Cần kết hợp hai đến ba phương pháp để giải bài toán định giá đất

LUẬT ĐẤT ĐAI Việt nAM
07:44 - 09/08/2022
0:00 / 0:00
0:00
Định giá đất đai luôn là vấn đề nan giải, đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, khi nhiều ý kiến cho rằng định giá đất còn thấp, chưa chính xác so với thực tế được đưa ra và xem xét trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại Hội thảo "Lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)" ngày 8/8 tại Hà Nội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã đưa ra ý kiến về nhiều vấn đề vướng mắc trong Dự thảo Luật, trong đó có định giá đất đai.

Theo đó, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã bỏ khung giá đất, chuyển sang xác định giá đất phù hợp với thị trường. Tuy nhiên, giá đất có khả năng sẽ tăng theo thời gian nên việc định giá rất phức tạp. Các địa phương đối diện với chi phí cao hơn, nhiều khó khăn hơn khi có nhu cầu thu hồi đất. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư và tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo "Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)"
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội thảo "Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)"

Với vấn đề nan giải này, Bộ trưởng đưa ra giải pháp kết hợp hai đến ba phương pháp để xác định giá đất, cơ quan soạn thảo sẽ nghiên cứu các phương pháp trên cơ sở rất cần các ý kiến đóng góp của các địa phương để có thể xác định được giá đất thị trường chính xác nhất, chứ không phải giá đầu cơ, thổi giá.

Tại Hội thảo, đại biểu 25 tỉnh, thành khu vực miền Bắc cơ bản thống nhất với nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này đã đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất về nội dung việc ban hành Luật, về thể thức đảm bảo thống nhất của Chương, Điều, Khoản… và được điều chỉnh, bổ sung trên cơ sở nền tảng Luật Đất đai năm 2013.

Tháo gỡ vướng mắc trong dự thảo

Đóng góp dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ông Nguyễn Trọng Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho rằng, Luật Đất đai hiện hành (Điều 118) xác định cụ thể các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, bao gồm đầu tư xây dựng nhà ở để bán, cho thuê hoặc cho thuê mua; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê; sử dụng quỹ đất để tạo vốn cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hải/
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hải/

Tuy vậy, Điều 65 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) không quy định cụ thể mà chỉ xác định nguyên tắc các trường hợp Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất không thuộc quy định tại Điều 63 (không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất) và Điều 64 (đấu thầu dự án có sử dụng đất) thì phải đấu giá quyền sử dụng đất.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Hải, việc đấu giá quyền sử dụng đất trong để lựa chọn nhà đầu tư sẽ không phát huy, tối đa hóa các lợi ích, mục tiêu tổng thể về phát triển kinh tế - xã hội của dự án như trường hợp lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu.

Phó Chủ tịch Thường trực TP Hải Phòng Lê Anh Quân cho biết, liên quan đến việc sử dụng đất quốc phòng an ninh, khi thực hiện thu hồi thì việc thực hiện theo Luật Đất đai còn phải thực hiện theo quy định về đất quốc phòng, an ninh, quản lý sử dụng tài sản công dẫn đến thời gian kéo dài. TP Hải Phòng đề nghị, cần quy định như các loại đất khác để bảo đảm tiến độ, thời gian phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng Lê Anh Quân.

Bên cạnh đó, ông Quân nêu vấn đề tồn tại ở Hải Phòng là việc giao cấp đất cho công nhân làm nhà ở, giao trái thẩm quyền… những trường hợp này người dân đã thực hiện nghĩa vụ tài chính đủ điều kiện cấp đất nhưng không có đất và phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. TP Hải Phòng đề nghị, có quy định để xử lý tồn tại và đưa ra quan điểm phân cấp cho địa phương để chủ động giải quyết những tồn tại này.

Ông Quân cũng đề nghị, xác định nguyên tắc, phương pháp định giá đất phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường. Nội dung này cần quan tâm, làm rõ và quy định cụ thể hơn nếu không khó để thực hiện.

Ý kiến đóng góp từ tỉnh Lạng Sơn, Ông Bùi Văn Côi, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đề nghị, cần có quy định về thẩm quyền và trình tự giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo.

Đồng thời, kiến nghị bỏ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện mà chỉ quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được phê duyệt.

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà ghi nhận các đóng góp vào các Chương, Điều đã cụ thể, chi tiết hơn. Các ý kiến về kỹ thuật, khái niệm, phương pháp trình bày, các văn bản của địa phương góp ý, Bộ trưởng cho biết, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu nghiên cứu để hiệu chỉnh cho phù hợp hơn.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh dự án Luật lần này giao quyền, phân cấp quyền cho địa phương rất nhiều, do đó, đề nghị địa phương cần nghiên cứu kỹ để có thể bảo đảm quản lý được chặt chẽ các số liệu thông tin về các loại đất đai trên địa bàn quản lý.

Trong thời gian tới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn tiếp tục nhận được thêm các ý kiến đóng góp từ cơ sở, thực tiễn ở các địa phương để dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được hoàn thiện hơn nữa để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để chuẩn bị trình Chính phủ và trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2022 theo kế hoạch.

Trước đó tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) chiều 4/8, Bộ trưởng Bộ TN&MT nêu rõ, tinh thần là nếu không bảo vệ được tốt hơn quyền lợi cho dân (người sử dụng đất, doanh nghiệp), không đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thì chưa nên ban hành luật. Vì vậy, Bộ trưởng mong muốn những người tham dự hội thảo thấy bất cứ quy định nào chưa tốt tại dự thảo thì hãy góp ý "trên tinh thần ích nước lợi nhà".

Về nội dung cơ bản của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương (bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.

Dự án Luật Đất đai sửa đổi dự kiến sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ IV, tháng 10/2022 và kỳ họp thứ V diễn ra vào tháng 5/2023. Đồng thời, thông qua tại kỳ họp thứ VI vào tháng 10/2023.

Tin liên quan

Đọc tiếp