VASEP đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD trong năm 2022

VASEP THỦY SẢN
14:55 - 23/06/2022
Xuất khẩu thủy sản đứng trước nhiều thách thức và cơ hội mới
Xuất khẩu thủy sản đứng trước nhiều thách thức và cơ hội mới
0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu năm 2021 của ngành thủy sản tương đối cao nhưng năm 2022 mục tiêu xuất khẩu VASEP chỉ đặt ra thận trọng là 10 tỷ USD do nhận diện những cơ hội và thách thức mới.

Năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD. Đây là kết quả đáng ghi nhận cho các doanh nghiệp thủy sản phải trải qua một năm đầy biến động và khó khăn do dịch Covid-19.

Chia sẻ tại Hội nghị toàn thể hội viên năm 2022 của Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 22/6, Chủ tịch VASEP Ngô Văn Ích cho biết, bước sang năm 2022, cùng với việc dịch bệnh bị đẩy lùi, các doanh nghiệp thủy sản đã mạnh dạn khôi phục sản xuất, hưởng ứng các chương trình phục hồi kinh tế, gia tăng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, ngay sau khi các nước mở cửa và bắt đầu phục hồi trở lại các hoạt động thương mại quốc tế, Hiệp hội đã tổ chức tham gia liên tục các hội chợ nước ngoài như Boston (Mỹ), Barcelona (Tây Ban Nha) nhằm khởi động lại chương trình xúc tiến thương mại và đã nhận được sự quan tâm của đông đảo khách hàng quốc tế sau 2 năm bị gián đoạn.

Ảnh: VASEP

Ảnh: VASEP

Chủ tịch VASEP Ngô Văn ích

“Những nỗ lực của Hiệp hội và doanh nghiệp đã được thể hiện qua kết quả xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch đạt hơn 4,7 tỷ USD (tăng hơn 44% so với cùng kỳ). Thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu đến 160 thị trường trên thế giới với giá xuất khẩu tăng trung bình từ 10 - 15%, phục hồi mạnh mẽ trong cơn đại dịch của nhân loại”.

Nhận diện những thách thức và cơ hội mới

Tiếp nối đà tăng trưởng của năm 2021, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP đã nêu ra những phương hướng của ngành thủy sản. Trong đó, ông cho biết, 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang 160 thị trường, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang tất cả các thị trường chính đều bứt phá với tăng trưởng 2 con số. Kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 6 Tỷ USD trong 6 tháng đầu năm 2022.

Ba thị trường chi phối tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thủy sản trong 5 tháng qua gồm: Hoa Kỳ chiếm 23%, Liên minh châu Âu (EU) chiếm 12%, Trung Quốc chiếm 16%.

Cũng theo VASEP, bên cạnh những điều kiện thuận lợi như nhu cầu tiêu thụ thủy sản của các thị trường chính đều tăng mạnh sau dịch Covid-19; doanh nghiệp tận dụng lợi thế thuế quan ưu đãi từ các Hiệp định Thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu sang nhiều thị trường như EU, Australia, Canada, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc, Anh…, ngành thủy sản cũng đối diện với nhiều khó khăn.

Cụ thể, các doanh nghiệp có thể thiếu nguyên liệu chế biến xuất khẩu; dịch Covid-19 và xung đột Nga - Ukraine khiến chi phí đầu vào tăng mạnh làm xói mòn lợi nhuận của người nuôi và doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của sản phẩm thủy sản Việt Nam.

Riêng xuất khẩu thủy sản sang thị trường Nga giảm 37% so với cùng kỳ năm 2021, vì xung đột quân sự khiến cho giao thương với thị trường này gần như đình trệ trong tháng 3 và tháng 4 vừa qua.

