Chủ tịch Quốc hội: Không để xảy ra tình trạng 'tham nhũng chính sách'

pháp luật QUỐC HỘI
18:05 - 06/09/2023
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: CTTĐT Quốc hội
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Phát biểu kết luận Hội nghị toàn lần thứ nhất triển khai Luật, Nghị quyết của Quốc hội khoá XV chiều 6/9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong nửa đầu nhiệm kỳ, Quốc hội, UBTVQH khóa XV đã ban hành 1.010 văn bản, gồm 23 luật, 101 nghị quyết của Quốc hội, 4 pháp lệnh và 882 nghị quyết của UBTVQH.

Các dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật được ban hành đã bám sát Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của UBTVQH về chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa; đồng thời rất linh hoạt, sáng tạo, phản ứng nhanh nhạy trước yêu cầu thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tăng cường đôn đốc, kiểm tra, tập trung nguồn lực, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, có nhiều giải pháp đổi mới để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, nghị quyết. Công tác truyền thông được chú trọng, giúp người dân, doanh nghiệp kịp thời nắm bắt nội dung các chính sách lớn.

Các bộ, cơ quan đã tổ chức nhiều hội nghị phổ biến, quán triệt các luật, nghị quyết, tổ chức hội nghị tập huấn chuyên sâu cho đội ngũ công chức thực thi pháp luật. Các địa phương cũng đã chủ động lồng ghép việc phổ biến, quán triệt luật, nghị quyết trong kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm; nhiều nơi ban hành văn bản riêng để hướng dẫn phổ biến, tuyên truyền luật, nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, công tác triển khai thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH còn không ít tồn tại, hạn chế. Công tác tổ chức triển khai một số luật, nghị quyết còn chậm. Tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Một số văn bản chưa bảo đảm về chất lượng, vừa ban hành thời gian ngắn đã phải sửa đổi, bổ sung hoặc ngưng hiệu lực thi hành do không phù hợp với thực tiễn hoặc có bất cập...

Đại biểu đóng góp ý kiến về công tác xây dựng và triển khai pháp luật tại hội nghị. Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Đại biểu đóng góp ý kiến về công tác xây dựng và triển khai pháp luật tại hội nghị.

Ảnh: CTTĐT Quốc hội

Theo Chủ tịch Quốc hội, thực trạng nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trước hết là do người đứng đầu một số Bộ, ngành, địa phương chưa phát huy đầy đủ trách nhiệm, chưa dành sự quan tâm thỏa đáng đến công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật trong lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi phụ trách.

Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại phiên chất vấn ngày 15/8/2023 của UBTVQH cho thấy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng thể chế nhưng mới chỉ có 8/28 Bộ, cơ quan thực hiện đúng yêu cầu này, 20/28 cơ quan vẫn do Thứ trưởng phụ trách. Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, không dám làm, sợ sai, né tránh trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức.

Cho biết từ nay đến hết nhiệm kỳ, khối lượng công việc của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan đều rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục phát huy hơn nữa kết quả, khắc phục những hạn chế; quán triệt đầy đủ yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác thi hành pháp luật, nhất là đối các luật, nghị quyết vừa được thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Chủ tịch Quốc hội nêu 9 nhóm giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai hiệu quả các luật, nghị quyết của Quốc hội, trong đó nhấn mạnh yêu cầu các cơ quan có giải pháp quyết liệt hơn nữa, khắc phục cho được tình trạng nợ đọng, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, nghị quyết.

Tập trung hoàn thành việc ban hành, bảo đảm chất lượng 83 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết quy phạm pháp luật của Quốc hội khóa XV; chậm nhất trong tháng 9/2023 phải hoàn thành xây dựng, ban hành 2 nghị định quy định chi tiết thi hành Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Đối với 8 luật có hiệu lực thi hành trong năm 2024, khối lượng văn bản quy định chi tiết dự kiến ban hành rất lớn (68 văn bản), Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ có kế hoạch cụ thể, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý, đầu tư nguồn lực để xây dựng, ban hành đầy đủ, chất lượng các văn bản, bảo đảm có cùng hiệu lực với thời điểm có hiệu lực của luật, nghị quyết, nhất là với luật có hiệu lực từ ngày 1/1/2024.

Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý đi đôi với tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát; khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm, xử lý nghiêm các vi phạm. Chú trọng thể chế hóa và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng về chống tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật; không để xảy ra tình trạng “tham nhũng chính sách”, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tin liên quan

Đọc tiếp