết Nguyên đán.

Trong số các thị trường nhập khẩu cá tra Việt Nam, Trung Quốc thu hút số doanh nghiệp xuất khẩu đông đảo nhất. Năm 2022, có hơn 160 doanh nghiệp Việt Nam có mặt hàng cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc, mang về doanh số hơn 700 triệu USD, chiếm 29% tổng xuất khẩu cá tra.

Bên cạnh Trung Quốc, các nước ASEAN cũng có sức hút lớn đối với doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Tính riêng 11 tháng năm 2022, xuất khẩu cá tra sang khối này chiếm 8% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Trong đó, nổi bật nhất là thị trường Thái Lan, chiếm trên 45% giá trị nhập khẩu cá tra của toàn khối. Sau Covid, thị trường này đã mở cửa hoàn toàn và ngành du lịch đang hồi phục mạnh mẽ. Các phân khúc nhà hàng, khách sạn lại tạo ra dư địa lớn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm.

Trong năm 2022, các nước ASEAN cũng chịu tác động của “3 cơn lốc” là việc hạn chế tại thị trường Trung Quốc do Covid, xung đột Nga – Ukraine và tăng trưởng toàn cầu chậm lại. Tuy nhiên, so với các khu vực kinh tế khác, ASEAN vẫn tăng trưởng tốt hơn và chịu tác động lạm phát ít hơn.

Trung Đông cũng được đánh giá là một khu vực kinh tế ổn định trong năm 2022 và 2023 và cũng là thị trường tiêu thụ cá tra tiềm năng. Hiện tại, thị trường này mới chỉ chiếm 6% tổng xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

Năm 2022, chiến sự Nga – Ukraine căng thẳng, nguồn cung dầu mỏ từ Nga hạn chế là cơ hội để các nước Trung Đông thu lợi nhuận, do vậy kinh tế của khu vực này vẫn tăng trưởng lạc quan và tăng cao hơn so với năm 2021. Mặc dù cũng bị lạm phát cao nhưng nhìn chung nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của các nước Trung Đông không bị ảnh hưởng nặng nề như các thị trường khác. Đó là yếu tố để doanh nghiệp thuỷ sản Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Đông.

Ngoài ra, khối thị trường CPTPP vẫn có sức hút với các doanh nghiệp cá tra vì lợi thế thuế quan và một số thị trường trong khối có tăng trưởng kinh tế ổn định và khả quan so với các thị trường khác.

Đọc tiếp