ĐBQH: Nên chăng có thêm đơn vị cạnh tranh với SJC để hạ nhiệt giá vàng

GIÁ VÀNG QUỐC HỘI
10:13 - 09/06/2022
0:00 / 0:00
0:00
Theo ĐBQH, chính sách độc quyền vàng miếng SJC có thể gây ra tình trạng thao túng giá đẩy giá vàng để trục lợi. Do đó đại biểu đặt câu hỏi liệu NHNN có thể cho đơn vị, tổ chức sản xuất thương hiệu vàng khác cạnh tranh với SJC để thị trường hạ nhiệt.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, sáng 9/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tiếp tục phiên chất vấn xoay quanh các nhóm vấn đề thứ ba liên quan đến nợ xấu, tín dụng, lãi suất, lạm phát, thị trường vàng.

Trước đó, trong phiên chất vấn chiều 8/6, đại biểu Nguyễn Phương Thủy - đoàn Hà Nội nêu băn khoăn về những diễn biến bất thường của thị trường kinh doanh vàng miếng trong nước, đặc biệt là từ đầu năm 2022 đến nay có nhiều điểm bất ổn và bất hợp lý. Theo đại biểu, giá vàng Việt Nam với giá vàng trên thị trường thế giới chênh lệch quá cao, có lúc lên đến trên 20 triệu đồng trên một lượng. Chưa kể, cùng là vàng miếng nhưng nếu không phải SJC thì rẻ hơn cả 15 triệu đồng/lượng, đại biểu đặt vấn đề.

"Chúng tôi đánh giá cao việc điều hành thị trường vàng, tránh việc vàng hóa trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay hay không?", đại biểu Thủy đặt câu hỏi.

Liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường hiện nay hay không? Đến thời điểm nào thì NHNN sẽ đề xuất Chính phủ sửa đổi Nghị định 24 năm 2012 để có thể xử lý một cách căn cơ các vấn đề bất cập của hoạt động kinh doanh vàng trong suốt thời gian qua, đại biểu Thủy chất vấn.

Đại biểu Thủy chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Đại biểu Thủy chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng.

Giải đáp thắc mắc này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng sáng 9/6 cho biết, giá vàng trên thị trường quốc tế diễn biến rất phức tạp và cũng rất khó lường. Bởi vì giá vàng thì chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố, như chỉ số đồng USD hay là căng thẳng chính trị giữa Ukraine và Nga, một loạt các sự kiện về thương mại, về chính trị khác sẽ tác động đến giá vàng và khó lường.

"Ở trong nước có cùng xu hướng với giá vàng của thế giới, nhưng tốc độ điều chỉnh tăng của giá vàng trong nước thì nhanh hơn và tốc độ điều chỉnh giá vàng xuống thì lại chậm hơn giá vàng của thế giới", bà Hồng nói.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn sáng 9/6.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn sáng 9/6.

Về giá vàng thương hiệu SJC, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thông tin rằng, SJC là thương hiệu vàng người dân ưa chuộng, không phải bây giờ mà có từ trước khi Nghị định 24 ra đời. Trước kia, khi chưa độc quyền SJC, thị trường vàng gây ra nhiều hệ lụy, bất ổn vĩ mô cho nền kinh tế nên Chính phủ đã ban hành Nghị định 24 để chống vàng hóa, từ đó thị trường vàng, ngoại hối ổn định để Việt Nam được nâng hạng trên thị trường quốc tế.

Giải thích rõ hơn về chính sách độc quyền, theo Thống đốc, Nghị định 24 có một chính sách quan trọng, đó là NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng. “Thị trường lúc đó có một số thương hiệu vàng nhưng SJC chiếm 90%. NHNN cân nhắc lựa chọn thương hiệu nào để sản xuất, sau khi phân tích đánh giá chi phí và lợi ích, đưa ra 1 thương hiệu của NHNN hoặc 1 thương hiệu không phải SJC thì người dân sẽ chuyển từ SJC sang. Như vậy, vô hình chung làm mất rất nhiều chi phí của xã hội”, bà Hồng nói.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin thêm, sau Nghị định 24 ban hành, NHNN dù độc quyền nhưng không sản xuất vàng miếng mà thuê SJC gia công dưới sự quản lý chặt chẽ của NHNN. Từ năm 2014 đến nay, NHNN không cung vàng SJC ra thị trường, người dân mua SJC giá cao thì bán cao, thương hiệu khác thì mua thấp - bán thấp.

“Ý kiến của đại biểu chúng tôi sẽ ghi nhận, quá trình tổng kết Nghị định 24 sẽ tổng kết đánh giá. Tuy nhiên, chúng ta mất rất nhiều công sức để ổn định thị trường vàng, nếu không độc quyền mà mở ra cho các thương hiệu khác thì phải đánh giá kỹ lưỡng, sẽ xin ý kiến đông đảo các bên liên quan”, Thống đốc nói.

Sau phần trả lời của Thống đốc về giá vàng SJC, đại biểu Phạm Văn Hòa - đoàn Đồng Tháp tiếp tục tranh luận, “Có lẽ Việt Nam là nước duy nhất đi ngược với thế giới là khi nào giá vàng thế giới giảm thì chúng ta lại tăng. Có những lúc lên đến khoảng cách gần 20 triệu. Đây là chuyện không thể chấp nhận được”.

Đại biểu Trịnh Xuân An tranh luận tại Quốc hội phiên sáng 9/6.

Đại biểu Trịnh Xuân An tranh luận tại Quốc hội phiên sáng 9/6.

Đại biểu cũng đặt vấn đề, Nghị định 24 của Chính phủ đã ban hành cách đây 10 năm, thời điểm đó thị trường vàng trong nước mới 30 triệu đồng/lượng, còn nay 70 triệu đồng rồi.

"Thời gian dài như vậy, liệu có bất cập hay không. Dư luận rất xôn xao về chuyện SJC độc quyền, vậy có nên để cạnh tranh cho thị trường hạ xuống không?", đại biểu Hòa nói và lo ngại giá vàng chênh quá cao khiến lạm phát tăng theo, đồng tiền mất giá. Ông Hòa đề nghị cần chấn chỉnh thị trường vàng trong nước để phù hợp diễn biến giá thế giới.

Trả lời đại biểu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng một lần nữa khẳng định, trong quá trình tổng kết Nghị định 24 thời gian tới, sẽ xin ý kiến rộng rãi, xem lựa chọn như thế nào, lựa chọn thương hiệu khác hay một thương hiệu của Ngân hàng Nhà nước.

Đọc tiếp

Ảnh: Free Malaysia Today

PMI ASEAN tháng 4/2024 tiếp tục vượt ngưỡng 50 điểm

Dữ liệu từ báo cáo của S&P Global kỳ khảo sát tháng 4/2024 cho thấy, các điều kiện sản xuất tại ASEAN tiếp tục cải thiện nhẹ với số lượng đơn hàng mới tăng nhanh hơn. Tuy nhiên, số lượng việc làm trong khu vực này đã giảm lần đầu tiên trong 6 tháng.