Chậm mở lại hoạt động bay có làm giảm tốc phục hồi kinh tế?

KINH TẾ Việt nAM
03:28 - 11/10/2021
Các hãng hàng không nội địa được phép hoạt động trở lại sau 10/10 (Ảnh minh họa)
Các hãng hàng không nội địa được phép hoạt động trở lại sau 10/10 (Ảnh minh họa)
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều chuyên gia nêu ý kiến, không nên vội vàng mở cửa tất cả các đường bay nội địa nhưng cũng đừng quá thận trọng, quá chặt chẽ trong các vấn đề cơ bản để phục hồi nền kinh tế.

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Quy định của Bộ GTVT nêu rõ: Hành khách phải tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương, có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay. Hành khách cũng phải thực hiện khai báo y tế theo quy định, hoàn thành bản cam kết và chuyển cho đại diện hãng hàng không khi làm thủ tục hàng không (check-in) tại điểm xuất phát theo mẫu.

Về cơ bản, tình hình dịch bệnh trên cả nước ta trong thời gian gần đây đã được kiểm soát tốt. Một số tỉnh có nhiều ca dương tính như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai,... cũng đã giảm số ca dương tính trong cộng đồng. Người dân tại hầu hết các vùng dịch bệnh đều đã được tiêm 1 đến 2 mũi vaccine. Đây là một tín hiệu đáng mừng trong vấn đề phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của nước ta.

Để "thích ứng an toàn với COVID-19", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị cần có những biện pháp cụ thể, trong đó cần tạo thuận lợi cho sự di chuyển hàng hóa, con người, từng bước khôi phục lại sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Công ty Du lịch Vietravel phấn khởi bày tỏ: Du lịch được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng trong đại dịch thì ngành du lịch tổn thất nặng nề nhất. Hàng trăm nghìn doanh nghiệp, cơ sở dịch vụ lưu trú đóng cửa, 5,8 triệu lao động đang làm trong hệ thống này mất việc hàng loạt.

"Chính sách hỗ trợ ban hành thời gian qua chưa hỗ trợ được cho ngành du lịch, mà để phục hồi, du lịch rất cần nguồn lực tài chính. Các chính sách hỗ trợ về thuế như thuế VAT sẽ không đến được chúng tôi vì toàn bộ ngành du lịch và hàng không bị mất doanh thu từ tháng 5, 6 do phải dừng hoạt động, nên không có doanh thu để được giảm VAT" - ông Kỳ nói.

Đặc biệt, Hà Nội không sớm mở cửa trở lại đường bay thì quá trình phục hồi kinh tế sẽ bị chậm. Đồng quan điểm, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cho hay: "Hà Nội là trung tâm, là đầu tàu của cả nước, hiện nay tình hình kiểm soát dịch tễ tại Hà Nội được triển khai rất tốt. Chúng ta không cần quá vội vàng để mở cửa tất cả, nhưng cũng không đến mức quá thận trọng, quá chặt chẽ trong các vấn đề cơ bản để phục hồi nền kinh tế. Điều đó là không đúng với tinh thần Chính phủ đã đề ra là chấp nhận sống chung với dịch bệnh".

Các cơ quan Nhà nước và lãnh đạo của các địa phương cũng cần sớm ban hành cụ thể, bài bản kế hoạch sản xuất, kinh doanh đem lại an toàn cho mỗi địa phương và doanh nghiệp, để tránh lãng phí nguồn tài nguyên và lao động vốn có của Việt Nam. Về việc đi lại, di chuyển như thế nào để đảm bảo lưu thông hàng hóa, vận tải và con người, đây cũng là một vấn đề mà các bộ ngành liên quan cần đề ra giải pháp hiệu quả để người dân có thể tin tưởng, nghe theo và áp dụng một cách triệt để - Tiến sĩ Cấn Văn Lực nói thêm.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia

Trong thời gian thí điểm, các hãng hàng không tiếp nhận vận chuyển hành khách có nhu cầu đi lại phục vụ quá trình phục hồi kinh tế theo thứ tự ưu tiên hoạt động công vụ, lực lượng phòng chống dịch COVID-19, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nhân và các đối tượng khác. Kịch bản mở cửa trở lại các đường bay nội địa cần phải chuẩn bị kỹ lưỡng, thực hiện cẩn trọng từng bước, hài hòa với các điều kiện an toàn về phòng chống dịch./.

Đọc tiếp

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Việt Nam hút 9,27 tỷ USD vốn FDI 4 tháng đầu năm

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng đầu năm 2024 ước đạt 6,28 tỷ USD tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.