Cổ phiếu điện bừng sáng khi VN-Index giằng co, POW giao dịch đột biến

POW VN INDEX
16:36 - 06/09/2022
Cổ phiếu điện là nhóm phòng thủ được ưa thích trong bối cảnh thị trường biến động.
Cổ phiếu điện là nhóm phòng thủ được ưa thích trong bối cảnh thị trường biến động.
0:00 / 0:00
0:00
VN-Index tiếp tục trải qua một phiên giằng co với mức thanh khoản trị giá hơn 14.700 tỷ đồng. Dòng tiền hôm nay chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu điện, trong đó POW của Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) có giao dịch đột biến.

Thị trường bước vào phiên sáng khá hưng phấn, có thời điểm VN-Index tăng gần 10 điểm. Tuy nhiên sang phiên chiều, đà tăng thu hẹp dần và kết phiên, chỉ số sàn HoSE chỉ biến động tăng nhẹ 0,05 điểm. HNX-Index cũng tăng 0,45 điểm trong khi UPCoM giảm 0,14 điểm.

Trong tổng giá trị khớp lệnh hơn 14.763 tỷ đồng, khối ngoại chiếm gần 1.400 tỷ đồng. Họ tiếp tục bán ròng hơn 270 tỷ đồng, tập trung "xả" các mã VIC, HPG, KDH, KBC, DCM, MIG, STB… Ngược lại, PVD được mua nhiều nhất với giá trị 56 tỷ đồng, tiếp sau là VNM, HDB, MSN, HDG, NLG…

VN-Index giằng co quanh ngưỡng tham chiếu, các nhóm cổ phiếu cũng không ghi nhận biến động nhiều. Với các mã lớn, tỷ lệ tăng/giảm đa phần ở mức trên dưới 1%. Nhóm giao dịch tích cực nhất là điện với POW, GEX, BCG, PC1 đều tăng 2-3%. Đáng chú ý là POW có giao dịch đột biến, tổng khối lượng giao dịch đạt 30,6 triệu đơn vị, chỉ sau HAG (30,8 triệu đơn vị).

Thông tin mới nhất về PV Power là doanh nghiệp dự kiến sẽ tham gia góp vốn và thành lập CTCP Điện khí LNG Quảng Ninh với tỷ lệ sở hữu 30% vốn điều lệ. Các đối tác cùng góp vốn là CTCP Cơ khí và Lắp máy Việt Nam (Colavi), Tokyo Gas Co., Ltd và Marubeni Corporation. Mặc dù vậy, doanh nghiệp chưa tiết lộ vốn điều lệ của pháp nhân mới.

Cổ phiếu điện hút dòng tiền trong bối cảnh tình trạng thiếu điện ngày càng lộ rõ trên thế giới và cả trong nước. Cuộc chiến ở Ukraine và các tranh chấp liên quan đến đường ống dẫn khí chính là nguyên nhân chính đằng sau tình trạng thiếu điện và thiếu khí đốt ngày càng xấu đi ở các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) trong bối cảnh cuộc chiến Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 7.

Trong khi đó, Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chủ trương nhập khẩu điện và phương án đấu nối các nhà máy thủy điện từ Lào về Việt Nam, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tính toán cân đối công suất miền Bắc trong giai đoạn 2022 - 2025 để đánh giá khả năng cung ứng điện theo các kịch bản tăng trưởng công suất đỉnh.

Kết quả tính toán đã được EVN khẳng định, các kịch bản đều thiếu công suất đỉnh trong các tháng cuối mùa khô, đầu mùa lũ (các tháng 5, 6, 7) và lượng công suất thiếu có xu hướng tăng dần trong các năm sau (thiếu hụt nhiều nhất khoảng hơn 7.600 MW vào năm 2025 ở kịch bản cao).

Top cổ phiếu có giao dịch đột biến trong phiên hôm nay. SSI

Top cổ phiếu có giao dịch đột biến trong phiên hôm nay. SSI

Ngoài nhóm điện, nhóm cổ phiếu xây dựng, ngân hàng cũng giao dịch ở chiều tích cực hơn các nhóm còn lại. Ở nhóm ngân hàng, mặc dù không có mã nào đột biến nhưng đa số đều tăng nhẹ hoặc đứng ở mốc tham chiếu, chỉ có 4 mã kết phiên trong sắc đỏ là ABB, BVB, KLB và NAB.

Ngân hàng Nhà nước đang chuẩn bị cấp room tín dụng cho một số ngân hàng trong hạn mức ít ỏi còn lại của năm. Đây chính là một trong những thông tin được nhà đầu tư ngóng chờ để quyết định rót tiền vào mã cổ phiếu ngân hàng nào. Bởi đa phần các ngân hàng đã sử dụng hết room được cấp, lợi thế tăng trưởng cuối năm sẽ thuộc về những ngân hàng được cấp thêm room tín dụng trong đợt tới.

Phần room tín dụng còn lại (khoảng 3,5%) nhiều khả năng sẽ ưu tiên tăng trưởng tín dụng cho những ngân hàng có hệ số an toàn vốn cao; có tỷ lệ cho vay vào lĩnh vực bất động sản thấp; có tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp thấp và hỗ trợ các hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý các tổ chức tín dụng, giảm lãi vay cho khách hàng bị ảnh hưởng dịch Covid-19.

Có thể thấy, việc VN-Index gặp cản lớn ở ngưỡng hỗ trợ 1.285 điểm là do thanh khoản vẫn chưa đạt kỳ vọng dù đã áp dụng T+2 từ 29/8. Điều này bắt nguồn hai vấn đề. Đầu tiên là chỉ số quốc tế, đặc biệt là chỉ số của Mỹ đang giao dịch khó lường, ai cũng sợ một kịch bản xấu xảy ra. Điều thứ hai là kết thúc kỳ cơ cấu rơi vào thứ Sáu tuần thứ 3 của tháng 9 nên mọi việc liên quan đến giao dịch vốn hoá lớn mà các quỹ cầm đều bị ngừng lại hoặc giảm đi. Để chỉ số bứt phá qua ngưỡng 1.300 điểm, thanh khoản vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Eximbank báo lãi quý 1/2024 giảm 24%

Năm 2024, Eximbank đặt tham vọng lãi trước thuế tăng tới 90% so với 2023, tuy nhiên hết quý 1, lợi nhuận ngân hàng này chỉ đạt hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và thực hiện được 13% kế hoạch.
TPBank khép lại quý 1/2024 với kết quả kinh doanh khởi sắc.

TPBank báo lãi 1.800 tỷ đồng trong quý 1/2024

Kết thúc quý 1/2024, lợi nhuận của TPBank đạt hơn 1.800 tỷ đồng. Đáng chú ý, ngân hàng đã tiến hành góp vốn vào CTCP Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), bước đầu mở rộng quy mô nhằm phát triển trở thành tập đoàn tài chính vững mạnh.