Cử tri Nghệ An kiến nghị về vấn đề bảo hiểm tàu cá cho ngư dân

BẢO HIỂM QUỐC HỘI
07:53 - 24/05/2022
Cử tri Nghệ An kiến nghị về vấn đề bảo hiểm tàu cá cho ngư dân
0:00 / 0:00
0:00
Trưởng ban dân nguyện Dương Thanh Bình đã thông tin việc cử tri tỉnh Nghệ An phản ánh, Tổng công ty Bảo hiểm Petrolimex đã dừng bán bảo hiểm tàu cá cho các chủ tàu và kiến nghị Bộ Tài chính giải quyết để đảm bảo quyền lợi của ngư dân.

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, ngày 23/5, Trưởng ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình đã kiến nghị Bộ Tài chính chỉ đạo để ngư dân tiếp tục được mua bảo hiểm tàu cá theo chính sách ưu đãi được quy định tại Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản của Thủ tướng Chính phủ.

Qua giám sát cho thấy, chỉ có 4 doanh nghiệp bảo hiểm triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định số 67, gồm Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty Cổ phần Bảo Minh, Tổng công ty bảo hiểm Petrolimex, Tổng Công ty bảo hiểm PVI.

Tuy nhiên, từ tháng 3/2020, 4 doanh nghiệp trên đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm theo Nghị định số 67. Và tới tháng 4/2020, các doanh nghiệp này đã thông báo sẽ tạm dừng nhận bảo hiểm cho đến khi nhận được chấp thuận của Bộ Tài chính về các đề xuất nêu trên.

Mặc dù Bộ Tài chính nêu đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng đến nay người dân vẫn chưa được mua bảo hiểm tàu cá. Vì vậy, ngư dân kiến nghị Bộ Tài chính phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của cử tri nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân được hưởng các chính sách ưu đãi về bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67.

Trước đó, Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời các kiến nghị về chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Bộ Tài chính nêu rõ, đề nghị của doanh nghiệp bảo hiểm có một số nội dung không phù hợp với quy định về chính sách bảo hiểm tại Nghị định 67 về đối tượng được hỗ trợ và rủi ro được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm. Do vậy, trong khi Nghị định 67 và các văn bản sửa đổi, bổ sung chưa được điều chỉnh, Bộ Tài chính chưa có cơ sở pháp lý để chấp thuận đề xuất sửa đổi quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm theo đề nghị của các doanh nghiệp bảo hiểm.

Theo Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm tàu cá không phải là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Pháp luật về thủy sản cũng không quy định chủ tàu phải mua bảo hiểm tàu cá trước khi ra khơi. Doanh nghiệp bảo hiểm và ngư dân thực hiện giao kết hợp đồng bảo hiểm trên nguyên tắc tự nguyện, phù hợp với quy định pháp luật.

Hiện nay việc mua bảo hiểm tàu cá của ngư dân ngoài chính sách hỗ trợ tại Nghị định 67 còn có chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa hoặc các sản phẩm bảo hiểm thương mại tự nguyện khác do doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp.

Còn về khó khăn của các doanh nghiệp bảo hiểm trong quá trình triển khai chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67, Bộ Tài chính đã tổng hợp và có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp, báo cáo Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định về chính sách bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 để đảm bảo chính sách bảo hiểm tiếp tục được triển khai hiệu quả.

Trưởng ban dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình kiến nghị, trong thời gian tới, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, những vấn đề mới phát sinh liên quan trực tiếp đến đời sống, sản xuất, kinh doanh của người dân.

Đồng thời, các Đoàn đại biểu quốc hội cần nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, xử lý kiến nghị cử tri, giải đáp ngay những vấn đề cử tri kiến nghị đã được pháp luật quy định hoặc đã được trả lời, giải quyết dứt điểm, tránh việc tổng hợp những kiến nghị này gửi lên các cơ quan Trung ương đề nghị giải quyết.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần chỉ đạo các Bộ, ngành giải quyết những tồn tại hạn chế đã nêu trên, rà soát, giải quyết dứt điểm các kiến nghị đang trong quá trình giải quyết, hạn chế chuyển kiến nghị chưa được giải quyết sang kỳ họp sau.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.