Đẩy mạnh tiềm năng đất đai trong nông nghiệp

NÔNG NGHIỆP Việt nAM
18:00 - 01/11/2021
Chính phủ đề xuất giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Ảnh: Internet
Chính phủ đề xuất giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Ảnh: Internet
0:00 / 0:00
0:00
Quy hoạch lại diện tích trồng lúa và đưa ra luật đất đai trong chăn nuôi là những kiến nghị của ĐBQH về lĩnh vực đất nông nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về Dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021 - 2025), các ĐBQH đã có nhiều ý kiến về quy hoạch lại đất nông nghiệp.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng bảo đảm an ninh lương thực

Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam chiếm trên 27,3 triệu ha, tương đương với 80,4% tổng diện tích Việt Nam, đóng góp 24% GDP và sử dụng hơn 47% lực lượng lao động của quốc gia.

Chính phủ dự kiến đề xuất giữ trên 3,5 triệu ha đất trồng lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực, song nhiều đại biểu cho rằng chỉ nên giữ khoảng 3,2 triệu ha.

Đưa ra ý kiến về đất trồng lúa, để có cơ sở xem xét đề xuất cho phép quy hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các đại biểu đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình chuyển đổi trở lại đất trồng lúa sau khi đã chuyển sang cây trồng khác giai đoạn 2011 - 2020, đồng thời cần xác định nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi, khu vực có thể chuyển đổi, khu vực không cho chuyển đổi.

Trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Cần Thơ, đồng tình với việc giữ nguyên diện tích đất trồng lúa cho phù hợp, đảm bảo an ninh lương thực cho đất nước. Tuy nhiên để đạt các mục tiêu đến năm 2030, đại biểu nhận thấy, xu hướng công nghiệp hóa và phát triển đô thị để nâng cao hiệu quả sử dụng đất là tất yếu.

Đồng thời, ông Hùng cũng cho rằng sự phát triển của khoa học kỹ thuật sẽ giúp nâng cao năng suất của các ngành, trong đó có nông nghiệp, sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu thì việc quy hoạch sử dụng đất đai cần được nghiên cứu đánh giá cụ thể, chi tiết và toàn diện hơn, nhất là với việc chuyển đổi đất nông nghiệp, đất trồng trọt sang đất đô thị, đất công nghiệp.

Ở góc độ tiếp cận khác, đại biểu Nguyễn Thanh Phương, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cho rằng cần mở rộng khái niệm "an ninh lương thực" không chỉ là gạo mà còn là các sản phẩm khác.

"Tôi cho rằng với diện tích đất lúa lớn như quy hoạch đề xuất chỉ mang ý nghĩa về khía cạnh an ninh lương thực và đóng góp cho các ngành sản xuất khác, chứ không có ý nghĩa nhiều với sự phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân, trong đó có vùng sản xuất lúa lớn hiện nay là Đồng bằng sông Cửu Long", ông Phương nói.

Đại biểu Nguyễn Thanh Phương. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
Đại biểu Nguyễn Thanh Phương. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Luật đất đai cần có chỗ cho đất chăn nuôi

Một bộ phận trong lĩnh vực đất nông nghiệp được các ĐBQH đề cập đến là yêu cầu cần có Luật đất đai cho chăn nuôi.

Đánh giá tiềm năng đất đai cho lĩnh vực nông nghiệp, ĐBQH Nguyễn Thị Lan, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đề nghị, cần làm nổi bật hơn thêm nội dung đánh giá việc khai thác các mặt biển vào đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, nhất là vùng ven biển và quanh các hòn đảo lớn, vì Việt Nam là một quốc gia giáp biển.

Hiện nay, đất nông nghiệp sử dụng cho chăn nuôi có quy mô nhỏ so với quy hoạch quốc gia nên không thể hiện trên bản đồ. Do đó, cần được đề cập đến để có định hướng cho các quy hoạch địa phương.

Vấn đề này liên quan đến vấn đề môi trường, tình hình phòng chống dịch bệnh, cân đối giữa các vùng sản xuất nông nghiệp… Tuy nhiên, trong luật đất đai hiện nay không đề cập đến đất cho chăn nuôi.

Ngoài ra, ĐBQH Nguyễn Thị Lan cũng cho rằng, cần xác định được một số cân đối chính về nhu cầu sử dụng đất, như cân đối an ninh lương thực để xác định diện tích đất trồng lúa; cân đối nhu cầu bảo vệ môi trường để xác định diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ, độ che phủ rừng; cân đối nhu cầu cung cấp nước để xác định diện tích sông suối mặt nước lớn; cân đối trữ lượng và khả năng đánh bắt thủy hải sản tại các vùng khai thác để xác định quy mô và địa bàn đánh bắt trên biển và thềm lục địa.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan: cần có quy hoạch về Luật đất đai cho chăn nuôi. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội
ĐBQH Nguyễn Thị Lan: cần có quy hoạch về Luật đất đai cho chăn nuôi. Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội

Trước đó, Chính phủ cũng đã ký Quyết định 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 về Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, chú trọng tái cơ cấu ngành chăn nuôi hướng tới quy mô và tỷ suất hàng hóa lớn.

Nghị quyết nêu rõ, phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, chăn nuôi tuần hoàn ở cả quy mô trang trại và hộ chăn nuôi chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường. Quy hoạch luật đất đai trong chăn nuôi cũng là một trong những yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu ngành này.

Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025), sẽ được Quốc hội biểu quyết thông qua ngày 12/11.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà. Ảnh: VGP

Rà soát toàn diện các dự án BOT giao thông

Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 190 ngày 3/5/2024 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BOT.