22% doanh nghiệp đã phục hồi như trước dịch

DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI
17:00 - 10/12/2021
60% DN đang hoạt động cho biết họ bị chậm giao hàng, 48% DN bị hủy các đơn hàng
60% DN đang hoạt động cho biết họ bị chậm giao hàng, 48% DN bị hủy các đơn hàng
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù đã có những dấu hiệu tích cực trong sản xuất, kinh doanh sau Nghị quyết 128 nhưng hiện mới chỉ có 22% doanh nghiệp phục hồi được đầy đủ, số còn lại vẫn còn nhiều khó khăn cần sớm nhận được sự hỗ trợ về chính sách để vượt qua khó khăn do Covid-19 gây ra.

Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân - Ban IV (Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính) vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, tổng hợp phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động thông qua hai cuộc khảo sát diện rộng trong tháng 10/2021.

Cụ thể, trong tổng số 3.440 doanh nghiệp tham gia khảo sát, số “đang hoạt động” chiếm tỷ lệ là 39%, cao hơn gấp 2 lần so với tỷ lệ này trong báo cáo tháng 8/2021.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn như giá nguyên liệu đầu vào tăng (56% khảo sát), cầu thị trường yếu chưa đảm bảo kinh doanh có lãi (43% khảo sát), chi phí xét nghiệm cho lao động là áp lực rất lớn là cấu thành lớn trong chi phí của doanh nghiệp (41% khảo sát).

Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là thiếu lao động, 30,8% cho biết thiếu lao động nói chung và không thể tuyển dụng lại được, trong khi tỷ lệ doanh nghiệp thiếu lao động có trình độ chuyên môn cũng đạt con số 30%.

Hơn 45% doanh nghiệp cho là phải đưa ra mức thu nhập cao hơn so với trước dịch để thu hút lao động trở lại. Điều này đặt ra bài toán đối với doanh nghiệp là cần tính toán tăng năng suất lao động nhanh hơn tốc độ tăng tiền lương để có thể giữ chân người lao động.

Sau áp dụng Nghị quyết 128, các doanh nghiệp đã có những dấu hiệu tích cực trong phục hồi sản xuất, kinh doanh, tuy nhiên, sự phục hồi không đồng đều giữa các nhóm ngành nghề. Có 34,8% doanh nghiệp ngành dịch vụ đã hoạt động trở lại, con số này thấp là do tiểu ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống và dịch vụ du lịch khác cùng với tiểu ngành giáo dục và đào tạo có tỷ lệ doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh chỉ đạt lần lượt là 10% và 12%.

Tỷ lệ doanh nghiệp trong ngành xây dựng thuộc diện “đang hoạt động" là 38,1%, gấp hơn khoảng 3 lần kết quả trong khảo sát tháng 08/2021, tuy nhiên tỷ lệ này vẫn còn dưới 50%.

Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản có tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động trở lại đạt 50,4%, cao hơn gấp 2 lần so với tỷ lệ này trong khảo sát tháng 08/2021. Nhóm ngành công nghệ có tỷ lệ số doanh nghiệp ở diện “đang hoạt động” cao nhất là 51,7%, cao gấp đôi so với tỷ lệ này trong khảo sát tháng 08/2021.

Do những khó khăn về đứt gãy chuỗi cung ứng, cầu thị trường chưa đảm bảo mở cửa, thiếu lao động và chi phí nguyên tăng cao nên vẫn có 60% doanh nghiệp đang hoạt động cho biết họ bị chậm giao hàng, 48% bị hủy các đơn hàng và 23% doanh nghiệp chia sẻ không rõ có thể hoàn thành đơn hàng hay không.

Rất nhiều doanh nghiệp mong muốn được điều chỉnh quy định liên quan tới giờ làm thêm của người lao động để đẩy nhanh tốc độ sản xuất nhằm bù đắp khó khăn của giai đoạn đình trệ kéo dài vừa qua.

Trong bối cảnh đó, đánh giá về triển vọng phục hồi, 22% doanh nghiệp ở diện “đang hoạt động” cho biết đã phục hồi như trước dịch, 45% doanh nghiệp cho biết nếu các địa phương thực hiện đúng Nghị quyết 128 thì DN sẽ phục hồi trong khoảng thời gian từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Đối với những doanh nghiệp đang tạm ngừng sản xuất kinh doanh thì con số này là 40% nhưng lại có 48% doanh nghiệp không dự tính được thời gian phục hồi do chính sách của địa phương bất định.

