Cá tra Việt Nam được yêu thích tại EU, đặc biệt là Bắc Âu

XUẤT KHẨU eu
07:51 - 29/06/2022
Cá tra Việt Nam được yêu thích tại EU, đặc biệt là Bắc Âu
0:00 / 0:00
0:00
Theo thông tin từ VASEP, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang EU có sự tăng trưởng vượt bậc (89%) trong 5 tháng đầu năm 2022. Để tiếp tục phát triển mạnh xuất khẩu cá tra sang EU, một trong những biện pháp quan trọng là cần nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU. 

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho biết 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 4,71 tỷ USD, tăng 44,2% so năm 2021. Tại thị trường EU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang thị trường này tăng trưởng mạnh 45% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 562 triệu USD.

Sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút, 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 88,6 triệu USD, tăng 89%; tôm xuất khẩu đạt 303,5 triệu USD, tăng 50,8% so cùng kỳ năm 2021.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thuỵ Điển, kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland và Latvia, tại châu Âu, thị trường Bắc Âu đánh giá rất cao cá tra Việt Nam, đây cũng là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá tra Việt Nam so với toàn châu Âu.

Phần lớn cá tra được nhập khẩu vào thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng dưới dạng phile đông lạnh. Những sản phẩm đông lạnh này sẽ được vận chuyển tới châu Âu bằng các tàu container.

Cũng theo VASEP, trong 5 tháng đầu năm 2022, các nhà máy chế biến cá tra Việt Nam đều đã nỗ lực chạy hết công suất chế biến để đạt tổng giá trị xuất khẩu là 1,21 tỷ USD, tăng gần 90% so với cùng kỳ năm 2021.

Giá trị xuất khẩu cá tra ở một số thị trường chủ lực có mức tăng rất mạnh trong 5 tháng vừa qua. Chẳng hạn, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc và Hong Kong đạt hơn 317 triệu USD, tăng 124% so với cùng kỳ 2021; thị trường Mỹ đạt 310 triệu USD, tăng 131%; xuất khẩu cá tra đông lạnh sang thị trường các nước thuộc CPTTP (Mexico, Canada, Australia, Nhật Bản) đạt 146,5 triệu USD, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2021…

Sự tăng trưởng tốt ở hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn đã bù đắp cho hơn 3 năm ngành cá tra bị tổn thương nặng nề do COVID-19. Dự báo, năm 2022, xuất khẩu cá tra có thể đạt 2,6 tỷ USD (năm 2021 đạt 1,61 tỷ USD).

Tháo gỡ khó khăn hướng tới mục tiêu xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD

Không chỉ xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh mẽ, các sản phẩm thủy sản khác cũng đã có sự hồi phục và tăng trưởng trong 5 tháng đầu năm 2022. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 5 tháng đầu năm 2022, sản lượng thủy sản ước đạt 3,3 triệu tấn, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước do sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt kết quả tích cực, đặc biệt là mức tăng liên tiếp từ các sản phẩm thủy sản trọng điểm như cá tra, tôm thẻ chân trắng.

Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thủy sản đều có mức tăng trưởng khá. Trong đó, lũy kế 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ đạt 461 triệu USD, tăng 58%; xuất khẩu cá tra tăng trưởng mạnh, gần 90%, đạt 1,2 tỷ USD; còn xuất khẩu tôm đang chững lại đà tăng, đạt 1,8 tỷ USD.

Với kết quả khả quan tại các thị trường trong 5 tháng đầu năm, VASEP dự đoán xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm 2022 có thể đạt 10 tỷ USD.

Để đạt được kết quả này, tại diễn đàn “Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thủy sản – Góc nhìn người trong cuộc” do báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức, TS Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho rằng Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn để giải quyết dứt điểm vấn đề thẻ vàng IUU (về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không tuân thủ quy định) của EU.

Theo đó, ông Hòa cho biết, trong 5 tháng đầu năm thì đã có tới 67 trường hợp vi phạm về đánh bắt chồng lấn lên vùng biển của các nước khác, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN. Ông cũng nêu rõ, nếu các cấp chính quyền Việt Nam không quyết liệt hơn nữa để gỡ thẻ vàng IUU thì sẽ rất khó để tạo điều kiện cho xuất khẩu thủy sản sang EU, thậm chí trong những năm tới, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị EU “rút thẻ đỏ”.

Ngoài ra, TS Lê Thanh Hòa cũng nhận định ngành thủy sản Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc về chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của EU. Theo đó, lượng hàng bị trả về do không đạt yêu cầu vệ sinh thực phẩm đã giảm rất nhiều. Việt Nam đang nỗ lực rất nhiều để cải thiện về kỹ thuật, công nghệ, máy móc và năng lực lao động để đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe của EU.

Tuy nhiên, hạ tầng ngành thủy sản Việt Nam vẫn còn yếu nên còn nhiều khó khăn khi cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn của EU. Vì vậy, ông Hòa đề nghị trong thời gian tới cần có giải pháp để giải quyết vấn đề hạ tầng nghề thủy sản, đặc biệt trong vấn đề khai thác.

Tin liên quan

Đọc tiếp