Xuất khẩu thủy sản tăng trưởng đột biến, ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD

XUẤT KHẨU THỦY SẢN
08:25 - 28/12/2022
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021.
0:00 / 0:00
0:00
2022 là năm thứ hai Tổng cục Thủy sản thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các chỉ tiêu của ngành đều đạt vượt mức đề ra.

Tại Hội nghị Tổng kết năm 2022 và Triển khai kế hoạch năm 2023 của Tổng cục Thủy sản, ngày 27/12, báo cáo của Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2022 tốc độ giá trị sản xuất thủy sản tăng 3% so với năm 2021, tổng sản lượng đạt 9,06 triệu tấn, tăng 3,1% so với năm 2021.

Trong đó, sản lượng nuôi trồng đạt 5,19 triệu tấn, tăng 7% với năm 2021 và 3,7% (theo kế hoạch 5 triệu tấn). Sản lượng khai thác đạt 3,86 triệu tấn, giảm 1,8% so với năm 2021.

Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2022 ước đạt kỷ lục khoảng 11 tỷ USD, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 22,2% so kế hoạch (9,0 tỷ USD). Đặc biệt, hai mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng là tôm nước lợ đạt 4,1 - 4,2 tỷ USD, tăng khoảng 13% so với năm 2021 và cá tra đạt 2,35 tỷ USD, tăng khoảng 70% so với năm 2021.

Về tổ chức sản xuất, ngành có nhiều bước tăng trưởng đột biến. Riêng cá tra, diện tích thả nuôi đạt 5.700 ha, bằng với cùng kỳ năm 2021 nhưng sản lượng đạt 1,712 triệu tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2021. Diện tích nuôi biển đạt khoảng 9 triệu m³ lồng, bao gồm: 4 triệu m³ lồng nuôi cá biển, 5 triệu m³ lồng nuôi tôm hùm. Tổng sản lượng đạt 670 nghìn tấn, tăng 3,5% so với năm 2021.

Giữ vững 3 trụ cột tăng trưởng

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đánh giá ngành thủy sản đã xây dựng được không gian phát triển, với nền tảng là Chiến lược Phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Từ không gian này, Việt Nam đã xây dựng được bộ khung giải pháp, dự báo được cơ hội và nhìn thẳng vào khó khăn, thách thức.

"2022 là năm mà ngành thủy sản chịu rất nhiều cái áp lực. Tuy nhiên, bằng suy nghĩ, cách làm chủ động, sáng tạo, toàn ngành đã giảm được áp lực của thách thức, biến nguy thành cơ, thông qua việc đa dạng hóa đối tượng mục tiêu”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Trong định hướng tăng cường nuôi trồng, ngành thủy sản đã tập trung thí điểm, khai thác, sử dụng các lòng hồ. Với diện tích mặt nước lớn, trải rộng khắp tại nhiều khu vực trên cả nước, lòng hồ giúp bà con nông dân đảm bảo, nâng cao sinh kế, đồng thời góp phần giảm việc khai thác ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

"Thủy sản giờ không còn chỉ là tôm, cá tra, và khai thác hải sản, chúng ta đã có nhiều biện pháp, kế hoạch nuôi trồng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, các sản phẩm thường được coi là thị trường ngách. Nhờ vậy, sản lượng nuôi trồng đã đạt 5,19 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2021”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phân tích.

Theo Thứ trưởng, những đóng góp này có ý nghĩa quan trọng trong tăng trưởng chung của toàn ngành nông nghiệp. Đây cũng là nỗ lực của các bên liên quan trong chuỗi cung ứng ngành hàng, trong đó có các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Trên cơ sở Quyết định 339/QĐ-TTg năm 2021 về phát triển thủy sản bền vững, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT kêu gọi toàn ngành thủy sản giữ vững 3 trụ cột là: nuôi trồng, khai thác, bảo tồn.

Trong đó, các hoạt động xúc tiến, nhất là công tác mở rộng thị trường sản phẩm thủy sản đóng vai trò quan trọng. Hầu hết doanh nghiệp đối tác, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản... đều đón nhận sản phẩm Việt Nam, dù nhiều chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm trên thế giới bị đứt gãy.

Điểm nổi bật được Thứ trưởng chỉ ra là giá trị xuất khẩu đạt gần 11 tỷ USD, mức kỷ lục trong lịch sử. Đây sẽ là nền tảng để Bộ chỉ đạo Tổng cục Thủy sản trong công tác điều hành đầu năm 2023, thời điểm được dự báo kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

“Nhất là khi lạm phát, chi phí đẩy, và khủng hoảng năng lượng tại nhiều quốc gia, thủy sản Việt Nam đã tranh thủ đẩy mạnh xuất khẩu ngay từ đầu năm 2022. Nhờ vậy, dù số lượng đơn hàng trong giai đoạn nửa cuối năm trồi sụt, ngành thủy sản vẫn đạt mức tăng trưởng ấn tượng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Tin liên quan

Đọc tiếp