Bão Saola quật đổ nhiều cây cổ thụ tại Quảng Đông, Trung Quốc

Bão Saola TRUNG QUỐC
17:01 - 02/09/2023
Cây bị đổ do bão Saola tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Cây bị đổ do bão Saola tại Thâm Quyến, Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: Tân Hoa Xã
0:00 / 0:00
0:00
Từ sáng sớm ngày 2/9, bão Saola chính thức đổ bộ vào tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, gây ra một số thiệt hại và khiến một nạn nhân thiệt mạng tại thành phố Thâm Quyến trong khi ảnh hưởng tới cả khu vực Hong Kong và Macau.

Bắt đầu từ 1/9, hàng trăm chuyến bay tại trung tâm tài chính châu Á là Hong Kong và tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc đã bị hủy trong khi hàng loạt doanh nghiệp và trường học tạm đóng cửa để chuẩn bị cho bão Saola đổ bộ. Với sức gió 200km/h, Saola được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất đe dọa khu vực miền Nam Trung Quốc kể từ năm 1949.

Để chuẩn bị tránh bão, các nhà chức trách địa phương đã nhanh chóng tiến hành sơ tán hơn 780.000 người khỏi các khu vực có nguy cơ cao, trong khi chính quyền tỉnh phía đông Phúc Kiến cũng tiến hành sơ tán hơn 100.000 người tới các khu vực an toàn hơn.

Dù đã chậm lại ở ngưỡng 160km/h khi đổ bộ thành phố Châu Hải, tỉnh Quảng Đông ngày 2/9, chính phủ Trung Quốc vẫn duy trì mức cảnh báo nguy hiểm cho cơn bão này. Theo truyền thông địa phương đưa tin, một nạn nhân tại Thâm Quyến đã thiệt mạng do cây đổ và đè vào xe.

Tuy nhiên, Reuters trích dẫn nhà điều hành hệ thống đường sắt tại Quảng Đông cho biết các chuyến tàu qua lại sẽ được phép dần dần khôi phục từ lúc 8h30p sáng cùng ngày. Theo đài quan sát khí tượng địa phương, Saola dự kiến sẽ mang theo gió giật mạnh và mưa lớn đến các khu vực ven biển và phía nam Quảng Đông từ ngày 2/9 cho tới 3/9.

Bão tại Saola khiến cây đổ tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Bão tại Saola khiến cây đổ tại Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đối với khu vực Hong Kong, tín hiệu bão cấp 10 tối ngày 1/9 hiện đã được hạ xuống cấp 8 sáng ngày 2/9 và được duy trì cho tới 4 giờ chiều do mưa lớn và lũ lụt vẫn chưa dứt, theo đài quan sát địa phương. Trên nhiều con đường, cây đổ nằm rải rác trong khi biển hiệu của nhiều tòa nhà tại khu Causeway Bay nhộn nhịp bị thổi bay.

Nhiều bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy mực nước tại bãi biển Vịnh Repulse dâng cao hơn mức bình thường vài mét, nhấn chìm một phần ngôi chùa Tín Hậu nổi tiếng. Chính quyền địa phương cho biết có hơn 500 người đã được sơ tán đến nơi trú ẩn an toàn trong khi 50 người phải nhập viện do bão.

Do bão đã dần suy yếu, hãng hàng không Cathay Pacific cho biết các chuyến bay có thể được nối lại từ trưa ngày 2/9, giúp hơn 300 người đang bị mắc kẹt tại sân bay Hong Kong khôi phục hành trình của mình. Mặt khác tại Macau, các sòng bạc đã được phép mở cửa trở lại từ 8 giờ sáng ngày 2/9 sau khi đóng cửa vào tối ngày 1/9 do bão Saola.

Đối với Việt Nam, dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết ngày và đêm ngày 2/9 khu vực giữa Biển Đông và vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa; vùng biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8 - 9, biển động mạnh, có mưa bão.

Vùng biển từ Bến Tre - Cà Mau, từ Cà Mau - Kiên Giang, vịnh Thái Lan và vùng biển phía Nam khu vực Bắc Biển Đông bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7, biển động, có mưa bão.

Dự báo ngày và đêm 3/9, vùng biển phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 - 9, giật cấp 11, biển động rất mạnh.

Vùng biển phía Nam khu vực giữa Biển Đông, vùng biển phía Bắc khu vực Nam Biển Đông bao gồm vùng biển phía Bắc quần đảo Trường Sa và vùng biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa - Vũng Tàu có gió Tây Nam mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh. Độ cao sóng trên các vùng biển này dao động trong khoảng 2,0-4,0m.

Vùng biển từ Bến Tre đến Cà Mau, từ Cà Mau - Kiên Giang, Vịnh Thái Lan và vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; biển động, sóng biển cao từ 1,5-2,5m.

Tin liên quan

Đọc tiếp