Xuất khẩu gỗ nội thất sang Hoa Kỳ có nhiều cơ hội trong năm 2022

XUẤT KHẨU Ngành gỗ
16:49 - 16/12/2021
Việt Nam xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ ước khoảng 7,2 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021
Việt Nam xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ ước khoảng 7,2 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2021
0:00 / 0:00
0:00
Ngành gỗ Việt Nam được coi là một nguồn nhập khẩu quan trọng về đồ nội thất cho thị trường Hoa Kỳ và sẽ tiếp tục có cơ hội lớn trong năm 2022 khi chính phủ nước này đang tăng cường các chính sách kích cầu kinh tế.

Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong 10 tháng đầu năm 2021 đạt trên 7 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm 2020, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ tại Hội thảo giao thương trực tuyến “Đẩy mạnh xúc tiến thương mại trong lĩnh vực đồ gỗ Việt Nam – Hoa Kỳ”, sáng 16/12.

TỔNG QUAN XUẤT NHẬP KHẨU NGÀNH GỖ 11 THÁNG/2021
Theo số liệu thống kê của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, xuất khẩu sản phẩm gỗ trong tháng 11/2021 đạt 1,15 tỷ USD, tăng 20,9% so tháng 10/2021, nhưng giảm 7,4% so với tháng 11/2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 840 triệu USD, tăng 35,4% so với tháng 10/2021, nhưng giảm 17,3% so với tháng 11/2020.

Trong 11 tháng năm 2021, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 9,9 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Gỗ Việt Nam chiếm trên 40% tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Hoa Kỳ

Do nhu cầu cao của thị trường Hoa Kỳ trong mùa mua sắm cuối năm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại đánh giá, đây là thời điểm gia tăng xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ, là yếu tố quan trọng để xuất khẩu ngành gỗ Việt Nam bứt phá.

"Trong 10 tháng đầu năm 2021, Mỹ liên tục duy trì là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam và cũng là thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong số các thị trường xuất khẩu chủ lực, đạt trên 7,2 tỷ USD, chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của cả nước," ông Phú cho biết.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài từ Hoa Kỳ cũng đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam thông qua những dự án quy mô lớn, góp phần làm cho Việt Nam ngày càng tạo dựng được chỗ đứng cho ngành gỗ trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tính lũy kế đến tháng 10/2021, Hoa Kỳ có 1.134 dự án FDI tại Việt Nam, tổng vốn đăng ký là 9,72 tỷ USD, xếp thứ 11 trong số 138 quốc gia, vùng lãnh thổ về FDI tại Việt Nam.

“Nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ đánh giá Việt Nam sẽ trở thành điểm đầu tư lý tưởng quan trọng và an toàn trong thời gian tới và đó là cơ hội lớn cho ngành gỗ”, ông Vũ Bá Phú nói.

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ cho biết, đây là thị trường hết sức tiềm năng với quy mô nhập khẩu lớn nhất thế giới, trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của Hoa Kỳ ước khoảng 2 nghìn tỷ USD.

Riêng về thị trường gỗ nội thất, Việt Nam xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ sang Hoa Kỳ ước khoảng 7,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 40,6% tổng giá trị nhập khẩu đồ gỗ nội thất của Hoa Kỳ trong 10 tháng đầu năm 2021.

Chỉ ra những thuận lợi của ngành gỗ Việt Nam ở thị trường Hoa Kỳ, ông Sơn cho biết, nền kinh tế nước này đang phục hồi, chi tiêu tiêu dùng tăng cao. Theo Deloitte, dự báo chi tiêu dùng tại Hoa Kỳ tăng 8,1% năm 2021 so với mức giảm 3,8% năm 2020.

Chi tiêu tiêu dùng Mỹ tăng cao. Ảnh trích xuất
Chi tiêu tiêu dùng Mỹ tăng cao. Ảnh trích xuất

Xu hướng làm việc tại nhà vẫn tiếp tục cùng với việc chi đầu tư tăng dần các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn trong bối cảnh bình thường mới nên chi tiêu cho đồ nội thất, đồ gia đình dự kiến tiếp tục tăng.

