Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tri thức là dòng chảy của thời đại

Công Thương Việt nAM
17:54 - 20/12/2023
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành công thương. Ảnh: Bộ Công Thương
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành công thương. Ảnh: Bộ Công Thương
0:00 / 0:00
0:00
Đây là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khi đánh giá và giao nhiệm vụ cho Bộ Công Thương trong Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 của ngành công thương, sáng 20/12.

Nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nền kinh tế có bốn trụ cột: Công - Nông - Thương - Trí”, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, Bộ Công Thương đã đảm nhận hai lĩnh vực quan trọng và một đất nước có phát triển hay không tùy thuộc vào sự phát triển nền công nghiệp và thương mại.

Phó Thủ tướng đánh giá, những tháng đầu năm 2023, khi cạnh tranh toàn cầu, xung đột, dịch bệnh căng thẳng, toàn ngành công nghiệp chứng kiến sự suy giảm mạnh với tốc độ tăng trưởng âm 6,3%, riêng công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 6,9 %. Đây là điều chưa từng xảy ra trong cùng kỳ suốt 20 năm qua, cho thấy “trận bão” quét qua gây tổn hại rất lớn.

Trong bối cảnh đó, với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cả nước đã đạt 10/15 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tăng trưởng GDP năm 2023 dự kiến trên 5,5%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất siêu khoảng 26 tỷ USD; an ninh lương thực được đảm bảo, sản lượng gạo ước đạt 28 triệu tấn, xuất khẩu trên gần 8 triệu tấn; thị trường lao động phục hồi tích cực; đã có trên 220.000 doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động; đón khoảng 13 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và dự báo Việt Nam sẽ phục hồi nhanh trong thời gian tới. Trong tháng 12 vừa qua, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Rating đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức BB lên mức BB+.

Với triển vọng ổn định, giá trị thị trường thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, tăng một bậc lên thứ 32/100 các thương hiệu quốc gia mạnh nhất thế giới.

Trong thành công chung của cả nước có sự đóng góp quan trọng, toàn diện của ngành công thương trên nhiều mặt như nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất, thương mại cụ thể, trong đó có vấn đề liên quan đến đảm bảo nguồn vật liệu, cung ứng nguồn nhiên liệu quan trọng huyết mạch của nền kinh tế.

Đại diện nhiều bộ ngành, địa phương và hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham dự hội nghị tổng kết ngành công thương. Ảnh: Bộ Công Thương

Đại diện nhiều bộ ngành, địa phương và hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tham dự hội nghị tổng kết ngành công thương. Ảnh: Bộ Công Thương

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải thẳng thắn nhận diện những tồn tại, bất cập để khắc phục, sửa đổi trong thời gian tới.

Trước hết, Bộ Công Thương cần đổi mới tư duy, quan điểm, chính sách. Nếu không đổi mới thì không thể dẫn dắt kinh tế tuần hoàn và ngành năng lượng từ nâu sang xanh. Không đổi mới sẽ không thể tận dụng được xu thế hội nhập.

Việc thu hút đầu tư phải có tiêu chí cụ thể để lựa chọn ngành công nghiệp đáp ứng được các yêu cầu. Điều này đòi hỏi thể chế, chính sách, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và phòng chống phòng vệ thương mại theo cách khác dựa trên cơ sở khoa học, dựa trên tiêu chí mà hiện nay thế giới đã đặt ra.

Thứ hai, cần có các biện pháp không để xảy ra thiếu nguyên - nhiên - vật liệu, trong đó có xăng dầu, khí đốt, điện năng, hay các nguồn năng lượng sơ cấp.

Thứ ba, về sản xuất công nghiệp, Phó Thủ tướng đặt câu hỏi, “chúng ta chỉ đạt mục tiêu 2,3%, ở đây phải xem lại thống kê. Liệu đến năm 2030 là chúng ta có thể trở thành một nước có thu nhập trung bình được hay không? Công nghiệp chế biến chỉ tăng 3,1%. Trong khi đây đang là nền tảng cho các ngành công nghiệp khác”.

Một số ngành công nghiệp chủ lực như xe máy, tivi, thép... đều giảm và cũng giảm khá sâu. Có lĩnh vực giảm đến 43% như công nghiệp điện tử. Theo Phó Thủ tướng, nguyên nhân có cả khách quan, chủ quan, đây là lúc xem xét lại chiến lược thúc đẩy sản xuất công nghiệp, thị trường tiêu dùng.

Các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn được nêu trong Nghị quyết 29 như công nghệ thông tin, cơ khí chế tạo, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp năng lượng, năng lượng xanh còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đặt ra vấn đề: “Trong thời gian tới, nếu lựa chọn ngành công nghiệp bán dẫn, chúng ta có phân biệt được, tiếp cận được và hiểu được ngành công nghiệp này để nắm bắt được từng khâu, chuỗi giá trị ở trong đó để lựa chọn đầu tư? Hay cũng chỉ là gia công như sản xuất giày dép và may mặc?”

Thứ tư, xuất khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào khối FDI. Ngành công thương am hiểu về kỹ thuật, có thể cung cấp đầu vào làm cơ sở để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính toán chính sách thu hút đầu tư cho đất nước. Việt Nam có 16 FTA đã ký kết và cần lựa chọn, xây dựng cho mình những chiến lược vừa thu hút FDI vừa xây dựng những ngành công nghiệp nền tảng.

Trong bối cảnh năm 2024 còn rất nhiều khó khăn, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhận định, sự cạnh tranh sẽ ngày càng trở nên tinh vi, khốc liệt hơn, sẽ đi vào các mục tiêu toàn cầu, biện pháp thuế quan bằng kỹ thuật, nếu Việt Nam không làm chủ và chủ động được thì không thể đi theo xu thế lớn của thời đại và sẽ bị đứng ngoài cuộc chơi.

“Nếu muốn đi cùng các nước trên thế giới, chúng ta phải có những tư tưởng mang tính chất đột phá, phải nắm những cơ hội, lựa chọn những thuận lợi trong thách thức. Tôi đề nghị ngành công thương giúp Chính phủ hoạch định chính sách hội nhập, thể chế hóa, đảm bảo tính thống nhất và tiêu chuẩn hóa sản phẩm, tránh những hàng rào kỹ thuật phi thuế quan".

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà

Tin liên quan

Đọc tiếp