Cuộc khủng hoảng lương thực dần thành hình trên thế giới

NÔNG NGHIỆP THẾ GIỚI
06:20 - 03/04/2022
0:00 / 0:00
0:00
Do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, giá phân bón tăng phi mã trên toàn thế giới đã khiến nông dân các nước buộc phải thu hẹp quy mô sử dụng cũng như cắt giảm diện tích đất canh tác, gây ra nguy cơ thiếu lương thực toàn cầu.

Các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ và các nước đồng minh phương Tây lên Nga – nhà xuất khẩu quan trọng của các mặt hàng kali, amoniac, ure và các thành phần dinh dưỡng khác cho đất – đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng nguyên liệu phân bón toàn cầu và đẩy giá phân bón tăng cao.

Theo dữ liệu Reuters thu thập, nông dân tại 6 lục địa khắp thế giới, đều bày tỏ lo lắng về chi phí phân bón tăng mạnh cũng như nguồn cung thiếu ổn định. Đối với nhiều người, chi phí trồng trọt đang vượt quá tiềm năng lợi nhuận có thể đạt được và buộc họ phải điều chỉnh lại việc sử dụng phân bón. Nguồn cung lương thực toàn cầu vì vậy chịu ảnh hưởng do phân bón là chìa khóa để giữ cho các mặt hàng ngũ cốc chủ chốt như ngô, đậu nành, gạo và lúa mỳ luôn ở mức ổn định.

Trong khi một số nông dân đang có kế hoạch chuyển sang các loại cây trồng cần ít chất dinh dưỡng hơn, những người khác lại có kế hoạch sử dụng ít diện tích canh tác hơn hoặc sử dụng ít phân bón hơn. Tuy nhiên dù phương pháp đối phó với tình hình là gì, các chuyên gia nông nghiệp dự đoán những động thái này đều sẽ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng và dẫn tới ảnh hưởng nguồn cung lương thực.

Thu hoạch lúa mì tại Nga. Ảnh: Reuters

Thu hoạch lúa mì tại Nga. Ảnh: Reuters

Áp lực kép lên giá phân bón và lương thực

Ngay cả trước khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Ukraine, giá phân bón toàn cầu đã ở mức cao. Giá khí đốt tự nhiên và giá than tăng mạnh đã buộc các nhà sản xuất phân bón phải cắt giảm sản lượng trong lĩnh vực vốn đòi hỏi nhu cầu năng lượng lớn này.

Sau khi Nga bắt đầu các hành động quân sự của mình hôm 24/2, các nước phương Tây đã đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn và toàn diện lên cả Nga và chính quyền Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko – nước đồng minh hỗ trợ Nga.

Kết hợp lại với nhau, Nga cùng Belarus chiếm tới hơn 40% tổng lượng kali xuất khẩu toàn cầu năm 2021 – 1 trong 3 chất dinh dưỡng trọng yếu nhất trong việc tăng cường năng suất cây trồng. Thêm vào đó, Nga cũng chiếm phần lớn lượng xuất khẩu các mặt hàng phân bón chủ chốt như khoảng 22% lượng amoniac, 14% lượng urê và khoảng 14% monoammonium phosphate (MAP).

Trong khi đó, cả Nga và Ukraine đều là những "vựa bánh mỳ" lớn khi chiếm khoảng 30% lượng xuất khẩu lúa mì và 20% lượng xuất khẩu ngô toàn cầu.

Các biện pháp cấm vận cũng làm gián đoạn các hoạt động buôn bán phân bón, cây trồng và lương thực từ Nga khi các ngân hàng và thương nhân phương Tây nhanh chóng loại bỏ nguồn cung từ quốc gia này, do lo ngại vi phạm các quy tắc đang được thay đổi nhanh chóng. Thêm vào đó, các công ty vận tải biển cũng tránh khu vực Biển Đen đang xảy ra giao tranh do lo ngại về an toàn.

Khi các yếu tố này cùng xảy ra, nguồn cung lương thực toàn cầu đã phải hứng chịu một đòn đánh kép. Việc giao hàng bị đình trệ từ các quốc gia này đã góp phần thúc đẩy lạm phát lương thực toàn cầu tăng phi mã. Ngân hàng Thế giới vào tuần trước dự đoán một số nước đang phát triển sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung lúa mì trong ngắn hạn do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Ukraine.

