Cơ hội để Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng ngành năng lượng

NĂNG LƯỢNG hoa kỳ
21:58 - 13/09/2023
0:00 / 0:00
0:00
Theo Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (Amcham) tại Hà Nội John Rockhold, quá trình Việt Nam chuyển dịch sang phát triển năng lượng tái tạo có tiềm năng mang lại hàng trăm tỷ USD từ việc tham gia chuỗi cung ứng mới cho ngành công nghiệp này.

Chiều ngày 13/9, tại TP HCM đã diễn ra Diễn đàn Thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ với chủ đề “Tăng cường kết nối với các tập đoàn công nghiệp và năng lượng Hoa Kỳ”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định, sau gần 30 năm kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1994, sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đạt được nhiều tiến triển mạnh mẽ và thực chất trong nhiều lĩnh vực hợp tác trên cả bình diện song phương và đa phương.

Trong lĩnh vực kinh tế, thương mại giữa hai nước đã có những bước phát triển quan trọng. Kim ngạch hai chiều liên tục chứng kiến tốc độ tăng trưởng ở mức cao, tăng hơn 275 lần, từ mức khoảng 450 triệu USD lên tới 124 tỷ USD năm 2022. Hoa Kỳ nhiều năm liên tục là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ.

Thời gian qua, tình hình kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại Hoa Kỳ làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng giảm đáng kể. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này giảm trong những tháng đầu năm nay.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng, sự sụt giảm này được đánh giá mang tính thời điểm chứ không phải là xu hướng chủ đạo trong thời gian tới. Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại trong những tháng gần đây cho thấy sự khởi sắc đáng kỳ vọng cho năm 2023.

Về cơ chế hợp tác, hai nước đã ký kết nhiều hiệp định, văn bản, thỏa thuận. Đặc biệt, ngày 10/9 vừa qua, hai nước đã chính thức nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện.

“Đây thực sự là cột mốc lịch sử trong quan hệ song phương, là điều mà không một ai có thể tưởng tượng được gần 30 năm trước", Thứ trưởng nhận định.

Ảnh tác giả

Ảnh: báo Công Thương

"Chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và sự kiện nâng cấp quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện sẽ tạo cơ hội chưa từng có để thúc đẩy những lĩnh vực hợp tác mới, mang tính đột phá, xây dựng nội lực để Việt Nam thực sự có mặt trong các chuỗi giá trị toàn cầu. Trong đó tập trung vào tạo việc đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện cho ngành năng lượng, hàng không, kinh tế số, hệ sinh thái bán dẫn, ứng dụng trí tuệ nhân tạo…"

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải

Chính vì vậy, Thứ trưởng cho rằng, diễn đàn sẽ mang lại cơ hội quan trọng để các nhà quản lý, chuyên gia và lãnh đạo doanh nghiệp hai nước thảo luận thẳng thắn về những lĩnh vực tiềm năng và cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nguyên vật liệu và linh kiện của chuỗi cung ứng ngành hàng không và năng lượng.

Từ đó, góp phần tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước xây dựng chiến lược tiếp cận, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, thúc đẩy hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư giữa hai nước theo hướng cân bằng và bền vững.

Đánh giá về ngành năng lượng của Việt Nam, tại sự kiện, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) Việt Nam và AmCham Hà Nội John Rockhold nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về sản xuất điện từ năng lượng tái tạo sạch với giá cả hợp lý.

Doanh nghiệp và nhà đầu tư Hoa Kỳ hiện đã mang các dự án điện và năng lượng chất lượng cao, cũng như công nghệ, dịch vụ và phương thức kinh doanh tiên tiến tới Việt Nam như đầu tư sản xuất điện từ LNG hay điện than (hợp tác giữa Hội đồng Than Hoa Kỳ và các thành viên của Tập đoàn Điện lực Việt Nam)…

Với công nghệ của Hoa Kỳ, Việt Nam có thể giảm ít nhất 46 triệu tấn khí thải, vượt xa cam kết giảm 9% khí thải vào năm 2030 của Việt Nam.

Đánh giá về mục tiêu trung hòa carbon bằng 0 vào năm 2050, ông John Rockhold cho rằng Việt Nam nên ưu tiên các nguồn năng lượng có giá cả phù hợp, bền vững về mặt xã hội. Để làm được điều này, Việt Nam sẽ cần có hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ các nguồn bên ngoài cũng như các dự án phải mang tính thực tế và có khả năng sinh lợi để thu hút vốn.

“Việt Nam nên làm rõ các quy định hiện tại để thu hút nguồn vốn quốc tế tiềm năng. Chúng tôi biết rằng các dự án lưới điện mới sẽ thu hút đầu tư và nâng cao quy mô công suất của các dự án năng lượng tái tạo của Việt Nam, cung cấp nguồn năng lượng an toàn và đáng tin cậy cho người dân và doanh nghiệp”, theo ông John Rockhold.

Phía Acham cũng cho rằng, quá trình chuyển dịch năng lượng của Việt Nam sang hướng phát triển năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi có tiềm năng mang lại hàng trăm tỷ USD từ việc phát triển kinh doanh chuỗi cung ứng mới cho ngành công nghiệp này.

Chuỗi cung ứng này bao gồm các xưởng đóng tàu, đúc thép cho đến các nhà cung cấp dịch vụ cần thiết để hỗ trợ ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Tuy nhiên, ông John Rockhold cho rằng, khả năng tiếp cận nguồn tài chính quốc tế đang là một trong những rào cản lớn nhất đối với việc phát triển và nhân rộng ra quốc tế chuỗi cung ứng độc lập này.

“Bằng cách tạo ra các cơ chế bảo lãnh, trong đó các bên cho vay của Hoa Kỳ có được sự đảm bảo cần thiết để cấp vốn cho các dự án chuyển dịch năng lượng quy mô lớn, Việt Nam có thể cải thiện đáng kể khả năng cấp vốn của các ngân hàng Việt Nam. Đồng thời, tiếp cận những hỗ trợ tài chính ưu đãi, chi phí thấp đang chờ để hỗ trợ Việt Nam đạt được an ninh và tự chủ về năng lượng”, ông John Rockhold nói.

Tin liên quan

Đọc tiếp