Cần chi ngân sách 1.300 tỷ đồng hỗ trợ sáp nhập huyện, xã

Nghị quyết QUỐC HỘI
20:35 - 12/07/2023
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà - Ảnh: quochoi.vn
0:00 / 0:00
0:00
Trong giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp.

Chiều 12/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030.

Nghị quyết gồm 4 chương, 25 điều, quy định cụ thể các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện sắp xếp; kiện toàn tổ chức bộ máy, số lượng lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và chế độ, chính sách với người dôi dư sau sáp nhập.

Đến 2025 sẽ có 33 huyện và 1.300 xã buộc phải sáp nhập

Trình bày tờ trình Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, Chính phủ đề xuất đến năm 2025, hoàn thành sắp xếp đối với đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số dưới 70% quy định; đơn vị hành chính cấp huyện đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 200% quy định; đơn vị hành chính cấp xã đồng thời có tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên dưới 20% và quy mô dân số dưới 300% quy định.

Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, trong giai đoạn 2023 - 2025 dự kiến sẽ tiến hành sắp xếp đối với khoảng 33 đơn vị hành chính cấp huyện và khoảng 1.327 đơn vị hành chính cấp xã thuộc diện bắt buộc sắp xếp. Số này chưa tính số đơn vị hành chính thuộc diện khuyến khích sắp xếp do địa phương có nhu cầu.

Về kinh phí, mức hỗ trợ 20 tỷ đồng/huyện và 0,5 tỷ đồng/xã thì ngân sách Trung ương hỗ trợ một lần khoảng 1.323 tỷ đồng, Chính phủ tính toán.

Về sắp xếp tổ chức bộ máy, lãnh đạo, cán bộ công chức và chế độ chính sách đối với cán bộ dôi dư do thực hiện sắp xếp, dự thảo Nghị quyết cơ bản kế thừa các quy định còn phù hợp của nghị quyết sắp xếp huyện, xã giai đoạn 2019 - 2021.

Lần này, dự thảo bổ sung thêm một số quy định như chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức ở đơn vị hành chính mới phải hoàn thành xong việc sắp xếp và kiện toàn tổ chức bộ máy.

Cùng đó, quy định các chế độ, chính sách được áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư do thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Về sắp xếp xử lý trụ sở, tài sản công sau sắp xếp, theo Bộ trưởng Trà, dự thảo nghị quyết quy định trong quá trình xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính thì UBND cấp tỉnh và các bộ, cơ quan trung ương có đơn vị trực thuộc trên địa bàn đồng thời lập danh sách và dự kiến phương án sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công thuộc phạm vi quản lý.

Trong thời hạn 2 năm kể từ ngày nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính có hiệu lực thi hành phải hoàn thành việc sắp xếp, xử lý trụ sở, tài sản công của cơ quan, đơn vị tại đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023 - 2030 đặt ra không ít thách thức do số lượng thuộc diện bắt buộc sắp xếp lớn hơn nhiều so với giai đoạn 2019 - 2021.

Về kinh phí thực hiện chủ trương sáp nhập huyện, xã giai đoạn tới, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, dự thảo nghị quyết chưa quy định rõ khoản ngân sách trung ương hỗ trợ được sử dụng cho những nhiệm vụ chi nào trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính, chưa thể hiện rõ đây là khoản hỗ trợ bổ sung cân đối cho địa phương hay hỗ trợ có mục tiêu.

Mặt khác, dự thảo nghị quyết đã quy định "kinh phí thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm" sẽ dẫn tới trùng lắp trong bố trí nguồn kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ chi, gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư xây dựng cơ bản.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận xét, hồ sơ dự thảo nghị quyết đã đạt được ba mục tiêu: giảm đơn vị hành chính, giảm biên chế, qua đó giảm chi tiêu ngân sách; mục tiêu thứ hai quan trọng nhất là tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý Nhà nước và mục tiêu thứ ba là tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Dẫn số liệu cho thấy có đơn vị hành chính diện tích rất lớn nhưng dân số ít như ở các tỉnh miền núi, hoặc có đơn vị hành chính diện tích nhỏ nhưng dân số rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tính toán kỹ lưỡng nhiều mặt nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý và khả năng tiếp cận các dịch vụ công của người dân.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: quochoi.vn

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định yêu cầu các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến tại phiên thảo luận, lấy ý kiến Chính phủ, hoàn thiện dự thảo xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng văn bản trước khi Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực ban hành.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Ảnh: quochoi.vn

"Cố gắng trong vòng 1 tuần, nếu được chiều thứ Tư tuần sau (ngày 19/7 - PV), Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực ban hành và có hiệu lực kể từ ngày ký để tạo điều kiện cho Chính phủ và địa phương triển khai thực hiện", ông Nguyễn Khắc Định nói.

100% Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt đã biểu quyết tán thành thông qua về nguyên tắc nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030, có hiệu lực từ khi được Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Đọc tiếp