Đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói 120.000 tỷ đồng

Bộ xây dựng QUỐC HỘI
20:28 - 31/05/2023
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Quochoi
Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Ảnh: Quochoi
0:00 / 0:00
0:00
Cuối phiên thảo luận Nghị trường chiều 31/5, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cập nhật về tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, sau khi có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Xây dựng đã có văn bản hướng dẫn về xác định danh mục dự án, đối tượng, điều kiện vay ưu đãi của gói tín dụng này.

Đồng thời ủy quyền cho UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm xem xét, kiểm tra các thủ tục pháp lý lập danh mục dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; cải tạo, xây dựng lại chung cư để công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh để các ngân hàng có cơ sở áp dụng cho vay.

Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ đã giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030, đã tổ chức hội nghị để triển khai dự án.

Qua báo cáo của các địa phương, đến nay đã có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng cho vay của gói này. Các địa phương đã công bố nhu cầu vay vốn như Bình Định 1.832 tỷ đồng, Phú Thọ 441 tỷ đồng, Đà Nẵng 545 tỷ đồng, Trà Vinh 420 tỷ đồng, Bắc Giang 4.527 tỷ đồng, Hải Phòng 3.892 tỷ đồng...

“Thực tế các địa phương mới triển khai được hơn 1 tháng, trong khi gói 120.000 tỷ đồng là cho cả giai đoạn đến năm 2030. Các địa phương đang trong quá trình tổng hợp, công bố nên chỉ mới có kết quả bước đầu. Trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều dự án tham gia gói này”, Bộ trưởng cho biết.

Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra và giải ngân hiệu quả gói hỗ trợ, Bộ trưởng Xây dựng cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật như tập trung sửa đổi Luật Nhà ở và các pháp luật khác có liên quan; tiếp tục làm việc một số địa phương, doanh nghiệp trọng điểm để kiểm tra, đôn đốc, tạo nguồn cung cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ; thúc đẩy việc triển khai gói hỗ trợ.

Đại biểu Quốc hội băn khoăn khi các gói hỗ trợ giải ngân thấp

Vấn đề xây dựng nhà ở xã hội, gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho phân khúc này nhận được quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội trong các phiên thảo luận tại Kỳ họp thứ 5.

Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội sáng 31/5, đại biểu Trần Thị Vân (Đoàn Bắc Ninh) cho biết, năm 2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43 về hỗ trợ giảm lãi suất 2% cho doanh nghiệp vay xây nhà cho công nhân, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11 về gói 15.000 tỷ đồng cho công nhân vay mua nhà ở xã hội qua Ngân hàng Chính sách. Mới đây nhất là gói 120.000 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm đã có 3 gói hỗ trợ mà đích và người thụ hưởng là công nhân lao động. Điều này thể hiện sự quan tâm và trách nhiệm của Quốc hội, Chính phủ đối với công nhân lao động trong cả nước. Tuy nhiên vị đại biểu cũng chỉ ra bất cập, khi 2 gói hỗ trợ năm 2022 đang giải ngân rất thấp. Gói giảm lãi suất 2% hiện mới giải ngân được 330/40.000 tỷ đồng, chưa được 1%; gói 15.000 tỷ đồng cũng chỉ giải ngân được trên 34%.

Đại biểu Trần Thị Vân. Ảnh: Quochoi

Đại biểu Trần Thị Vân. Ảnh: Quochoi

“Hai gói tín dụng trước còn chưa hấp thụ hết thì liệu gói 120.000 tỷ có khả thi hay không? Trong khi Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở đang sửa và quy hoạch chưa phê duyệt xong”, đại biểu băn khoăn.

Từ băn khoăn đó, bà Vân đề nghị Chính phủ gộp 3 gói hỗ trợ thành một và đề xuất cho kéo dài đến hết năm 2025, có như vậy mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ mà Chính phủ đề ra mới có thể hoàn thành.

Tại phiên thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024 sáng 27/5, đại biểu Lê Thanh Hoàn (Đoàn Thanh Hoá) cũng tán thành việc đưa chuyên đề về thị trường bất động sản, nhà ở xã hội vào chương trình giám sát tối cao của Quốc hội. Nguyên nhân là kế hoạch xây nhà ở xã hội chưa tốt; chỗ ở cho người dân, đặc biệt là người thụ hưởng chính sách còn khoảng cách rất xa với mục tiêu và nhu cầu đề ra.

"Có nơi xây nhà ở xã hội nhưng không có người đăng ký mua, trong khi nhiều nơi thì lại quá đông. Cách xác định trường hợp người mua nhà ở xã hội cũng còn dư luận khác nhau", đại biểu nêu thực trạng.

Ông Hoàn cho rằng, để phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu cần định hình rõ cơ chế chính sách, hỗ trợ đến đúng nhóm thụ hưởng, hạn chế thấp nhất việc trục lợi từ chính sách nhà ở xã hội. Nội dung giám sát của Quốc hội cần tập trung trả lời các câu hỏi: Ai đang sinh sống trong nhà ở xã hội? Tổ chức nào cung cấp nhà ở xã hội? Thực trạng quản lý, sử dụng nhà ở xã hội thời gian qua như thế nào? Mục tiêu, ý nghĩa của chính sách đạt kết quả ra sao?

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.