Chuyên gia Vũ Vinh Phú: 'Việc giảm thuế VAT không tác động nhiều tới người tiêu dùng'

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
07:22 - 20/02/2022
Chuyên gia Vũ Vinh Phú: 'Việc giảm thuế VAT không tác động nhiều tới người tiêu dùng'
0:00 / 0:00
0:00
Thông tin thuế VAT được giảm xuống 8% là một tin vui với nhiều khách hàng, tuy nhiên theo chuyên gia Vũ Vinh Phú khi giá xăng vẫn tăng mạnh và không phải mặt hàng nào cũng được giảm thì chính sách này chưa thực sự đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng.

Nhiều đơn vị còn lúng túng trước quy định mới

Chính phủ mới đây ban hành Nghị định số 15 quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống còn 8%, trong đó việc giảm thuế này được áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10%.

Theo đó, Chính phủ không quy định giảm thuế VAT đồng loạt xuống còn 8% với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ, mà đưa ra danh mục loại trừ hàng chục trang, với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm, vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%, được quy định chi tiết trong 3 phụ lục đi kèm nghị định này.

Chính sách trên của Chính phủ đã được giới chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá cao. Trước đó, đại diện Ngân hàng Thế giới (World Bank) từng đưa ra khuyến nghị: "Chính phủ Việt Nam có thể cân nhắc các biện pháp về thu ngân sách để hỗ trợ tổng cầu trong nước. Đó có thể là giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 để hỗ trợ tiêu dùng tư nhân".

Tuy nhiên, trao đổi với Mekong Asean, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho biết, tại quy định mới nói trên chỉ có đơn vị mang tên công ty, tức là có chủ thể kinh doanh, mới được hạch toán VAT cũng như đầu vào đầu ra. Còn các mặt hàng bán ngoài chợ hay cửa hàng bán lẻ thì không được hưởng quy định này. Vậy nên, thuế VAT chỉ bao trùm phần doanh số của kênh siêu thị hiện đại, có tên công ty, có chủ thể kinh doanh hạch toán đầy đủ.

Trong khi đó, đến nay vẫn có những đơn vị còn lúng túng về các thay đổi trong phần mềm. Chẳng hạn như trong khoảng độ 1.000 mặt hàng bán ra thì chỉ có 700 mặt hàng được giảm 2% thuế VAT. Trên thực tế việc bóc tách trong cùng một ngành nghề kinh doanh các mặt hàng chịu thuế 10% và 8% cũng gặp nhiều khó khăn. Vì thế, các đơn vị cần nhanh chóng chỉnh sửa, cập nhật lại phần mềm để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

"Tuy nhiên, trong đợt thanh tra vừa qua cho thấy hiện vẫn có các đơn vị chưa thực hiện được việc này, mặc dù đây là việc có lợi cho đơn vị nhưng họ lại làm rất chậm, nhất là việc tổ chức cần thực hiện như thế nào để người dân phấn khởi mua hàng", ông Phú chia sẻ.

Ảnh tác giả

Ở nhiều nước trên thế giới giá mặt bằng tại siêu thị thấp hơn ở ngoài chợ, nhưng ở Việt Nam thì điều này lại ngược lại. Giá siêu thị tại nước ta còn cao hơn giá chợ từ 20-30%, cho nên việc giảm thuế VAT đối với siêu thị rất hạn chế. Vì thế, dù giá siêu thị đã cao lên rồi giảm đi thì cũng không ảnh hưởng nhiều. Trước tiên mặt bằng giá phải hợp lý, rồi mới giảm VAT thì lúc đó mới có giá trị và đáng lưu tâm.

Ông Vũ Vinh Phú - Chuyên gia kinh tế, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội

Tác động của việc giảm thuế VAT tới thị trường

Trước đó, Bộ Tài chính dự kiến các chính sách này sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT là khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng.

Theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, bản chất của thuế GTGT là thuế gián thu, tức các đơn vị bán lẻ kinh doanh thu hộ nhà nước chứ doanh nghiệp không được hưởng trực tiếp. Vì thế, khi thuế VAT giảm thì giá bán sẽ giảm, nhất là trong chuỗi các siêu thị hoặc cửa hàng, còn các hàng quán bên ngoài thì không ảnh hưởng gì cả, bởi họ không có điều kiện được hạch toán máy móc hay các hóa đơn VAT.

