Áp lực giải ngân đầu tư công 2 tháng cuối năm: lập 6 Tổ công tác đôn đốc thực hiện

CHÍNH SÁCH Việt nAM
11:06 - 23/11/2021
Áp lực giải ngân đầu tư công 2 tháng cuối năm: lập 6 Tổ công tác đôn đốc thực hiện
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 về việc thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2021.

Quyết định số 1962/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021. Theo đó, đối tượng kiểm tra là các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân đến ngày 31/10/2021 dưới 60% kế hoạch được giao.

Phạm vi kiểm tra bao gồm các dự án đang triển khai thực hiện trong năm 2021 và một số dự án dự kiến bố trí kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm năm 2022, thời gian kiểm tra từ ngày 22/11/2021 đến hết ngày 10/12/2021.

Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập 6 tổ công tác đôn đốc, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 (Ảnh: Internet)

Quyết định số 1962/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ thành lập 6 tổ công tác đôn đốc, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 (Ảnh: Internet)

6 Tổ công tác được giao cho trực tiếp các Phó Thủ tướng Chính phủ và một số Bộ trưởng làm Tổ trưởng, cụ thể như sau:

Tổ công tác số 1 do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng, nhiệm vụ kiểm tra các Bộ, cơ quan: Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tòa án nhân dân Tối cao, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, các địa phương: Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Sơn La, Phú Thọ.

Tổ công tác số 2 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái làm Tổ trưởng, nhiệm vụ kiểm tra các Bộ, cơ quan: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đài Truyền hình Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Kiểm toán Nhà nước, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, các địa phương: Cần Thơ, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Long An.

Tổ công tác số 3 do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Tổ trưởng, nhiệm vụ kiểm tra các Bộ, cơ quan: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa.

Tổ công tác số 4 do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam làm Tổ trưởng, kiểm tra các Bộ, cơ quan: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đại học quốc gia Hà Nội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, các địa phương: Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc.

Tổ công tác số 5 do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Quảng Trị, Quảng Bình, An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Cà Mau.

Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, kiểm tra các địa phương: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao hướng dẫn các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thuộc đối tượng kiểm tra báo cáo bằng văn bản trước khi Tổ công tác làm việc.

Tổ công tác chịu nhiệm vụ đánh giá việc chấp hành quy định về lập, phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách Nhà nước năm 2021 của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Đồng thời, tổ chức rà soát, tổng hợp khó khăn, vướng mắc và phân tích nguyên nhân xảy ra vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư công, từ đó đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn. Ngoài ra, giải thích, hướng dẫn thực hiện thống nhất quy định của pháp luật về đầu tư công.

Áp lực giải ngân đầu tư công: hơn 200.000 tỷ chờ giải ngân trong 2 tháng cuối năm

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là một trong những vấn đề nóng bỏng được thảo luận tại chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa IV diễn ra trong tháng 11 vừa qua.

Báo cáo mới nhất do Bộ Tài chính gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn NSNN lũy kế 9 tháng và ước thực hiện 10 tháng năm 2021 cho biết tính đến hết 10 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của các bộ, ngành, địa phương ước đạt 55,8% kế hoạch được giao, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ giải ngân cùng kỳ năm ngoái là 67,25%.

Cụ thể, nguồn vốn đầu tư công được giao năm 2021 ước thanh toán đến hết tháng 10/2021 là trên 257.387 tỷ đồng, tương đương 55,8% kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, vẫn còn khoảng 203.913 tỷ đồng cần phải giải ngân trong 2 tháng cuối năm.

Cũng theo báo cáo, mặc dù 7 bộ và 20 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 65% nhưng có tới 32 Bộ và 21 địa phương có tỷ lệ giải ngân ước dưới 50%. Đáng chú ý là còn 20 bộ và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 30%.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.