Tình trạng tại Trung Đông và đặc biệt là Đông Phi rất đang lo ngại khi Nga và Ukraine chiếm khoảng 90% lượng lúa mì nhập khẩu vào khu vực này theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc. Các nước như Kenya, Somalia và Ethiopia thì phải chịu tác động từ một đợt hạn hạn nghiêm trọng đã ảnh hưởng tới mùa màng và giết chết nhiều gia súc gần đây,

Ông Maximo Torero, nhà kinh tế cấp cao của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc, nhận định rằng so với thiếu hụt nguồn cung lương thực, cuộc khủng hoảng phân bón ở một số khía cạnh đáng lo ngại hơn một chút. Nguyên nhân vì nó có thể kìm hãm sản xuất lương thực tại phần còn lại của thế giới. Nếu không giải quyết được vấn đề phân bón và việc buôn bán phân bón không thể tiếp tục, thế giới chắc chắn sẽ gặp vấn đề nghiêm trọng về nguồn cung lương thực trong năm 2023 tới.

Thu hoạch đậu tương tại Brazil. Ảnh: Adobe Stock

Thu hoạch đậu tương tại Brazil. Ảnh: Adobe Stock

Brazil hứng chịu rủi ro đầu tiên

Dưới tư cách là nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, Brazil phụ thuộc rất nhiều vào phân bón nhập khẩu như kali. Kali chiếm tới 38% chất dinh dưỡng cây trồng mà nước này sử dụng trong năm 2021 và Nga cùng Belarus là hai nguồn cung của một nửa trong số phân bón này.

Trước xung đột Ukraine-Nga, nông dân Brazil đã phải giảm diện tích trồng ngô do giá phân bón tăng. Theo Agroconsult, một công ty tư vấn nông nghiệp Brazil, việc trồng đậu tương cũng sẽ bị ảnh hưởng theo khi nông dân mở rộng diện tích chậm hơn so với những năm trước.

Tại bang Mato Grosso, miền trung Tây Brazil, một người nông dân tên là Cayron Giacomelli trả lời hãng tin Reuters rằng các mặt hàng phân bón đều rất khó kiếm. Theo ông Giacomelli, ông phải giảm sử dụng phân bón cho vụ ngô hiện tại của mình và dự đoán sẽ tiếp tục làm điều tương tự với vụ trồng đậu nành vào cuối năm nay. Việc này sẽ làm giảm ít nhất 8% năng suất thu hoạch của ông.

Mỹ, châu Á và châu Phi đều dự đoán giảm năng suất do giá phân bón tăng

Ông Mike Berry, một nông dân từ New Mexico, Mỹ cũng có những lo lắng tương tự. Gần đây, ông đã phải trả 680 USD cho một tấn nitơ lỏng để bón cho cánh đồng ngô của mình - một mức giá "cắt cổ" mà theo ông đã tăng cao hơn 232% so với giá của năm ngoái.

Do đó, ông cho biết sẽ cắt giảm diện tích trồng ngô để làm thức ăn cho gia súc xuống gần một nửa, trong khi giảm lượng nitơ lỏng được sử dụng xuống khoảng 30%. Ông nhận định điều này có thể làm năng suất thu hoạch của ông giảm 25%.

Những người nông dân Châu Á cũng không nằm ngoài tầm ảnh hưởng. Tại Ấn Độ, quốc gia nhập khẩu phần lớn phân bón cho ngành nông nghiệp, nông dân đang chuyển sang tìm kiếm nguồn cung từ Canada và Israel để thay thế cho nguồn cung bị ảnh hưởng tại Nga.

Trong khi đó, Thái Lan – nước xuất khẩu gạo trọng yếu trên thế giới - đang phải đối mặt với áp lực lớn trước vụ lúa sắp tới. Theo chính phủ nước này, Nga và Belarus chiếm khoảng 12% lượng phân bón nhập khẩu năm 2021. Tuy các nhà nhập khẩu tại quốc gia này có thể chuyển đổi nguồn cung, việc mua từ nơi khác có thể sẽ gặp phải khó khăn theo ông Plengsakdi Prakaspesat, Chủ tịch Hiệp hội Phân bón và Vật tư Nông nghiệp Thái Lan. Một phần nguyên nhân là do việc kiểm soát giá phân bón trong nước đang gây sức ép lên các nhà nhập khẩu Thái Lan, trong bối cảnh giá phân bón trên toàn cầu bùng nổ. Với viễn cảnh nhập về nhưng chắc chắn sẽ lỗ, gần như không có ai muốn thực hiện điều này.

