Năm 2023, Việt Nam ước tính xuất siêu gần 30 tỷ USD

Thương Mại Việt nAM
10:36 - 20/12/2023
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 vào sáng 20/12. Ảnh: Bộ Công Thương
Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 vào sáng 20/12. Ảnh: Bộ Công Thương
0:00 / 0:00
0:00
Theo Bộ Công Thương, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, Việt Nam tiếp tục xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư thương mại ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022.

Sáng 20/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024. Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, năm 2023 trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, thách thức, ngành công thương đã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh.

Bảo đảm cung ứng vật tư, nguyên liệu, hàng hóa thiết yếu; đẩy mạnh các hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa; khai thác có hiệu quả các hình thức thương mại, các loại thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, chuỗi cung ứng, thúc đẩy xuất khẩu, đóng góp quan trọng, tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước.

Nhờ vậy, ước tính cả năm, giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng 2,98%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,48%, đóng góp tích cực cho sự phục hồi của nền kinh tế. Nhiều địa phương đã từng bước phục hồi sản xuất, khôi phục mức tăng chỉ số IIP ở hầu hết các địa phương trên cả nước, nhiều địa bàn công nghiệp trọng điểm tiếp tục phục hồi hoặc duy trì đà tăng tích cực như Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Vĩnh Phúc, Vĩnh Long, Quảng Ninh, TP HCM…

Về xuất nhập khẩu, năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 683 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 354,5 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 324,5 tỷ USD. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu năm thứ 8 liên tiếp với mức thặng dư thương mại ước đạt gần 30 tỷ USD, tăng gần gấp 3 lần năm 2022, góp phần tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng báo cáo tại hội nghị về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành công thương năm 2023. Ảnh: Bộ Công Thương

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng báo cáo tại hội nghị về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ ngành công thương năm 2023. Ảnh: Bộ Công Thương

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, tổng cầu thế giới sụt giảm, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam mặc dù chưa đạt được mức tăng trở lại so với năm trước nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp đáng kể.

Hoạt động thương mại trong nước tiếp tục khai thác hiệu quả sức mua của thị trường, phục hồi tích cực, đạt mức tăng trưởng vượt trội so với mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 ước tăng 9,6% so với năm 2022, vượt mục tiêu kế hoạch của ngành (mục tiêu tăng 8 - 9%).

Đối với thị trường xăng dầu, công tác điều hành giá và đảm bảo nguồn cung xăng dầu được quan tâm, chỉ đạo thực hiện, luôn theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để kịp thời chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước đối với các ngành, lĩnh vực (quản lý thị trường, phòng vệ thương mại, hội nhập, xúc tiến thương mại, quản lý cụm công nghiệp, khuyến công, khoa học và công nghệ, tổ chức cán bộ...) được tổ chức triển khai, đóng góp tích cực vào thành tích chung của toàn ngành.

Bên cạnh những kết quả tích cực, Thứ trưởng cũng nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực công thương năm 2023, như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tuy có chuyển biến tích cực nhưng còn chậm, mới chỉ bắt đầu phục hồi từ cuối quý 3 trở lại đây.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vốn là động lực tăng trưởng kinh tế trong các năm trước nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng khiêm tốn trong năm 2023 do sản xuất hàng gia công (may mặc, da giày, điện tử, đồ gỗ… ) thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2022 vì nhu cầu thị trường thế giới giảm, thiếu hụt đơn hàng.

Các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu tiếp tục đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng từ thị trường quốc tế, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao.

Kim ngạch xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm mặc dù mức suy giảm đang dần được thu hẹp. Mức độ phụ thuộc vào khu vực FDI trong xuất khẩu vẫn còn lớn khi kim ngạch xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) vẫn chiếm khoảng 73% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Hạ tầng thương mại phát triển không đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn. Chưa thu hút được đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt các hạ tầng lớn có tính lan tỏa. Còn thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các bên trong chuỗi cung ứng hàng hóa (nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà vận chuyển, người tiêu dùng).

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Vì vậy, cần phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, cầu thị các hạn chế này để nghiêm túc rút kinh nghiệm và có các giải pháp để khắc phục kịp thời, tạo sự chuyển biến thực chất và mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Hội nghị đã dành nhiều thời gian để đại diện các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng trao đổi, tham luận, đánh giá tình hình và kết quả phát triển ngành công thương trong năm 2023; đề xuất các giải pháp trọng tâm năm 2024.

Tin liên quan

Đọc tiếp