Cơ hội vàng cho doanh nghiệp sản xuất xơ, sợi trước hàng loạt tín hiệu tích cực

THỊ TRƯỜNG Việt nAM
17:20 - 14/12/2021
Cơ hội vàng cho doanh nghiệp sản xuất xơ, sợi trước hàng loạt tín hiệu tích cực
0:00 / 0:00
0:00
Trong khi các doanh nghiệp dệt may có thể bị ảnh hưởng do dịch bệnh diễn biến phức tạp tác động tới khâu đầu vào, thị trường tiêu thụ và khâu sản xuất, thì các doanh nghiệp dệt nội địa được dự báo tăng trưởng khả quan.

Mới đây, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may (VITAS) Trương Văn Cẩm cho biết, năm 2021, mặt hàng xơ, sợi có tốc độ tăng trưởng vượt trội trong toàn ngành. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu dự tính đạt 5,5 tỷ USD, tăng 47,7% so với năm 2020 và 32% so với năm 2019. Trong đó, thị trường nhập khẩu chính của mặt hàng này là Trung Quốc.

Theo đánh giá của các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VnDirect, giá trị xuất khẩu sợi không bị ảnh hưởng bởi COVID-19 do đây là ngành không cần nhiều lao động.

Đặc biệt, giá sợi đã tăng 25% do năng suất sản xuất của vụ bông vừa qua thấp và sản lượng bông tồn kho toàn cầu cũng giảm đáng kể. Cùng với đó, dịch bệnh kéo theo nhu cầu nhu cầu tiêu thụ sợi toàn cầu tăng lên để đáp ứng các đơn hàng thiết bị bảo vệ cá nhân như khẩu trang.

Ngoài ra, về diễn biến xuất, nhập khẩu mảng xơ, dệt sợi trên thế giới cũng đứng trước xu hướng sự dịch chuyển các đơn hàng rời khỏi Trung Quốc, Việt Nam trở thành nước được hưởng lợi, lượng nhập khẩu xơ, sợi của Việt Nam tăng mạnh, vượt qua Trung Quốc kể từ năm 2019. Việt Nam cũng lần đầu tiên vượt Hàn Quốc trở thành nước xuất khẩu xơ, sợi lớn thứ 6 trên thế giới.

Ngoài ra, nhờ khả năng chống dịch giai đoạn này tốt hơn các nước xuất khẩu xơ, sợi khác, Việt Nam trở thành điểm sáng giữa các quốc gia đang phát triển khác vẫn đang vật lộn vì dịch bệnh, chứng kiến sự giảm mạnh trong nhập khẩu xơ, sợi như Bangladesh, Indonesia…

Doanh nghiệp dệt, sợi dành được nhiều ưu đãi về mức thuế xuất khẩu

Doanh nghiệp dệt, sợi dành được nhiều ưu đãi về mức thuế xuất khẩu

Không chỉ xuất khẩu, các hiệp định thương mại tự do gần đây của Việt Nam như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm xơ, sợi trong nước.

Để hưởng lợi ích từ hiệp định EVFTA, quy định nguyên liệu phải có xuất xứ tại EU hoặc Việt Nam hoặc từ các đối tác có hiệp định thương mại tự do với EU, tương tự với hiệp định CPTPP. Vậy nên, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang dần chuyển đổi theo hướng gia tăng sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước và giảm tỷ trọng các nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sợi nội địa đang được hưởng lợi từ thuế chống bán phá giá. Trong quý III vừa qua, các nhà sản xuất sợi nội địa đã phối hợp với các công ty tư vấn và làm việc với Cục Phòng vệ Thương mại Việt Nam về vụ kiện chống bán phá giá đối với sản phẩm sợi polyester filament xuất xứ từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia.

Bộ Công Thương đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá sơ bộ được áp dụng từ ngày 21/9, sau đó thuế suất chính thức được công bố vào ngày 13/10.

Cụ thể, mức thuế chống bán phá giá được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất và xuất khẩu của Ấn Độ là 54,9%; Indonesia là 21,94%; Malaysia là 21,23%; Trung Quốc từ 3,36% - 17,45%.

Thời gian áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức là 5 năm kể từ ngày Quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức có hiệu lực (trừ trường hợp được thay đổi, gia hạn theo Quyết định khác của Bộ trưởng Bộ Công Thương).

Hàng rào thuế được dựng lên với mức từ 3,36% - 54,9% với sợi từ các nước này đã "cứu sống" ngành sợi trong nước. Đây là động lực, được giới đầu tư tài chính đánh giá rằng là "liều thuốc" rất cần để cổ phiếu ngành sợi hồi sinh.

Những doanh nghiệp được hưởng lợi chính là các doanh nghiệp đang hoạt động trong ngành dệt may có quy trình khép kín từ sợi và những doanh nghiệp ngành sợi.

Giới phân tích đánh giá, động thái này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sợi gia tăng thị phần tại thị trường nội địa, nhất là đối với phân khúc sợi tái chế và cải thiện biên lợi nhuận gộp trong năm 2022 – 2023.

Trước tín hiệu tăng trưởng lạc quan của ngành dệt, nhiều doanh nghiệp đã mở rộng đầu tư, xây dựng các nhà máy mới hoặc nâng cấp công suất nhằm nắm bắt các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do, cũng như đón đầu xu hướng trong tương lai.

Trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng và khó khăn của toàn ngành, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ngành này cũng không tránh khỏi tiêu cực. Riêng trong quý 3, các công ty dệt may tại khu vực phía Nam chỉ chạy ở mức 50%-60% công suất do thiếu nhân công và chịu ảnh hưởng nặng nề từ đợt dịch bùng phát lần thứ 4.

Tuy nhiên hàng loạt cổ phiếu thuộc mảng xơ, sợi trong lĩnh vực dệt may lại tạo sóng trên thị trường chứng khoán trong thời gian vừa qua.

Ví dụ cổ phiếu của công ty cổ phần Sợi thế kỷ tăng gấp 3 chỉ trong 1 năm. Thời điểm tháng 11 năm 2020 cổ phiếu STK ở mức giá khoảng 20.000 đồng thì hiện nay được giao dịch mức trên 60.000 đồng (61.800 đồng vào ngày 14/12/2021)

Không riêng Sợi thế kỷ, cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Dệt may Nam Định, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân, Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vũ Đăng, Tổng Công ty Việt Thắng cũng tăng giá liên tục.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Trong trường hợp lý tưởng nhất, PTI sẽ tăng vốn điều lệ gấp 3 lần lên 3.216 tỷ đồng. Ảnh: Minh Phong - Mekong ASEAN

ĐHĐCĐ PTI: Tăng vốn lên gấp 3 lần

ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 của CTCP Bảo hiểm Bưu điện (HNX: PTI) được tổ chức ngày 24/4. Tại đây, cổ đông công ty sẽ thảo luận về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có 2 tờ trình tăng vốn điều lệ lên gấp 3 lần.