Điều này dẫn đến việc liệu thuế VAT giảm liệu có tác động lớn để thị trường mua bán chung hay không? Ông Phú dẫn chứng, trong đợt vừa rồi, giá xăng có sự thay đổi, thậm chí tăng mạnh trong tháng vừa qua, vậy nên xăng tăng 10% thì điều này cũng dẫn đến vô hiệu hóa VAT.

Vì thế, các chuyên gia của Cục thống kê cần đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề này, bởi nhiều người hiện nay vẫn chú trọng vào việc giá xăng dầu tăng giảm nhiều hơn so với thuế VAT giảm 2%, ông Phú nhận định. Qua đó, muốn tác động đến VAT một cách mạnh mẽ, hiệu quả hơn thì phải cân đối, điều chỉnh lại giá cho cân đối với các mặt hàng khác.

Ngoài ra, chỉ số CPI của tháng 1/2022 hiện nay tăng 1,94%, vì thế dù thuế VAT giảm còn 8% thì cũng không đáng kể so với chỉ số giá cả hàng hoá trên thị trường. Theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, riêng 87-90% các mặt hàng tươi sống bán ở chợ đều không liên quan đến việc giảm thuế VAT.

Điều này cho thấy khi người dân mua hàng ngoài chợ thì giá lại rẻ hơn dù không được giảm thuế VAT, đồng nghĩa với việc VAT chỉ có tác dụng với những người vào siêu thị mua hàng - nơi mà giá thành sản phẩm lại chênh lệch lớn hơn so với bên ngoài. Vậy nên câu hỏi đặt ra là phải làm thế nào để VAT có thể phổ biến rộng rãi hơn nữa, tổ chức hạch toán mở rộng hơn, mặt bằng giá cả phải kiểm soát tốt hơn.

Tuy việc giảm thuế VAT cũng là một điểm tích cực nhưng chưa đầy đủ và trọn vẹn, từ đó đòi hỏi Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế phải xem lại quy trình, cách thức kiểm tra và cân đối với các giá hàng khác như xăng dầu, điện nước, dịch vụ y tế, dịch vụ trường học… thì lúc đó việc giảm VAT mới thực sự có tác động mạnh tới thị trường.

Nhắc tới triển vọng phát triển của các mặt hàng nằm trong nhóm được giảm thuế VAT, chuyên gia Vũ Vinh Phú đánh giá cao sự phát triển của nhóm hàng này. Tuy nhiên hiện các mặt hàng chỉ bó hẹp trong siêu thị và các công ty có tính VAT, hoặc một số dịch vụ thu thuế VAT, chứ chưa có sự mở rộng.

Qua đó, theo ông Phú, Chính phủ cần đưa ra các hướng dẫn cụ thể để việc thực thi Chính sách được hiệu quả hơn, không phải chỉ giảm thuế VAT là tốt mà còn cần kiểm tra đôn đốc thực hiện, phải mở rộng mặt hàng, đối tượng hạch toán VAT thì mới có tác dụng tích cực thiết thực.

Một số nhóm hàng KHÔNG được giảm thuế VAT lần này

Nhóm sản phẩm công nghệ thông tin (máy vi tính, máy pos, màn hình, máy chiếu, thẻ thông minh, máy quay, điện thoại di động…); Nhóm sản phẩm điện tử nghe nhìn; Nhóm sản phẩm thiết bị điện tử gia dụng (máy giặt, lò vi sóng, máy hút bụi, điều hoà,…)

Các dịch vụ (ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, viễn thông, bất động sản…); Sản phẩm khai khoáng (than non, dầu thô, khí tự nhiên dạng hoá lỏng, quặng kim loại, đá, cát sỏi, đất sét, đá quý, kim cương, kim loại quý..), Kim loại (nhôm, đồng, sắt,…); Một số mặt hàng sản xuất từ kim loại cũng như dịch vụ sản xuất kim loại.

Tin liên quan

Đọc tiếp