Theo The Travel, đối với người dân Việt Nam, cà phê không chỉ là thức uống để bắt đầu một ngày mới như ở những nước phương Tây mà còn là một thức uống yêu thích của mọi người vào buổi sáng, buổi trưa và thậm chí cả buổi tối. Bên cạnh các chuỗi cà phê nổi tiếng quốc tế như Starbucks, trên khắp các đường phố ở thành phố và thậm chí cả ở nông thôn Việt Nam, các quán cà phê địa phương mọc lên rất nhiều và là địa điểm ưa thích của người dân mỗi khi muốn thư giãn, tụ họp hay thậm chí cả làm việc.
Một điểm đặc biệt nữa của cà phê Việt Nam chính là phần lớn hạt cà phê được tiêu thụ ở đây là Robusta có vị đắng và đậm hơn với lượng caffein cao hơn. So với hạt Arabica vốn có hương vị ngọt hơn và được ưa chuộng ở phần lớn các nước trên thế giới, người Việt lại thích vị đắng và đậm đà của Robusta. Thậm chí đối với nhiều người, cà phê là phải đắng và phải nồng thì mới là cà phê thực sự.
Thêm vào đó, thay vì dùng máy để pha thì người Việt cũng thường dùng phin pha thủ công hơn. Hình ảnh cốc cà phê phin nhỏ giọt trong khung cảnh phố phường nhộn nhịp là khung cảnh thường thấy ở các quán cà phê Việt Nam, đặc biệt là ở những thành phố đông đúc.
Cà phê trứng là món cà phê độc đáo của Việt Nam. Ảnh: Wikipedia. |
Đối với du khách quốc tế, các loại cà phê gây ấn tượng nhất chính là cà phê sữa đá và cà phê trứng. Theo tác giả Robynne Trueman của The Travel, một cốc cà phê rang đậm với đá và sữa đặc chính là thức uống hoàn hảo cho một ngày nắng nóng.
Ngoài ra, một món cà phê độc đáo khác mà du khách không nên bỏ qua khi đến Việt Nam chính là cà phê trứng. Loại thức uống thơm ngon này được làm bằng cách kết hợp lòng đỏ trứng với sữa đặc và đánh bông lên. Vị ngọt của kem trứng kết hợp với vị đắng điển hình của cà phê tạo ra một hương vị bùi và ngọt vô cùng hài hòa.
Ngoài Việt Nam, khu vực Đông Nam Á cũng có một nước xuất khẩu cà phê nổi tiếng khác là Indonesia. Văn hóa cà phê của nền kinh tế số 1 khu vực này cũng được tạp chí The Travel đánh giá cao, đặc biệt là Kopi Luwak. Trên thực tế, cụm từ này dùng để chỉ cà phê được làm từ hạt cà phê đã được tiêu hóa một phần bởi cầy hương, hay còn được gọi là cà phê chồn. Loại hạt cà phê này sẽ ít đắng hơn, đồng thời tròn vị hơn.
Cà phê chồn thường có nhiều tại các đảo Sumatra, Java và Sulawesi của Indonesia. Ảnh: Adobe Stock |
Ngoài ra, trong danh sách những nơi có văn hóa cà phê độc đáo nhất thế giới của The Travel còn có Thụy Điển, Mexico hay Italy. Với tư cách là một trong những nước có mức tiêu thụ cà phê trên đầu người cao nhất thế giới, Thụy Điển là một điểm đến tuyệt vời. Đặc biệt, vùng Lapland của nước này có một truyền thống cà phê độc đáo được gọi là Kaffeost, nghĩa là “cà phê pho mát”. Tuy nghe lạ nhưng ở đây, người ta thường nhúng pho mát vào tách cà phê trước khi ăn.
Kaffeost - cà phê dùng với phô mai của người Thụy Điển. Ảnh: The Telegraph |
Trong khi đó, cà phê Mexico lại độc đáo ở cách các gia vị được sử dụng. Văn hóa cà phê Mexico không được biết đến rộng rãi trên bản đồ cà phê thế giới như nhiều nước khác, tuy nhiên hương vị của Café de Olla thì không giống ở bất cứ đâu. Tại quốc gia này, hạt cà phê đầu tiên được làm ngọt bằng đường phên, sau đó được tẩm gia vị với đinh hương, hoa hồi và quế và được phục vụ bằng một chiếc chén đất sét.
Ly Café de Olla độc đáo của người Mexico. Ảnh: Kiwilimon |
Là nơi sản sinh ra cà phê cappuccino và espresso, Italy chắc chắn là thủ đô cà phê của thế giới và chiếm giữ một vị trí cao trong danh sách. Khi gọi cà phê tại đây, espresso là loại mặc định. Mọi người thường uống những tách cà phê này ngay tại quầy thay vì ngồi trên bàn. Còn đối với bữa sáng ở Italy, một ly cappuccino dùng kèm bánh sừng bò chính là một trải nghiệm văn hóa đích thực.
Một người dân Italy thưởng thức một ly espresso tại quán cà phê nổi tiếng Fratelli Nurzia tại L’Aquila, Italy. Ảnh: Getty Images |
Trong khi đó, tuy cà phê Thổ Nhĩ Kỳ mang nhiều điểm tương đồng với cà phê Hy Lạp về cách pha và khẩu phần nhỏ, vai trò của cà phê trong văn hóa nước này mang tính lễ nghi nhiều hơn. Đồng thời, nó cũng nhằm thể hiện văn hóa và lòng hiếu khách của người địa phương.
Đầu tiên, hạt cà phê được rang chín và xay thành bột mịn. Sau đó, nó được ủ trên bếp từ từ cùng với nước lạnh và đường. Một lớp bọt sẽ nổi lên trên bề mặt cà phê nếu được ủ thành công. Sau đó, tách cà phê sẽ được sử dụng cùng một ly nước và món bánh truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ.
Người Thổ Nhĩ Kỹ chuẩn bị cà phê. Ảnh: The Culture Trip |