Cải cách thể chế là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển

KINH TẾ Việt nAM
15:52 - 17/12/2022
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.
0:00 / 0:00
0:00
Hệ thống chính sách pháp luật phải thực sự tháo gỡ được những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh, sự tham gia của các khu vực kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công...

"Sang năm 2023, dự báo tình hình kinh tế thế giới tiếp tục biến động rất phức tạp, khó lường, thậm chí khó khăn hơn năm 2022", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong bài phát biểu đầu tiên tại Phiên toàn thể, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, chiều ngày 17/12.

Theo Bộ trưởng, lạm phát duy trì mức cao trên toàn cầu; chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài kèm theo mất giá trị đồng tiền, giảm mạnh nhu cầu tiêu dùng tại nhiều khu vực và quốc gia làm suy giảm sản xuất của nhiều ngành, lĩnh vực. Thị trường bất động sản ở nhiều nước gặp khó khăn hơn. Khu vực doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, thất nghiệp gia tăng dẫn đến nguy cơ bất ổn xã hội và chính trị ở một số nước...

Nguy cơ mất thanh khoản, rủi ro, bất ổn về tài chính, tiền tệ, nợ công, an ninh năng lượng, an ninh lương thực trên toàn cầu gia tăng...sẽ tác động mạnh, kéo dài, trên phạm vi lớn tới hầu hết các quốc gia, nền kinh tế, ngay cả các dự báo lạc quan gần đây nhất cũng phải thận trọng hơn.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với nền tảng và quá trình phát triển tích cực thời gian qua, năm 2022 Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực.

Quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên, tính tự chủ được cải thiện; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn; cơ cấu kinh tế tiếp tục dịch chuyển sang chiều sâu, tăng độ mở nền kinh tế, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn.

Khu vực tư nhân đóng góp ngày càng lớn và trở thành một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Chính trị - xã hội ổn định, các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại chuyển biến tích cực, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và xã hội tăng lên... góp phần cải thiện không ngừng đời sống người dân.

Phiên toàn thể, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.

Phiên toàn thể, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.

Tuy nhiên với độ mở của nền kinh tế lớn khoảng 200% GDP, từ nửa đầu quý IV/2022, hoạt động sản xuất kinh doanh, lao động việc làm của người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Lãi suất tăng nhanh tạo áp lực lớn về huy động vốn, tăng chi phí sản xuất; động lực thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường lớn gặp nhiều thách thức khi đơn hàng, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do sức cầu suy giảm...

Bên cạnh đó, là quốc gia đang chuyển đổi và hội nhập nên nền kinh tế Việt Nam vẫn còn những hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức và tiềm ẩn nhiều rủi ro như năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao; các đột phá chiến lược chưa có sự bứt phá, chưa đáp ứng yêu cầu; khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự trở thành động lực phát triển...

Hệ thống pháp luật phải thực sự tháo gỡ được những điểm nghẽn

Để hóa giải, khắc phục những khó khăn, thách thức, giải quyết những điểm nghẽn phát triển của nền kinh tế... giúp đạt mục tiêu phát triển KTXH năm 2023 và 5 năm 2021-2025, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2023:

Kiên định, nhất quán và bám sát quan điểm, mục tiêu, định hướng chỉ đạo, điều hành của Đảng, Nhà nước theo đúng Kết luận số 42-KL/TW của Hội nghị Trung ương 6 và Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.

Lấy đổi mới, cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Hệ thống pháp luật phải thực sự tháo gỡ được những điểm nghẽn trong huy động nguồn lực, sản xuất kinh doanh, sự tham gia của các khu vực kinh tế, thúc đẩy giải ngân đầu tư công...

Chủ động, tích cực nghiên cứu, xây dựng và sửa đổi các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết trình cấp có thẩm quyền trong năm 2023, nhất là các dự án luật có vai trò quan trọng để cơ bản xử lý các vướng mắc, khó khăn và tạo lập môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh, như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)...hay hành lang pháp lý để khai thác không gian ngầm tại các đô thị lớn; đề án mang tính chiến lược để nhanh chóng tham gia chuỗi cung ứng chip bán dẫn, năng lượng hydro xanh... Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Tập trung hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông; đẩy nhanh tiến độ một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, có tính liên vùng và hạ tầng đô thị lớn, nhất là dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông, đường ven biển, vành đai 4 TP Hà Nội, 3 TP HCM, các dự án quan trọng, động lực về sân bay, đường sắt, đường thủy... Phấn đấu hoàn thành việc phê duyệt trong năm 2023 các quy hoạch còn lại trong hệ thống quy hoạch quốc gia, nhất là các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng.

Phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.

Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đẩy nhanh việc thực hiện thực chất, hiệu quả hơn Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số mà trọng tâm là hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Triển khai thực hiện tốt 06 Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển vùng; ban hành quy chế phối hợp, thể chế liên kết vùng giai đoạn 2021-2030 nhằm phát triển đồng bộ, tạo sự liên kết giữa các vùng, gắn với liên kết các khu vực kinh tế, các loại hình sản xuất kinh doanh; sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới.

Thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH trong năm 2023 để tiếp tục tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế...

Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; giữ vững an ninh chính trị; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.