Chăn nuôi, thủy sản đều tăng trưởng tốt trong tháng 1

NÔNG NGHIỆP Tháng 1
19:41 - 29/01/2024
Chăn nuôi, thủy sản đều tăng trưởng tốt trong tháng 1
0:00 / 0:00
0:00
Tháng 1/2024, thủy sản ghi nhận tăng trưởng cả về lượng và giá, chăn nuôi có sự chuyển biến tốt nhưng dự báo thời gian tới có khả năng xuất hiện các đợt rét đậm ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm.

Theo báo cáo kinh tế - xã hội công bố ngày 29/1 của Tổng cục Thống kê (GSO), tính đến ngày 15/1/2024, cả nước gieo cấy được 1,82 triệu ha lúa đông xuân, bằng 96,9% cùng kỳ năm trước. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1,42 triệu ha, bằng 99,5%.

Theo GSO, cùng với việc gieo cấy lúa đông xuân, các địa phương trên cả nước đang tiến hành gieo trồng cây hoa màu. Diện tích ngô, lạc giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do hiệu quả kinh tế không cao nên người dân có xu hướng chuyển sang trồng khoai lang, đậu tương và rau các loại để phục vụ tiêu dùng của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Chăn nuôi trâu có xu hướng giảm (-1,2% so với cùng kỳ năm trước) do hiệu quả kinh tế không cao và diện tích chăn thả bị thu hẹp. Chăn nuôi lợn và gia cầm phát triển tốt (tăng lần lượt 4,1% và 3,6%) do thị trường tiêu thụ ổn định, người dân mở rộng quy mô đàn để đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, dự báo trong thời gian tới có khả năng xuất hiện các đợt rét đậm, rét hại tại các địa phương phía Bắc, do đó người chăn nuôi cần chủ động chuẩn bị chống rét cho đàn vật nuôi.

Tính đến ngày 23/1/2024, cả nước không còn dịch lợn tai xanh, dịch lở mồm long móng còn ở Hòa Bình, Cao Bằng; dịch cúm gia cầm còn ở Bắc Ninh, Tiền Giang; dịch viêm da nổi cục còn ở Tiền Giang; dịch tả lợn châu Phi còn ở 16 địa phương chưa qua 21 ngày. Đáng chú ý, hiện nay xuất hiện dịch dại trên động vật tại 5 địa phương chưa qua 21 ngày.

Về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung cả nước tháng 1/2024 ước đạt 7.800 ha, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023 do thời tiết ở một số địa phương không thuận lợi làm ảnh hưởng đến tiến độ trồng rừng như Nghệ An bằng 94,5% cùng kỳ năm trước; Quảng Ngãi bằng 96,7%; Yên Bái bằng 60%; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 4 triệu cây, giảm 2%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1,03 triệu m3, tăng 3,6%.

Trong tháng 1/2024, diện tích rừng bị thiệt hại là 31,5 ha, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước. Bao gồm, diện tích rừng bị cháy là 2,5 ha, tăng 2%; diện tích rừng bị chặt, phá là 29 ha, giảm 1%.

Về thủy sản, sản lượng thủy sản tháng 01/2024 ước đạt 590,1 nghìn tấn, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước đạt 313,3 nghìn tấn, tăng 1,9%. Bao gồm, sản lượng cá tra ước đạt 96,7 nghìn tấn, tăng 2,2% so với cùng kỳ do nhu cầu và giá cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long tăng. Cụ thể, giá cá tra nguyên liệu trong 3 tuần đầu của tháng 1/2024 dao động từ 27.000-28.5000 đồng/kg, tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tháng trước.

Sản lượng tôm nuôi trong tháng tăng so với cùng kỳ năm trước do nhu cầu tiêu dùng trong nước dịp Tết Nguyên đán cũng như chế biến phục vụ xuất khẩu tăng nên giá tôm cũng tăng theo. Tính đến trung tuần tháng 1/2024, giá tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg dao động ở 90.000-95.000 đồng/kg, loại 80 con/kg dao động ở 100.000-105.000 đồng/kg, tăng khoảng 5.000 đồng/kg so với tháng trước. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước đạt 24,9 nghìn tấn, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm sú đạt 14,9 nghìn tấn, tăng 1,4%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 1/2024 ước đạt 276,8 nghìn tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng thủy sản khai thác tăng do thời gian bám biển của ngư dân dài hơn so với cùng kỳ năm trước (Tết Quý Mão vào tháng Một năm 2023) cùng với đó là thời tiết thuận lợi cho hoạt động khai thác thủy sản. Sản lượng thủy sản khai thác biển ước đạt 258 nghìn tấn, tăng 4,5%.

Tin liên quan

Đọc tiếp