Cùng với đó là cước vận tải biển tăng gấp 6 - 10 lần so với trước dịch, thiếu container để vận chuyển. Nông ngư dân và doanh nghiệp chế biến thủy sản khó tiếp cận vay vốn để phục hồi sản xuất. Các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với các nước khác như Ấn Độ, Ecuador về nguồn cung, giá thành và giá xuất khẩu thủy sản.

Một số quy định, chính sách trong nước gây bất lợi cho doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản như: kiểm dịch thủy sản nhập khẩu, quy định ngưỡng phốt pho trong nước thải chế biến thủy sản…

Ảnh: VASEP

Ảnh: VASEP

Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe

“Trên cơ sở những thuận lợi và khó khăn, VASEP đặt mục tiêu xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2022 sẽ chạm ngưỡng 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2021. Nếu đạt được con số này, đây là con số xuất khẩu thủy sản của Việt Nam cao nhất từ trước đến nay”.

Lý giải vì sao đặt mục tiêu thận trọng 10 tỷ USD, bên cạnh những thách thức đã nêu, ông Hoài cho biết, nguyên nhân là do lạm phát ở mức cao đang lan rộng ở các thị trường Mỹ, châu Âu khiến nhu cầu sụt giảm. Bên cạnh đó, Trung Quốc - thị trường lớn của thủy sản Việt Nam - tiếp tục áp dụng chính sách "zero Covid" làm giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam với các loại hàng hóa nói chung.

“Về nội tại ngành, vấn đề thiếu nguyên liệu cả trong nước và nhập khẩu cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc duy trì tăng trưởng. Đặc biệt, doanh nghiệp còn phải đối mặt với việc chi phí hoạt động tăng trong khi giá bán ra không tăng tương ứng", ông Hòe phân tích.

Mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản trong năm 2022:

Tôm: hơn 4 tỷ USD

Cá tra: hơn 2 Tỷ USD

Hải sản: khoảng 3,5 tỷ USD

Nỗ lực gỡ thẻ vàng IUU

Cũng tại hội nghị, đưa ra ý kiến về một trong những khó khăn mà cả ngành thủy sản đang nỗ lực tìm cách tháo gỡ thẻ vàng IUU, bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam chia sẻ câu chuyện thực tế hơn 10 ngày ở miền Trung và làm việc với cảng cá, ngư dân.

"Ghe đi trên biển có thiết bị giám sát hành trình, nhưng ngư dân chủ quan đi đánh bắt thì tự phát, tắt định vị. Về cảng cá, khi tới cảng cá Tam Quan (tỉnh Bình Định) là cảng lớn, có thuyền bè nhiều nhưng văn phòng sơ sài, anh em làm với lượng công việc khủng khiếp, nhưng chỉ bằng tay. Công nghiệp 4.0 nhưng làm thì 0.4", bà Sắc phản ánh.

Để nghề cá phát triển bền vững, có trách nhiệm, bà Sắc kiến nghị cần có hệ thống số hóa phần mềm hệ nghề cá. Trong vấn đề cảng cá, Chính phủ tập trung tài chính vào nghề cá, tàu thuyền, củng cố cơ sở hạ tầng, đặc biệt cần có chợ cá đấu giá.

Ghi nhận những đóng góp của ngành thủy sản với tổng thể ngành nông nghiệp Việt Nam, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đánh giá, giá trị xuất khẩu hơn 4,7 tỉ USD trong 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân.

Ảnh: VASEP

Ảnh: VASEP

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

"Trước mắt, còn nhiều khó khăn. Tôi mong các doanh nghiệp tích cực, chủ động tìm ra giải pháp tháo gỡ. Ví dụ, nếu không thể giảm được chi phí đầu vào thì tìm cách tăng giá trị bán ra bằng sản phẩm chế biến sâu, thay cho các sản phẩm chế biến đơn giản. Khi các tài nguyên về mặt nước, đất có giới hạn, không thể gia tăng sản lượng thì có thể đầu tư cho kinh tế tri thức để tạo giá trị lớn hơn".

Tin liên quan

Đọc tiếp