'Bất bình đẳng Covid gây căng thẳng xã hội trên toàn cầu'

COVID-19 WEF
10:09 - 12/01/2022
Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm nay của WEF cho biết Covid-19 và tình trạng bất bình đẳng trong thời kỳ dịch bệnh có thể làm bùng phát căng thẳng trong nước và xuyên biên giới trên toàn cầu. Ảnh: The World Economic Forum
Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm nay của WEF cho biết Covid-19 và tình trạng bất bình đẳng trong thời kỳ dịch bệnh có thể làm bùng phát căng thẳng trong nước và xuyên biên giới trên toàn cầu. Ảnh: The World Economic Forum
0:00 / 0:00
0:00
Trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố ngày 11/1, đại dịch Covid-19 và sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine là một trong những rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022.

Báo cáo Rủi ro Toàn cầu thường được công bố trước cuộc họp hàng năm của các nhà lãnh đạo thế giới vào mùa đông tại Davos, Thụy Sỹ. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị hoãn hai năm liên tiếp vì Covid-19. Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2022 vẫn lên kế hoạch cho một số phiên họp trực tuyến vào tuần tới.

Bất bình đẳng toàn cầu thời Covid-19

Báo cáo Rủi ro Toàn cầu năm nay của WEF cho biết Covid-19 và tình trạng bất bình đẳng trong thời kỳ dịch bệnh có thể làm bùng phát căng thẳng trong nước và xuyên biên giới trên toàn cầu.

Báo cáo đề cập đến thuật ngữ “global divergence” (tạm dịch: sự phân hóa toàn cầu) - nơi các quốc gia nghèo hơn có tỷ lệ tiêm chủng Covid-19 thấp hơn nhiều và do đó, phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế kéo dài hơn.

“Covid-19 và những hậu quả kinh tế - xã hội của nó sẽ tiếp tục gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với thế giới. Bất bình đẳng vaccine khiến sự phục hồi kinh tế không đồng đều, có nguy cơ làm gia tăng rạn nứt xã hội và căng thẳng địa chính trị”, WEF cho biết trong báo cáo.

“Sự phân hóa toàn cầu dẫn đến sẽ tạo ra căng thẳng - trong và ngoài biên giới quốc gia- có nguy cơ làm trầm trọng thêm các tác động của đại dịch và làm phức tạp sự phối hợp cần thiết để giải quyết các thách thức chung”, báo cáo nêu rõ thêm.

Một phụ nữ được tiêm vaccine Covid-19 tại Kampala, Uganda. Ảnh: AP

Một phụ nữ được tiêm vaccine Covid-19 tại Kampala, Uganda. Ảnh: AP

Nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, ngoài số lượng ca tử vong kỷ lục, một trong những tác động lớn nhất của đại dịch Covid-19 là sự gia tăng bất bình đẳng. Họ đã lưu ý rằng nhiều người trên thế giới đã phải đối mặt với tình trạng mất việc làm hoặc không có phương tiện để tham gia các lớp học trực tuyến.

Các quốc gia giàu có hơn đã có cơ hội tiếp cận sớm hơn với vaccine Covid-19 và nhiều nước đã tiêm liều vaccine thứ ba hoặc thậm chí thứ tư cho công dân của họ. Trong khi đó, các nước nghèo hơn đang phải xoay xở lo những mũi tiêm đầu tiên.

Theo Our World in Data, ở Ethiopia, chỉ 1,3% người dân được tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19, ở Nigeria, con số này là 2,1%. Tuy nhiên, ở Mỹ, 62% công dân đã được tiêm chủng đầy đủ. Ở Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất và Bồ Đào Nha, con số này vào khoảng 90%.

Saadia Zahidi, Giám đốc điều hành tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho biết: “Có một mối quan tâm lớn về các cuộc khủng hoảng sinh kế hiện nay, đó là vấn đề việc làm và những gì đang xảy ra trên thị trường lao động”.

Ngoài ra, bà cũng đề cập: “Hiện đang có cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần và điều đó làm tăng thêm sự xói mòn của sự gắn kết xã hội. Thế giới ước tính có 53 triệu trường hợp trầm cảm mới đặc biệt là do Covid-19”.

Triển vọng phục hồi u ám

Trong báo cáo năm nay, gần 1.000 chuyên gia toàn cầu và các nhà lãnh đạo từ các học viện, doanh nghiệp, xã hội dân sự, chính phủ và các tổ chức khác, đều nêu ý kiến rằng rủi ro xã hội “đã trở nên tồi tệ nhất kể từ khi đại dịch bắt đầu”. Những rủi ro cụ thể này bao gồm sự gắn kết xã hội và suy giảm sức khỏe tâm thần.

Ngoài ra, chỉ 16% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy tích cực và lạc quan về triển vọng thế giới, chỉ 11% cho biết họ tin rằng sự phục hồi toàn cầu sẽ tăng tốc.

Tiêm chủng vẫn là yếu tố quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy khôi phục hoạt động kinh tế trên toàn thế giới. Ảnh: Reuters

Tiêm chủng vẫn là yếu tố quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy khôi phục hoạt động kinh tế trên toàn thế giới. Ảnh: Reuters

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng 10/2021 đã dự báo tỷ lệ tăng trưởng toàn cầu là 5,9% cho năm 2021 và 4,9% cho năm 2022. Những dự báo này được thực hiện trước khi xuất hiện những lo ngại về một biến chủng Covid-19 mới, được gọi là Omicron.

Tuy nhiên, IMF đã thừa nhận rằng những con số dự báo này sẽ được điều chỉnh lại vì những hạn chế bệnh dịch mới. Tổ chức này cũng nhấn mạnh rằng, tiêm chủng vẫn là yếu tố quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, thúc đẩy khôi phục hoạt động kinh tế trên toàn thế giới.

Bà Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành IMF cho biết: “Chúng tôi đã nỗ lực cảnh báo ngay từ đầu rằng đại dịch là nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế toàn cầu”.

Đến năm 2024, tăng trưởng kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ nhỏ hơn 2,3% so với trước khi xảy ra đại dịch. Song điều đó không thể che lấp tỷ lệ tăng trưởng khác nhau giữa các quốc gia đang phát triển, những quốc gia có nền kinh tế được dự báo sẽ nhỏ hơn 5,5% so với trước đại dịch và các quốc gia giàu có, dự kiến ​​sẽ tăng 0,9%.

Top 10 rủi ro toàn cầu hàng đầu theo mức độ nghiêm trọng trong Báo cáo Rủi ro Toàn cầu 2022 của WEF:

1. Các hành động vì khí hậu thất bại

2. Thời tiết cực đoan

3. Mất đa dạng sinh học

4. Xói mòn liên kết xã hội

5. Khủng hoảng sinh kế

6. Các bệnh truyền nhiễm

7. Con người phá hoại môi trường

8. Khủng hoảng tài nguyên thiên nhiên

9. Khủng hoảng nợ

10. Sự đối đầu địa kinh tế

Tin liên quan

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.