Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Định giá đất là 'then chốt' của mọi vấn đề

Đất Đai QUỐC HỘI
20:54 - 14/11/2022
 Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà.
0:00 / 0:00
0:00
Trước những lo ngại về định giá đất, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, hướng sắp tới là vẫn kết hợp cả 5 phương pháp nhưng về lâu dài cần một phương pháp có đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất. Điều này sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay.

Xác định giá đất cần tính đến nhu cầu mua nhà của người có thu nhập thấp

Đóng góp vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình khẳng định, việc quy định giá đất sát với thực tiễn là cần thiết. Tuy nhiên, việc xác định giá đất cần tính đến nhu cầu mua nhà của người có thu nhập thấp. Mặt khác, việc định giá đất cũng cần công khai, minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình trong trường hợp thu hồi đất.

Đề cập đến việc bỏ khung giá đất trong dự thảo luật, đại biểu nhấn mạnh việc này chính là để đưa đất đai về giá trị thực. Do đó, việc xây dựng bảng giá đất, định giá đất sát với giá thị trường là nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững tài nguyên, nguồn lực đất đai, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo đảm quốc phòng, an ninh, công bằng và ổn định xã hội, giải quyết hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy các giao dịch về quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh nhận thấy một số quy định về giá đất trong dự luật chưa thật sự cụ thể. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ lưỡng dự án luật để thể chế hóa đầy đủ, chặt chẽ chủ trương của Đảng; trong đó, cần nghiên cứu bổ sung các quy định để giải quyết thấu đáo một số vấn đề thực tiễn đặt ra.

Khi bỏ khung giá đất thì bảng giá đất, giá đất cụ thể tăng thì người sử dụng đất sẽ phải trả tiền thuế, phí, tiền sử dụng đất nhiều hơn và sẽ làm cho giá bất động sản tăng lên, khả năng tiếp cận sở hữu nhà, đất của người có thu nhập thấp, yếu thế sẽ khó khăn hơn.

Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị dự án luật cần có quy định cụ thể về giảm tỷ suất thuế, có cơ chế để tiếp tục phát triển chính sách xã hội đối với người có thu nhập thấp và người yếu thế.

Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội bày tỏ đồng tình Quốc hội đã quyết định sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Đại biểu cho rằng, cuộc sống đã thay đổi nhiều nên Luật Đất đai 2013 đã xuất hiện nhiều vấn đề không còn phù hợp, dẫn đến sự cấp thiết phải sửa đổi Luật này.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Đại biểu cho rằng "đất quý hơn vàng" bởi đất không chỉ quý ở giá trị nội tại mà còn quý ở cả giá trị tài sản trên đất, cây cối, vật nuôi trên đất. Giá trị đó còn được gia tăng theo quy hoạch, qua làm đường xá, qua đô thị hóa, qua tổ chức dịch vụ trên đất… Dân số càng đông, đất càng tăng về giá trị. Ngoài ra, kinh tế càng phát triển, đất càng lên giá.

Góp ý về vấn đề bỏ khung giá đất, bỏ khung giá quyền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu rõ, đây là việc rất nên làm theo Nghị quyết số 18 của Trung ương để giải quyết những bất hợp lý, tồn tại lâu nay, làm tắc nghẽn quá trình đền bù giải tỏa. Để thực hiện dự án lớn nhỏ, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần có quy định cụ thể về thủ tục, quy trình thực hiện và phương pháp xác định giá quyền sử dụng đất để bỏ khung giá quyền sử dụng đất nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, tiện lợi và hiệu quả.

Định giá đất là then chốt của mọi vấn đề

Phát biểu tiếp thu, giải trình dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trước Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết trong 1/3 số ý kiến của đại biểu Quốc hội tại hội trường ngày hôm nay liên quan về vấn đề tài chính và định giá đất.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, tài chính đất đai cùng với quy hoạch là công cụ mà Nhà nước thực hiện quyền quản lý Nhà nước và quyền đại diện cho chủ sở hữu toàn dân về đất đai. Trong đó, việc phân bổ lại nguồn lực đất đai, phát huy giá trị đất đai và đưa nguồn lực này để vào phát triển cho kinh tế - xã hội và giải quyết hài hòa các mối quan hệ.

"Định giá đất là then chốt của mọi vấn đề. Hiện nay có 5 phương pháp định giá đất song giá vẫn sai, nguyên nhân xuất phát từ đầu vào không đúng", Bộ trưởng nhìn nhận.

Theo Bộ trưởng, thực tế các phương pháp đều phải lấy dữ liệu, dữ liệu đó là đầu vào, giá cả, thông tin bất động sản và những thông tin khác. Do đó, hướng sắp tới là vẫn kết hợp cả 5 phương pháp nhưng về lâu dài cần một phương pháp trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất.

"Trên cơ sở thu thập đầy đủ cơ sở dữ liệu về giá đất, dùng phương pháp toán học, phương pháp thống kê tính toán, cùng với phương pháp để xác định vùng đất chuẩn, thửa đất chuẩn, số lượng thửa đất… thì có thể xác định được giá đất. Điều này sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay", Bộ trưởng Hà khẳng định.

Đồng thời, từ giá đất này sẽ thực hiện rất nhiều công việc để đảm bảo trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất, cũng như tính được giá đất cụ thể. Cùng với đó, công khai được giá đất cụ thể và người dân có quyền tiếp cận.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Định giá đất là 'then chốt' của mọi vấn đề ảnh 3

Nếu xác định được vấn đề định giá đất sẽ thực hiện được rất nhiều công việc cụ thể để ổn định thị trường, xác định trách nhiệm đóng góp về mặt tài chính của người sử dụng đất. Các thông tin đều được số hoá đất đai, thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu về bản đồ địa chính. Việc định giá đất sát với giá thị trường sẽ tránh tình trạng lãng phí, đầu cơ và thổi giá.

Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Về thu hồi đất và bồi thường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, dự thảo đã quy định rõ tiêu chí giao đất không phải đấu thầu, đấu giá.

Bộ trưởng Hà nhấn mạnh quan trọng nhất ở đây là làm sao thực hiện được hài hòa lợi ích của người dân và lợi ích của Nhà nước và lợi ích doanh nghiệp. Tuy nhiên, khó khăn nhất là làm sao xác định được điều kiện, tiêu chí. Bộ trưởng cho biết sắp tới sẽ nghiên cứu và mong các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, khoa học tiếp tục tham gia góp ý lượng hóa, cụ thể.

Về vấn đề quy hoạch, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường khẳng định quy hoạch đất đai sẽ gắn với quy hoạch giao thông. Tập trung quản lý đất đai theo không gian, quản lý về chỉ tiêu phân bổ đất đai để làm sao sử dụng một cách hiệu quả, khai thác bền vững.

"Không kỳ vọng quy hoạch đất đai thay thế tất cả, nhưng sẽ tạo khung quản lý đối tượng cần bảo tồn, bảo vệ như khu vực di sản, đất lúa hai vụ, hạ tầng giao thông cứng. Như vậy, phải quản lý đất đai theo không gian, quản lý về chỉ tiêu phân bổ đất đai để làm sao sử dụng một cách hiệu quả, khai thác bền vững", Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.

Tin liên quan

Đọc tiếp