Chính phủ vào cuộc xử lý vụ lừa đảo 100 container điều

XUẤT KHẨU Việt nAM
16:36 - 15/03/2022
Chính phủ vào cuộc xử lý vụ lừa đảo 100 container điều
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Chính phủ ngày 15/3 có công điện gửi các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhằm chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp xử lý vụ xuất khẩu điều sang Italy.

Sáng ngày 15/3, Văn phòng Chính phủ có Công điện số 1583/CĐ-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc xuất khẩu điều sang thị trường Châu Âu. Trước đó ngày 8/3, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đã có thông báo về việc một số doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng xuất khẩu 100 container điều trị giá gần 1.000 tỷ đồng sang Italy.

Nhưng trong quá trình gửi chứng từ nhờ thu hộ sang ngân hàng Italy, số SWIFT - mã số định danh nhận diện ngân hàng, liên tục bị thay đổi, khi phải chuyển tiếp bộ chứng từ sang một Ngân hàng khác tại Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả là 36 bộ chứng từ gốc đã bị thất lạc trong khi chỉ cần có chứng từ gốc thì có thể nhận được hàng. Hiện 36 container hàng trị giá 7 triệu USD đã trên đường tới Italy.

Vì vậy, Thủ tướng giao Bộ trưởng các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Giao thông vận tải và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương phối hợp với Vinacas và các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý.

Đồng thời hỗ trợ theo thẩm quyền để bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, trong khuôn khổ phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, cần kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng thông báo sẽ phối hợp với Vinacas và các cơ quan chức năng để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Đồng thời, đại diện Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp cần cẩn trọng trong bối cảnh tình hình quốc tế nhiều biến động, và cần có các phương án dự phòng rủi ro trong giao dịch thương mại.

Ngoài ra, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cũng chia sẻ rằng, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu nhân điều thường dùng phương thức thanh toán điện chuyển tiền (T/T), trả tiền nhận chứng từ (D/P), thư tín dụng (L/C)…khi ký hợp đồng. Trong đó phương thức L/C được đánh giá là an toàn nhất.

Tuy nhiên, hình thức thanh toán nào thì cũng đều có ưu, nhược điểm từ góc độ của mỗi bên tham gia kinh doanh. Một khi đã có ý đồ lừa đảo để lấy mất chứng từ thì rủi ro đó nằm ngoài phương thức thanh toán, kể các L/C.

Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng cần phải cân nhắc khi chọn phương thức thanh toán quốc tế và lựa chọn các cán bộ ngân hàng thật sự có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp nên yêu cầu bên mua chuyển trả trước 30%, 70% còn lại sẽ thanh toán bằng phương thức thư tín dụng (L/C).

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý việc thẩm định công ty đối tác thông qua các cơ quan chuyên trách như thương vụ, các phòng thương mại tại nước sở tại để xác minh, tránh để xảy ra tình trạng mù mờ thông tin đối tác dẫn đến sự việc đáng tiếc như hiện nay.

Ngoài ra, hiện người tự nhận là bên mua đã thuê luật sư và liên hệ với tòa án tại Italy để đòi trả hàng vì họ có chứng từ gốc. Điều này sẽ gây bất lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam. Dù sau khi có phán quyết giữ lại hàng của cảnh sát tài chính thì những lô hàng kia sẽ an toàn nằm ở cảng. Nhưng giới chức trách Italy sẽ phải ra phán quyết ai là chủ thực sự của lô hàng và giải phóng lô hàng trả về cho chủ. Nhưng việc mất kiểm soát chứng từ gốc sẽ rất khó để chứng minh chủ sở hữu thực sự của lô hàng.

Vì vậy, các công ty Việt Nam có liên quan cần liên kết thành một mối, nhanh chóng hành động để tòa án Italy coi đây là vụ phạm tội nguy hiểm và đưa ra xét xử sớm, tránh nguy cơ bị tổn thất tài chính và tổn thất hàng hóa khi phải lưu kho bãi lâu ngày.

Vụ việc này còn chưa kết thúc nhưng đây sẽ là kinh nghiệm cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cần cẩn trọng hơn trong quá trình đàm phán, chọn đối tác và giao dịch.

Tin liên quan

Đọc tiếp