Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau một tuần chao đảo vì Omicron

CHỨNG KHOÁN MỸ
08:42 - 04/12/2021
Chứng khoán Mỹ giảm điểm sau một tuần chao đảo vì Omicron
0:00 / 0:00
0:00
Cả 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ trải qua phiên giao dịch cuối tuần giảm điểm khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 11 ảm đạm và biến chủng Omicron tiếp tục gieo lo lắng cho nhà đầu tư.

Kết thúc phiên giao dịch đêm qua trên phố Wall, chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones giảm 59,71 điểm xuống 34.580,08 điểm, dẫn đầu bởi mức giảm 1,9% của cổ phiếu Boeing. Có thời điểm trong phiên, Dow Jones lao dốc hơn 300 điểm trước khi phục hồi và giảm bớt mức lỗ.

Dow Jones chốt phiên giao dịch cuối tuần giảm 59,71 điểm (Ảnh: CNBC)

Dow Jones chốt phiên giao dịch cuối tuần giảm 59,71 điểm (Ảnh: CNBC)

Chỉ số S&P 500 giảm 0,8% xuống 4.538,43 điểm trong khi chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite tụt 1,9%, chốt phiên ở 15.085,47 điểm.

Nhóm cổ phiếu công nghệ là một trong những nhóm đóng góp lớn nhất vào phiên giao dịch ngập tràn sắc đỏ hôm qua. Cụ thể, cổ phiếu hàng loạt đại công ty công nghệ như Tesla giảm 6,4%, Zoom Video giảm 4,1%... sau khi đưa ra dự báo kết quả kinh doanh quý IV thấp hơn mong đợi của các nhà phân tích.

Nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế, đặc biệt là cổ phiếu khách sạn và hàng không cũng lao dốc mạnh mẽ khi biến thể COVID-19 mới mang tên Omicron gieo rắc nỗi lo lắng trên thị trường. Chốt phiên 3/12 trên phố Wall, cổ phiếu Las Vegas Sands tụt gần 3,7%, Delta Airlines giảm 1,8%, Norway Cruise Lines mất 4,5% và Carnival bốc hơi 3,9%.

Như vậy, cả Dow Jones, Nasdaq Composite và S&P 500 đều khép lại một tuần giao dịch ở lãnh thổ tiêu cực sau tin tức về biến thể COVID mới dễ lây lan cũng như báo cáo thị trường việc làm tháng 11 gây thất vọng của Mỹ.

Biến thể Omicron gây áp lực lớn với biến động hàng ngày của chỉ số Dow Jones tuần qua (Ảnh: CNBC)

Biến thể Omicron gây áp lực lớn với biến động hàng ngày của chỉ số Dow Jones tuần qua (Ảnh: CNBC)

Báo cáo việc làm tháng 11 do Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 3/12 cho thấy số việc làm tăng thêm trong khu vực phi nông nghiệp chỉ đạt 210.000, tức thấp hơn nhiều con số kỳ vọng 573.000 mà các nhà phân tích đưa ra trong cuộc thăm dò của Dow Jones. Dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống 4,2%, tốt hơn mức ước tính là 4,5%.

Nhận định về mức giảm trong phiên giao dịch cuối tuần, chiến lược gia thị trường từ Ryan Detrick từ LPL Financial cho hay: “Sự không chắc chắn về biến chủng Omicron kết hợp với báo cáo việc làm đáng thất vọng trong tháng 11 đã khiến nhà đầu tư quyết định bán tháo trong phiên cuối tuần”.

Tương tự, ông Steve Rick, nhà kinh tế trưởng tại CUNA Mutual Group cho hay: “Điều đáng lo ngại là chúng ta không thể phát huy đà tăng trưởng việc làm mạnh mẽ của tháng 10. Ngoài ra, sự không chắc chắn (xung quanh diễn biến của đại dịch) chắc chắn sẽ tăng lên khi mùa đông đến”. Theo ông Steve Rick, không có gì ngạc nhiên nếu thị trường trải qua tháng 12 “hụt hẫng” khi Mỹ chuẩn bị ứng phó với biến thể Omicron trong khi lạm phát tiếp tục tăng và khủng hoảng chuỗi cung ứng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo nguồn tin từ tờ CNBC, tính đến nay các ca nhiễm COVID-19 liên quan đến biến chủng Omicron hiện đã được phát hiện ở 5 bang của nước Mỹ với triệu chứng ban đầu tương đối nhẹ. Thị trường sẽ tiếp tục chờ đợi những phát hiện mới về mức độ nguy hiểm biến chủng này cũng như dự báo tác động của nó với đà phục hồi kinh tế.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh minh họa: PGBank đã có những phát triển vượt bậc sau khi cổ đông sáng lập là Petrolimex thoái vốn và sự tham gia của Tập đoàn Thành Công.

Những cổ đông ‘gần lớn’ ở PGBank

ĐHĐCĐ năm 2024 của PGBank có sự tham dự của 20 cổ đông, đại diện cho 97,424% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Xét theo tỷ lệ, đây là con số rất cao trên thị trường, thậm chí còn cao hơn các ngân hàng thương mại quốc doanh.