Hầu hết các doanh nghiệp ngành gỗ đã phục hồi sản xuất, đối mặt nỗi lo thiếu lao động

Ngành gỗ Việt nAM
18:47 - 29/10/2021
Xuất khẩu gỗ trong 9 tháng năm 2021 đạt 11,11 tỷ USD,
Xuất khẩu gỗ trong 9 tháng năm 2021 đạt 11,11 tỷ USD,
0:00 / 0:00
0:00
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 9 tháng năm 2021 đạt 11,11 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2020. Nhu cầu từ thị trường Mỹ, Nhật, Trung Quốc vẫn rất cao. 

Đây là những số liệu được thông tin tại Hội thảo “Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới” sáng 29/10.

Hội thảo do Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh, Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai, Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định cùng Tổ chức Forest Trends đồng tổ chức.

Đơn hàng ngành gỗ dồi dào

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 09/2021 đạt 701 triệu USD, giảm 39,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên trong cả 9 tháng, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đạt 11,11 tỷ USD, tăng 30,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Tại Hội thảo, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, do nhu cầu vẫn rất cao từ thị trường Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc,... hiện hầu hết các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ đã phục hồi sản xuất.

Hội thảo “Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới” sáng 29/10.

Hội thảo “Doanh nghiệp ngành gỗ chuẩn bị phục hồi trong bối cảnh bình thường mới” sáng 29/10.

Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong 9 tháng năm 2021 đạt khoảng 6,5 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ 2020. Các thị trường khác gồm Trung Quốc đạt 1,13 tỷ USD, tăng 23,4%; Nhật Bản đạt 1,01 tỷ USD, tăng 11,7%.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, từ tháng 10/2021, xuất khẩu ngành gỗ đã có sự tăng trưởng trở lại rõ rệt. Với đà phục hồi hiện tại, mục tiêu xuất khẩu gỗ cả năm đạt 14,5 tỷ USD khá khả quan.

Các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu gỗ cho biết, họ đã có các phương án để sớm phục hồi sản xuất trong bối cảnh đơn hàng đang rất dồi dào. Các chính sách về thu hút lao động trở lại làm việc, có thêm các nguồn tài chính, sự chủ động về nguyên, phụ liệu trong bối cảnh giá tăng cao cùng với các phương án tổ chức sản xuất trong bối cảnh bình thường mới... đều đã có các kế hoạch triển khai.

Hiện một số doanh nghiệp đã quay trở lại sản xuất đạt từ 70-80% công suất.

Ảnh tác giả

Tháng 10/2021, xuất khẩu ngành gỗ đã có sự tăng trưởng trở lại rõ rệt. Với đà phục hồi hiện tại, mục tiêu xuất khẩu gỗ cả năm đạt 14,5 tỷ USD là rất khả quan.

Ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng
Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT)

“Bài toán” nguồn lao động

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong thời gian thực hiện giãn cách, đã có hơn một nửa số doanh nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai, TPHCM phải ngừng hoạt động; các doanh nghiệp còn lại cũng phải cắt giảm công suất, cố gắng duy trì được khoảng 60% - 70% lượng công nhân làm việc.

Hầu hết các doanh nghiệp gỗ đã có kế hoạch phục hồi sản xuất trong bối cảnh "bình thường mới".

Hầu hết các doanh nghiệp gỗ đã có kế hoạch phục hồi sản xuất trong bối cảnh "bình thường mới".

Ngoài ra, do các quy định giãn cách xã hội nên các hoạt động lưu thông, vận chuyển, lưu giữ hàng hóa cũng gặp rất nhiều khó khăn, dẫn đến giá trị sản xuất, xuất khẩu sự sụt giảm đáng kể, nhất là trong ba tháng 7, 8 và 9.

Theo chuyên gia Tô Xuân Phúc thuộc Tổ chức Forest Trends, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các doanh nghiệp gỗ đã có kế hoạch phục hồi sản xuất trong bối cảnh "bình thường mới". Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hiện nay đang lo thiếu lao động và đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lao động.

Chia sẻ về vấn đề giải quyết nguồn lao động, ông Nguyễn Minh Nhật, Giám đốc Công ty TNHH ván ép cơ khí xây dựng Nhật Nam cho biết, hiện doanh nghiệp có 60% lao động làm việc và đang khá khan hiếm nhân công.

Bên cạnh tuyển dụng gấp công nhân, công ty cũng có chính sách hỗ trợ người lao động trở lại làm việc 1 triệu đồng/người. Công ty luôn ưu tiên với những lao động gắn bó với công ty, nhất là lao động làm việc trong thời gian “3 tại chỗ”.

Ông Nguyễn Minh Nhật cho hay, đầu tháng 11, doanh nghiệp sẽ chuyển sang sản xuất “3 xanh” – (nhà máy xanh, nhà trọ xanh, người lao động xanh). Để sớm phục hồi sản xuất công ty đã mua sắm thêm máy móc để tăng công suất, nâng chất lượng và giảm phụ thuộc nhân công lao động do thiếu hụt. Công ty cũng phân khu vực sản xuất theo từng nhóm để nếu có nhân công bị F0 sẽ dễ dập dịch.

Về vấn đề nguồn lao động, ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương đánh giá, lao động ở các thị trường kinh tế sẽ thiếu. Doanh nghiệp trở lại hoạt động được bao nhiêu thì sẽ giữ lại được người lao động bấy nhiêu. Việc xử lý dịch bệnh ở các địa phương sẽ tác động tới việc người lao động quay trở lại làm việc.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh nhận định, Nghị quyết số 128/NQ-CP sẽ tạo điều kiện cho các địa phương, doanh nghiệp chủ động xây dựng kịch bản, kế hoạch phòng chống dịch cũng như phục hồi sản xuất hiệu quả, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép, vừa khống chế dịch bệnh vừa thúc đẩy sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.

Tin liên quan

Đọc tiếp