Đề xuất áp thuế để giữ nguồn cung phân bón trong nước

phân bón Việt nAM
18:50 - 17/05/2022
Đề xuất áp thuế để giữ nguồn cung phân bón trong nước
0:00 / 0:00
0:00
Trước tình hình giá phân bón tăng cao kỷ lục thời gian vừa qua, Bộ NN&PTNT và Bộ Tài chính đang kiến nghị và đưa ra dự thảo đề xuất áp thuế cho mặt hàng này, nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN&PTNT), tính chung 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu phân bón đạt khoảng 439 triệu USD, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm trước. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu phân bón đạt khoảng 625,4 triệu USD, tăng 73,3% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ NN&PTNT cho biết, hiện các doanh nghiệp sản xuất phân bón hầu hết là các loại phân bón chủ lực như lân, ure, NPK. Hiện tại lượng sản xuất trong nước cũng đáp ứng đủ nhu cầu của các loại phân trên.Tuy nhiên, sản xuất DAP mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu, trong khi kali và SA gần như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nhập khẩu.

Giá phân bón tăng cao kỷ lục trong vòng 50 năm qua

Trong năm 2021, giá phân bón thế giới đã tăng 80% so với năm 2020. Bước sang đầu năm 2022, trước tác động của dịch bệnh cũng như gián đoạn nguồn cung do các lệnh trừng phạt liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine và các hạn chế xuất khẩu từ phía Trung Quốc, giá phân bón toàn cầu tiếp tục tăng cao hơn.

Giá ure đã vượt qua mức đỉnh của năm 2008, trong khi đó giá phân lân và kali đang nhích gần mức năm 2008. Các loại phân bón khác cũng tăng kỷ lục khi DAP đạt mức giá trung bình cao nhất từ trước đến nay là 1.057 USD/tấn; kali đạt 881 USD/tấn…

Thị trường thế giới biến động lớn, kéo theo thị trường trong nước cũng chịu tác động theo. Theo đó, trong tháng 4/2022, giá các loại phân bón tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đều có mức tăng từ 1.000 - 1.900 đồng/kg so với tháng 3/2022, đây được ghi nhận là mức cao nhất trong vòng 50 năm qua.

Hiện giá bán lẻ DAP nội địa dao động quanh mức 22.400 đồng/kg, kali 19.500 đồng/kg, ure 18.200 đồng/kg. Theo Bộ NN&PTNT, chi phí phân bón chiếm tỉ trọng lớn trong giá thành sản xuất, chiếm tới 50%. Theo dự báo, giá phân bón sẽ tiếp tục tăng 20 - 40% trong quý II/2022.

Trong quý I/2022, do giá phân bón tăng cao, các doanh nghiệp xuất khẩu phân bón lần lượt ghi nhận kỷ lục về doanh thu. Cụ thể, Đạm Phú Mỹ đạt kỷ lục kép với doanh thu đạt 5.800 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng lên mức 2.126 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2021.

CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã: DCM) cũng đạt 4.028 tỷ đồng trong quý đầu năm, tăng 111%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.515 tỷ đồng, gấp 10 lần.

CTCP Phân bón Bình Điền doanh thu thuần 2.593 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng, tăng 26%.

Bộ Tài chính đề xuất tăng 5% thuế xuất khẩu mặt hàng phân bón

Trước bối cảnh giá bán tăng cao và nguồn cung còn thiếu, mới đây, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi Luật số 71/2014/QH13 theo hướng chuyển phân bón từ đối tượng không chịu thuế sang đối tượng chịu thuế với mức thuế suất hợp lý. Mục đích nhằm tạo điều kiện hỗ trợ ngành sản xuất phân bón trong nước và giảm bớt khó khăn cho nông dân trong điều kiện giá phân bón tăng cao và khan hiếm hiện nay.

Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét chính sách thuế xuất khẩu đối với mặt hàng phân bón ure, DAP, MAP; có các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các loại phân này để đảm bảo nguồn cung trong nước trong tình hình nguồn cung phân bón khan hiếm như hiện nay.

Bộ Tài chính cũng đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo nghị định về sửa đổi về thuế xuất khẩu phân bón. Trước đó, Bộ Tài chính đã có dự thảo gửi Chính phủ về việc tăng thuế suất xuất khẩu phân bón. Mục đích nhằm giảm góp phần hạ giá phân bón trong nước, ổn định nguồn cung phân bón cho sản xuất. Đồng thời tạo điều thuận lợi cho quá trình thực hiện, đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh gian lận trong quá trình thực hiện.

Theo đó, Bộ Tài chính để xuất quy định thống nhất một mức thuế suất thuế xuất khẩu là 5% đối với nhóm mặt hàng phân bón không theo tỷ lệ tài nguyên khoáng sản (thuộc nhóm 31.02, 31.02, 31.04, 31.05 tại Biểu thuế xuất khẩu).

Đối với loại phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng dưới 51% giá thành sản phẩm có thuế suất thuế xuất khẩu từ 0% lên 5%.

Đối với mặt hàng phân bón có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng chi phí năng lượng chiếm trên 51% giá thành sản phẩm sẽ giữ nguyên mức thuế suất xuất, tức là 5%.

Riêng đối với mặt hàng phân bón thuộc nhóm 31.01 là phân bón hữu cơ, không sử dụng tài nguyên khoáng sản nên Bộ Tài chính đề xuất giữ mức thuế xuất khẩu là 0% như hiện hành.

Tin liên quan

Đọc tiếp