Đánh giá mức độ tác động của đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 4 đến tinh thần lãnh đạo doanh nghiệp, kết quả khảo sát cho thấy 43% đang phải tỏ ra lạc quan để chèo lái doanh nghiệp, trong khi 46% cảm thấy bị động do quá trình thực thi chính sách về phòng, chống dịch tại các địa phương còn thiếu đồng bộ và 44% doanh nghiệp cảm thấy lo lắng, bất an.

Doanh nghiệp mong chờ các chính sách hỗ trợ để bứt phá phục hồi

Căn cứ tình hình nêu trên và qua trao đổi, thảo luận với lãnh đạo của gần 40 Hiệp hội doanh nghiệp những ngày qua, Ban IV đã có những đề xuất về y tế, quy định pháp lý mới trong sản xuất và nguồn tài chính hỗ trợ doanh nghiệp gửi Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Ban IV đề xuất doanh nghiệp có thể được kí hợp đồng với các đơn vị y tế đủ năng lực để xử trí các vấn đề phòng, chống dịch. Đây là cơ sở của việc tạo lập môi trường làm việc an toàn và xây dựng năng lực y tế trong doanh nghiệp để duy trì liên tục sản xuất kinh doanh.

Kết quả khảo sát cho thấy, việc “thích ứng, sống chung với dịch” là chiến lược lâu dài nên doanh nghiệp cần tự chủ để cải thiện môi trường làm việc và các quy trình nội bộ. Theo đó, Ban IV đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp DN có thể lựa chọn trong việc tạo lập môi trường lao động an toàn, nâng cao năng lực y tế tại cơ sở.

Huy động đội ngũ chuyên gia y tế dự phòng nghiên cứu, hình thành các quy trình hướng dẫn dễ hiểu, dễ áp dụng (tương tự 5K cho toàn dân) để doanh nghiệp và người lao động áp dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tương tác với khách hàng. Ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại doanh nghiệp.

Trong điều kiện hiện nay, khi phần lớn người lao động đã được tiêm từ 1-2 mũi vaccine, doanh nghiệp cũng đã chủ động thích ứng và phòng bị bằng 5K, test nhanh, cũng như phân chia ca kíp, phân nhóm để hạn chế tối đa rủi ro, nguy cơ lây lan, đồng thời cũng để thuận tiện khi khoanh vùng, truy vết, giảm thiểu thiệt hại về lao động thì việc có hướng dẫn riêng về quy trình xử lý F0 tại doanh nghiệp là cần thiết để đảm bảo luôn duy trì được hoạt động.

Trường hợp doanh nghiệp có F0 nhưng có tổ chức phân ca kíp, phân nhóm thì dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế, chính quyền cơ sở có thể cùng doanh nghiệp đánh giá bóc tách theo cấp độ nguy cơ nhỏ nhất để doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại khu công nghiệp
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại khu công nghiệp

Về việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua các khó khăn về lao động, việc làm trong bối cảnh dịch, Ban IV kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, địa phương liên quan xem xét cải thiện các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến thời gian, chế độ làm việc của người lao động trong bối cảnh dịch, quy định về giờ làm thêm của người lao động để doanh nghiệp có điều kiện bố trí nhân lực đẩy mạnh sản xuất.

Bên cạnh đó, nghiên cứu, xây dựng các quy định pháp lý mới (như các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động) với hình thức làm việc mới như làm việc trực tuyến, làm việc tại nhà... vì đây là xu hướng tăng mạnh trong và sau đại dịch.

Ngoài ra, Ban IV cũng kiến nghị xem xét điều chỉnh giảm mức đóng BHXH đi kèm với việc phát triển các quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện với những cơ chế linh hoạt cho phép người lao động được vay từ quỹ bảo hiểm hưu trí khi gặp khó khăn về tài chính, khi mà điều này không thể thực hiện được đối với quỹ BHXH.

Đây có thể là giải pháp hạn chế việc rút BHXH một lần của người lao động, đồng thời là giải pháp giúp doanh nghiệp có thêm một chính sách để thu hút hoặc giữ chân người lao động.

Về đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn về tài chính và khó khăn khác để phục hồi, phát triển, Ban IV kiến nghị Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ đủ sâu, đủ rộng, có tính toán tới đặc thù của từng ngành và triển khai ngay trong đầu năm 2022 nhằm tạo đà cho doanh nghiệp có sức phục hồi và bứt phá, tận dụng được cơ hội mang lại từ Nghị quyết 128.

Kết quả khảo sát cho thấy các lãnh đạo nghiệp cũng rất kì vọng sẽ sớm được tham dự chương trình đối thoại công - tư với Lãnh đạo Chính phủ để đóng góp các giải pháp, hiến kế cho mục tiêu đảm bảo tăng trưởng hậu COVID-19.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.