Nghị quyết phải “sống”
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng từng cảnh báo tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV rằng nếu không chuẩn bị tốt môi trường đầu tư kinh doanh, nhà đầu tư tìm đến địa phương khác hoặc quốc gia khác là điều dễ hiểu. Trong khi đó, ở thời điểm phục hồi kinh tế khó khăn như hiện nay, bất cứ điều gì đóng góp dù chỉ 1 đồng vào tăng trưởng cũng tích cực. Bằng mọi giá, không thể để cơ hội trôi qua.
Nhìn vào những mục tiêu cụ thể đầy tham vọng mà Quốc hội đã đặt ra cho nền kinh tế từ nay đến năm 2025 để thấy, nếu muốn các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội không đơn thuần là những con số khô khan trên giấy, rất cần Nghị quyết cải thiện môi trường kinh doanh thực sự "sống" trong thực tiễn.
(Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Trong ngắn hạn, Quốc hội có Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đặt ra nhiều mục tiêu: tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%... Trong khi đó, tăng trưởng GDP 2 năm gần nhất 2020-2021 chỉ đạt lần lượt 2,91% và 2,58%, lực lượng lao động chưa thể phục hồi hoàn toàn sau các làn sóng bùng phát dịch gần đây.
Trong trung hạn, Quốc hội đặt ra các mục tiêu tham vọng trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025 (chẳng hạn tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm khoảng 6,5-7%) và Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 (chẳng hạn phấn đấu có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025).
Nếu muốn tăng trưởng GDP bình quân 5 năm đạt 6,5-7%, tăng trưởng GDP giai đoạn 2022-2025 phải đạt ít nhất 7,5% mỗi năm. Nếu muốn có 1,5 triệu doanh nghiệp vào năm 2025, tăng trưởng doanh nghiệp ròng bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 phải đạt ít nhất 138 nghìn doanh nghiệp (đến năm 2020 cả nước có khoảng 810 nghìn doanh nghiệp, theo Tổng cục Thống kê).
Năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường giảm trong khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng đáng kể (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Gia tốc cải cách, nhưng tránh dàn đều
TS. Nguyễn Đình Cung (CIEM) nhận định: “Không nên dàn đều nỗ lực cải cách trên tất cả các lĩnh vực, mà kế thừa, tập trung vào những vấn đề, lĩnh vực đã có kết quả bước đầu. Ví dụ, vấn đề kiểm dịch thủy sản nhập khẩu theo chỉ đạo của TTg CP tại CV 762/VPCP-KSTT, và các rào cản khác đã xác định, có thể nhỏ, đơn lẻ những tác động có thể rất lớn”.
Thực tế, những năm trước, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết 02 là cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Báo cáo của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) chỉ ra rằng công tác thực thi nhiệm vụ này đã đạt những kết quả đáng chú ý.
Chẳng hạn, về chuyển căn bản khâu kiểm tra chuyên ngành (KTCN) về sau thông quan, nhiều bộ đã có tỷ lệ chuyển kiểm tra sau thông quan đạt 90% - 100% hàng hóa nhập khẩu. Hay về cắt giảm danh mục hàng hóa thuộc diện phải quản lý kiểm tra chức năng, tính đến cuối 2019, số lượng mặt hàng cắt giảm lên tới khoảng 12.600/82.698 mặt hàng, tương đương khoảng 15,2%.
Trong 10 nhóm mục tiêu, giải pháp quan trọng mà Nghị quyết 02/2022 NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đưa ra năm nay, trọng tâm ưu tiên chuyển sang nhóm giải pháp dỡ bỏ rào cản đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh do chồng chéo, mâu thuẫn, không hợp lý, khác biệt của các quy định pháp luật.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho hay, tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, khác biệt giữa các quy định pháp luật là một trong những rào cản đáng kể với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong bối cảnh nền kinh tế cần một cú hích phục hồi và phát triển, đòi hỏi giải quyết dứt điểm sự khác biệt này càng trở nên cấp thiết.
Đây cũng là tinh thần chung của Quốc hội tại kỳ họp bất thường hồi tháng 1 vừa qua khi tập trung thảo luận thông qua 1 luật sửa 8 luật gồm Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và một số điều của Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
1 luật sửa 8 luật không chỉ hướng tới giải tỏa những điểm nghẽn làm chùn chân doanh nghiệp trong các dự án đầu tư hiện hữu, từ đầu tư công đến đầu tư tư nhân, mà còn có vai trò cộng hưởng thúc đẩy hiệu quả thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội (2022-2023).
Ngày nào quy định luật pháp chưa thực sự đồng bộ và thống nhất, ngày đó doanh nghiệp chưa thể thuận lợi tận dụng nguồn lực và phát triển, nền kinh tế chưa được cởi trói và tạo đà bứt phá.
Câu chuyện thực thi
Không nên dàn đều nỗ lực cải cách trên tất cả các lĩnh vực, nhưng chắc chắn phải đồng bộ tư duy và tinh thần cải cách ở mọi cấp, mọi địa phương.
Nghị quyết 02/2022/NQ-CP của Chính phủ đã quy định rất rõ: các bộ, ngành cần xây dựng, ban hành Chương trình, Kế hoạch hành động và văn bản cụ thể triển khai thực hiện Nghị quyết gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ trước ngày 20/1/2022.
Tuy nhiên, đến ngày 3/3/2022, thông tin từ Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) cho biết, mới chỉ nhận được thông tin về Chương trình, kế hoạch hành động của 24/26 bộ, cơ quan và 50/63 tỉnh, thành phố. Như vậy 2/26 bộ, cơ quan và 13/63 tỉnh, thành phố chưa có thông tin xây dựng Chương trình, kế hoạch hành động và 2/63 tỉnh, thành phố tuy báo cáo có Chương trình, kế hoạch hành động nhưng chưa gửi lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
(Còn tiếp)