Các công ty Trung Quốc im lặng trước lệnh cấm vận Nga

KINH TẾ TRUNG QUỐC
17:00 - 07/03/2022
Cửa hàng của Xiaomi tại Nga. Ảnh: Xiaomi
Cửa hàng của Xiaomi tại Nga. Ảnh: Xiaomi
0:00 / 0:00
0:00
Các công ty Trung Quốc vẫn đang quyết định ở lại Nga bất chấp sự rời đi hàng loạt của các công ty đối thủ từ phương Tây, phản ánh một phần lập trường kêu gọi các bên kiềm chế căng thẳng do Bắc Kinh đưa ra.

Ngay cả khi Apple, Nike, Netflix, chuỗi cửa hàng thời trang H&M và nhiều công ty phương Tây khác cắt giảm hoặc tạm dừng kinh doanh ở Nga nhằm hưởng ứng các lệnh trừng phạt từ phương Tây, các công ty Trung Quốc hiện vẫn giữ im lặng. Các công ty này cũng không lên tiếng về việc liệu mình có cắt giảm kinh doanh hoặc rút khỏi Nga hay không.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã thể hiện rõ lập trường của mình khi cho rằng nguyên nhân nằm ở phía NATO, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế và ngồi vào bàn đàm phán để giải quyết thay vì đẩy tình hình thêm căng thẳng với các lệnh cấm vận.

Tập đoàn gọi xe khổng lồ Didi Chuxing của Trung Quốc trước đó đã tuyên bố sẽ rút khỏi Nga. Tuy nhiên sau khi đối mặt với phản ứng dữ dội của công chúng Trung Quốc, tập đoàn này đã đảo ngược quyết định của mình mà không đưa ra thêm bất kỳ lời giải thích nào.

Lenovo, nhà sản xuất máy tính cá nhân số một thế giới, cũng bị chỉ trích nặng nề ở Trung Quốc khi một hãng tin địa phương của Belarus đưa tin rằng họ sẽ ngừng cung cấp dịch vụ và sản phẩm cho Nga. Khi được liên hệ, đại diện của tập đoàn không đưa ra bất kỳ lời bình luận nào liên quan tới chủ đề này.

Dan Wang, nhà phân tích tại Gavenkal Dragonomics, nhận định hầu hết các công ty Trung Quốc sẽ không chấp nhận nguy cơ bị cắt đứt khỏi các thị trường phát triển hơn hoặc bị trừng phạt chỉ vì một thị trường nhỏ hơn như Nga. Theo công ty nghiên cứu IDC, thị trường điện thoại thông minh của Nga chỉ đạt tổng cộng 31 triệu chiếc trong năm 2021, bằng 10% so với quy mô thị trường nội địa Trung Quốc.

Do đó, những tập đoàn này hoàn toàn có thể thay đổi chiến lược và gia nhập cùng các đối thủ phương Tây. Điều này lại càng có khả năng cao hơn khi Nga đang đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế do các lệnh trừng phạt ngày càng gia tăng của Mỹ và các đồng minh.

Hãng thời trang H&M đã tạm đóng cửa các cửa hàng của mình tại Nga. Ảnh: Ticker News

Hãng thời trang H&M đã tạm đóng cửa các cửa hàng của mình tại Nga. Ảnh: Ticker News

Nguy cơ cấm vận thứ cấp từ phía Mỹ

Khi lựa chọn ở lại Nga, các công ty Trung Quốc có thể giành thêm được thị phần. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích bày tỏ nghi ngờ về sự lâu dài của việc kinh doanh tại đây do ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt và hạn chế xuất khẩu lên Nga.

Trong lĩnh vực điện thoại thông minh, các thương hiệu đại lục như Xiaomi và Honor đang cạnh tranh với tập đoàn hiện đang dẫn đầu thị trường là Samsung và Apple về doanh số bán hàng tại Nga. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như Great Wall Motor và BYD cũng đang nhắm đến thị trường Nga trong những năm gần đây.

Các nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc đều sử dụng chip được thiết kế ít nhất một phần từ công nghệ của Mỹ. Chính điều này có khả năng sẽ khiến họ phải chịu các lệnh trừng phạt thứ cấp chống lại Nga thông qua Quy tắc sản phẩm trực tiếp nước ngoài của Mỹ. Cụ thể, chính sách này quy định rằng các sản phẩm có tỷ lệ công nghệ xuất xứ từ Mỹ không được vận chuyển cho các bên được lệnh trừng phạt nhắm tới mà không có giấy phép phù hợp.

Huawei và Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) là 2 ví dụ về các công ty sản xuất các công nghệ quan trọng như chip và thiết bị mạng đang chịu lệnh trừng phạt từ phía Mỹ.

Nathan Bush, chuyên gia về luật thương mại và chống độc quyền tại DLA Piper ở Singapore, cho biết: “Các công ty Trung Quốc sẽ phải đưa ra các đánh giá trực quan và đánh giá kỹ thuật về khả năng các sản phẩm đang sản xuất và các nguyên liệu đầu của mình sẽ vướng vào các quy định phức tạp này”.

Theo ông, các công ty Trung Quốc đang tạm dừng để đánh giá tình hình cũng như khả năng chống chịu trong chuỗi cung ứng của mình trước tính chất phức tạp của các quy tắc về sản phẩm trực tiếp nước ngoài từ phía Mỹ.

Khi được liên hệ, Xiaomi, Honor, Huwei, SMIC cùng hai nhà sản xuất ô tô Great Wall và BYD từ chối đưa ra bình luận.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.