Cháy rừng tại Hy Lạp phá hủy khu vực rộng hơn thành phố New York

Cháy rừng Hy Lạp
14:02 - 30/08/2023
Cháy rừng tại Công viên Quốc gia Dalia tại Hy Lạp. Ảnh: Reuters
Cháy rừng tại Công viên Quốc gia Dalia tại Hy Lạp. Ảnh: Reuters
0:00 / 0:00
0:00
Ngày 29/8, Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh Châu Âu cho biết trận cháy rừng đã kéo dài 11 ngày tại đông bắc Hy Lạp là trận cháy rừng lớn nhất trong nhiều năm tại EU và phá hủy một khu vực rộng hơn cả diện tích thành phố New York.

Được tiếp sức bởi gió mạnh và thời tiết nắng nóng, ngọn lửa bắt đầu gần thành phố Alexandroupolis và sau đó nhanh chóng lan rộng khắp vùng Evros của Hy Lạp, phá hủy nhiều diện tích rừng, nhà cửa và sinh kế của người dân.

Theo Reuters trích dẫn bà Panagiota Maragou, người đứng đầu bộ phận bảo tồn thuộc Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) ở Hy Lạp, cho biết ít nhất 30% diện tích Công viên Quốc gia Rừng Dadia-Lefkimi-Soufli đã bị mất do cháy rừng. Bà cho biết vì tính đa dạng sinh học cao nên công viên quốc gia này là “một trong những khu bảo tồn quan trọng nhất ở Hy Lạp và cả ở châu Âu, có lẽ cả ở quy mô quốc tế”.

Trong bối cảnh đó, dữ liệu được Copernicus công bố trên mạng xã hội X xác nhận đám cháy tại đông bắc Hy Lạp tính tới hiện tại đã tàn phá ít nhất 808,7 km vuông – một khu vực rộng lớn hơn cả thành phố New York của Mỹ với diện tích 778,2km vuông – và vẫn chưa được kiểm soát hoàn toàn. Điều này biến đám cháy bắt đầu từ 19/8 này trở thành vụ cháy rừng lớn nhất tại châu Âu trong hơn 20 năm qua.

Vụ cháy cũng khiến ít nhất 20 nạn nhân thiệt mạng. Trừ một nạn nhân tại Evros, tất cả những nạn nhân còn lại đều được cho là những người di cư trái phép vượt biên giới từ Thổ Nhĩ Kỳ để trốn tránh cảnh sát trong rừng. Các nhà chức trách lo ngại có thể tìm thấy thêm nhiều thi thể hơn nữa khi ngọn lửa được dập tắt do Evros là điểm vượt biên phổ biến vào EU của hàng nghìn người di cư và tị nạn mỗi năm.

Tình hình cháy rừng và các đám khói tại Hy Lạp được Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS ghi lại. Nguồn: ISS Above/Twitter

Để đối phó với một thảm họa ở quy mô trên, đã có nhiều máy bay và hàng trăm lính cứu hỏa từ Hy Lạp và ít nhất 4 quốc gia bao gồm Albania, Serbia, Slovakia và Cộng hòa Czech tham gia chiến đấu với ngọn lửa. Trả lời Reuters, chỉ huy đội cứu hỏa Cộng hòa Czech Jiri Nemcik cho biết: “Chúng tôi đang cố gắng bảo vệ những khu vực chưa bị ảnh hưởng trước khi trận hỏa hoạn ập đến. Diễn biến của đám cháy vẫn đang rất mạnh và nguy hiểm”.

Trong khi đó, theo hãng tin Guardian trích dẫn Người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu Balazs Ujvari, “các vụ cháy rừng đang trở nên ngày càng nghiêm trọng hơn. Nếu nhìn vào số liệu thống kê hàng năm trong những năm qua, chúng ta đang chứng kiến những xu hướng không thuận lợi dần xuất hiện và điều này đòi hỏi các hành động quyết liệt hơn ở cấp độ quốc gia”.

Ngày 29/8, Văn phòng Thủ tướng Hy Lạp cho biết ông Kyriakos Mitsotakis đã chủ trì một cuộc họp về các vụ cháy rừng đang tàn phá đất nước cũng như đề ra các biện pháp phòng ngừa và thảo luận về một số vấn đề liên quan.

Cháy rừng vào mùa hè là sự kiện thường xuyên xảy ra tại Hy Lạp hàng năm. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết khắc nghiệt được các nhà khoa học cho là có liên quan tới biến đổi khí hậu đang khiến các vụ cháy rừng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là trong năm 2023.

Đọc tiếp

Nữ phát ngôn viên AI của Bộ Ngoại giao Ukraine Victoria Shi. Ảnh: Theo Bộ Ngoại giao Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine giới thiệu phát ngôn viên AI

Nữ phát ngôn viên tên Victoria Shi được tạo ra từ trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ thay mặt Bộ Ngoại giao Ukraine đưa ra các tuyên bố chính thức. Những tuyên bố do Victoria Shi đọc sẽ không phải do AI tạo ra mà được viết và xác minh bởi người thật.