Tại Trung Quốc, chính phủ nước này đã áp lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón để bảo vệ nông dân của mình trước cơn bão tăng giá toàn cầu từ năm 2021. Ông Gavin Ju, nhà phân tích tại Văn phòng tư vấn hàng hóa CRU tại Thượng Hải, cho biết chính phủ Trung Quốc vốn được kỳ vọng sẽ nới lỏng những hạn chế này trong năm 2022 để thúc đẩy nguồn cung thế giới. Tuy nhiên với tình hình hiện tại, điều này có khả năng cao sẽ không sẽ xảy ra.

Ở một diễn biến khác thì tại các nước Châu Phi như Zimbabwe, nguồn cung phân bón nhập khẩu khan hiếm và đắt đỏ đã buộc những người trồng ngô như ông Boniface Mutize phải tự sản xuất phân bón hữu cơ.

Trong khi đó tại vùng nông thôn Kenya, cô Mary Kamau cho biết mình cũng đã cắt giảm việc mua phân bón thương mại và đang sử dụng phân hữu cơ để bón cho cà phê và bơ mà cô đang trồng. Tuy nhiên, điều mà cô lo ngại nhất là hậu quả cho gia đình mình trong những năm tới. Nếu không được mùa, nông sản của cô sẽ không bán được giá tốt và chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng tới gia đình cô trong vòng 2 năm tới.

Nông dân Tây Ban Nha tràn xuống đường biểu tình. Ảnh: AFP

Nông dân Tây Ban Nha tràn xuống đường biểu tình. Ảnh: AFP

Châu Âu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc khủng hoảng tại Ukraine

Tại Pháp, các con đường đến các nhà máy lọc dầu đã bị chặn bởi máy kéo, đồng thời giao thông bị gián đoạn trên khắp đất nước theo hãng tin Euronews vào cuối tháng 3 trước. Trong khi đó, ngày 25/3, xe kéo chở theo sau rau và cờ đen của những người biểu tình cũng đã chặn các tuyến đường giao thông ở Athens, Hy Lạp. Tuy chính phủ Hy Lạp đã công bố gói hỗ trợ tài chính 1,2 tỷ USD cho các hộ gia đình và doanh nghiệp vào tuần trước, các hiệp hội nông nghiệp cho biết họ sẽ không nằm trong diện được hỗ trợ.

Tại Madrid, Tây Ban Nha, ước tính khoảng 150.000 nông dân cũng đã xuống đường để phản đối việc chính phủ không hành động trước tình trạng giá phân bón và nhiên liệu tăng vọt hồi cuối tháng 3. Tại Anh, Liên minh Nông dân Quốc gia (NFU) cũng đang kêu gọi chính phủ hành động khẩn cấp để luôn giữ nguồn cung tại các siêu thị được đầy, bằng cách duy trì sự ổn định của các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.

Mặt khác, do Nga và Ukraine chiếm khoảng 70 đến 80% xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu và EU nhập khẩu khoảng 200.000 tấn dầu hướng dương từ Ukraine mỗi tháng, nguồn cung dầu ăn tới châu Âu có khả năng cao sẽ bị ảnh hưởng nặng,

Thời vụ gieo trồng hướng dương tại Ukraine là từ tháng 4 đến tháng 5 sẽ bị ảnh hưởng bởi xung đột khi trên các cánh đồng có ít người làm việc hơn. Cùng với việc quốc gia này không thể nhập khẩu các nguồn cung thiết yếu, tình hình trong tương lai gần chắc chắn không có khả năng cải thiện,

Các siêu thị ở Tây Ban Nha và Ý đã bắt đầu phân phối việc bán dầu hướng dương sau khi cuộc khủng hoảng tại Ukraine khiến người dân đổ xô đi mua dầu ăn. Theo dự đoán, các mặt hàng khác như bánh mỳ, ngũ cốc và mỳ pasta đều có khả năng sẽ ở trong tình trạng thiếu hụt mạnh do ảnh hưởng của nguồn cung từ Nga và Ukraine.

Tin liên quan

Đọc tiếp