Gỗ Trung Quốc vẫn tiếp tục chịu thuế từ Hoa Kỳ và sự hợp tác kiểm soát nguồn gốc gỗ chặt chẽ của hai chính phủ Việt Nam, Hoa Kỳ đã giúp tăng khả năng cạnh tranh cho gỗ Việt Nam.

Để các tận dụng được những cơ hội này, ông Sơn khuyến nghị, các doanh nghiệp cần bám sát thị hiếu thị trường thường xuyên thay đổi của Hoa Kỳ và kịp thời điều chỉnh mô hình kinh doanh trong bối cảnh mới.

Ảnh tác giả

"Doanh nghiệp cần kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo nguồn gốc nguyên liệu được khai thác hợp pháp, thân thiện với môi trường đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, lao động và chủ động ứng phó với các cuộc điều tra phòng vệ thương mại của Hoa Kỳ".

Ông Bùi Huy Sơn, Tham tán Công sứ, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ

Liên quan đến phòng vệ thương mại, ông Sơn nêu ra cảnh báo các loại gỗ có nguy cơ cao mà các doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý như gỗ dán từ nguyên liệu gỗ cứng, tủ gỗ, ghế sofa có khung gỗ, gỗ thanh và viền dải gỗ được tạo dáng liên tục.

Cần tăng cường công nghệ để tận dụng cơ hội

Đánh giá cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam trong năm 2022, ông Thomas Russell, chuyên gia ngành nội thất, Tổng biên tập tờ Home New Now cho biết triển vọng nhu cầu ngành gỗ nội thất trong năm 2022 của Hoa Kỳ rất lớn bởi thị trường nhà cửa vẫn phát triển mạnh mẽ, lãi suất ngân hàng thấp để mua nhà, mua nội thất trang trí nhà cửa. Các cửa hàng gỗ ở Hoa Kỳ trong tháng 11/2021 đã thông báo tăng 6,5% doanh số so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, Chính phủ Hoa Kỳ cũng đang có những chính sách kích cầu kinh tế, kích thích mức tăng chi tiêu người tiêu dùng.

Ảnh tác giả

“Đây sẽ là những cơ hội lớn cho ngành gỗ nội thất Việt Nam. Các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ đang tìm kiếm những đối tác có hồ sơ thuyết phục và Việt Nam vẫn được coi là một nguồn nhập khẩu quan trọng cho đồ nội thất thị trường này”.

Ông Thomas Russell, Tổng biên tập tờ Home New Now, chuyên gia ngành nội thất

Ông Thomas Russell khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục tận dụng các nền tảng công nghệ để truyền thông, tìm kiếm khách hàng, đặc biệt là chứng minh sản phẩm minh bạch, đảm bảo quy định an toàn của Hoa Kỳ, đổi mới sáng tạo các thiết kế mẫu mã mới, đẩy mạnh doanh thu trên thị trường này.

Trả lời câu hỏi của MEKONG ASEAN về dự kiến bao giờ có thể tạm khắc phục những khó khăn về chi phí logistics khiến cho giá gỗ nguyên liệu Việt Nam nhập khẩu từ Hoa Kỳ tăng cao, ông Thomas Russell bày tỏ sự tiếc nuối bởi lạm phát vẫn là đang là một thách thức lớn của Hoa Kỳ, gây sức ép đối với các nhà nhập khẩu, kéo theo nhiều chi phí tăng theo, khó kiểm soát và chưa thể xác định thời gian phục hồi.

Theo ông Thomas Russell, hiện chi phí tàu biển vẫn đang ở ngưỡng 20.000 USD/ container do cầu cao hơn cung, gây tắc nghẽn tại các cảng và gây chậm trễ trong việc giao hàng.

“Các nhà sản xuất cần trao đổi nhiều hơn với các chuỗi bán lẻ, tăng cường các mối quan hệ lâu năm trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ để đạt được nhiều thương lượng hỗ trợ lẫn nhau về các vấn đề còn khó khăn”, ông Thomas Russell khuyến nghị.

Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ tăng 168 lần từ 45 triệu USD (năm 1995) lên 1,5 tỷ USD (năm 2001) khi hai nước ký kết Hiệp định thương mại song phương và đạt 98 tỷ USD trong năm 2020. Hiện Việt Nam đang trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Hoa Kỳ, tăng 5 bậc so với năm 2020.

Tin liên quan

Đọc tiếp