Đề xuất bổ sung 88,6 triệu USD vốn vay ADB cho phát triển nông thôn mới

Nông thôn mới NGÂN SÁCH
17:07 - 17/11/2022
Tập trung nguồn lực xây dựng hiệu quả nông thôn mới.
Tập trung nguồn lực xây dựng hiệu quả nông thôn mới.
0:00 / 0:00
0:00
Bên cạnh tổng vốn ngân sách Trung ương bố trí thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là 39.632 tỷ đồng, Chính phủ đang trình Quốc hội cho phép bổ sung thêm 88,6 triệu USD tương đương khoảng 2.050 tỷ đồng vốn vay Ngân hàng ADB thực hiện chương trình.

“Hội nghị quán triệt một số nội dung trọng tâm và các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” ngày 17/11 đã khẳng định mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn, thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Để thực hiện mục tiêu này, Chính phủ đã bố trí phân bổ vốn ngân sách Trung ương và huy động nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025.

Thông tin về cơ chế nguồn vốn, ông Vi Việt Hoàng, Trưởng phòng Kế hoạch, Tài chính và Giám sát, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, tổng vốn ngân sách Trung ương bố trí thực hiện Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 đã được Quốc hội phê duyệt là 39.632 tỷ đồng, gồm: 30.000 tỷ đồng vốn đầu tư và 9.632 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp.

Trong đó, đã phân bổ 30.000 tỷ đồng với 27.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 3.000 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp.

Hiện nay, Chính phủ đã có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV xem xét quyết định về phương án phân bổ nốt 9.632 tỷ đồng. Trong đó, 3.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 6.632 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp còn lại của Chương trình.

Ông Hoàng thông tin, đồng thời, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung thêm 88,6 triệu USD vốn vay Ngân hàng ADB thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.

“Như vậy, trong trường hợp Ủy ban Thường vụ thông qua phương án bổ sung 88,6 triệu USD vốn vay ADB, thì tổng vốn ngân sách trung ương của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 tăng thêm 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài so với tổng vốn ngân sách Trung ương đã được Quốc hội phê duyệt tại Nghị quyết số 25/2021/QH15”, ông Vi Việt Hoàng cho biết.

Theo ông Hoàng, nguồn vốn này sẽ được phân bổ cho 16 tỉnh tham gia thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn.

Riêng với năm 2023, theo phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023 của Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV, tổng vốn ngân sách Trung ương giao thực hiện Chương trình năm 2023 dự kiến là 10.235 tỷ đồng.

Trong đó, vốn đầu tư phát triển là 8.025 tỷ đồng (7.000 tỷ đồng vốn trong nước, 1.025 tỷ đồng vốn nước ngoài của Chương trình vốn vay ADB, kinh phí sự nghiệp là 2.210 tỷ đồng).

Ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai, thực hiện kế hoạch vốn được giao theo đúng quy định.

Đối với 1.025 tỷ đồng vốn nước ngoài của Chương trình vốn vay ADB, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính hoàn thiện phương án phân bổ chi tiết báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước ngày 31/3/2023, để có cơ sở giao các địa phương triển khai thực hiện.

5 kế hoạch trọng tâm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới

Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, để hoàn thành mục tiêu đề ra, hỗ trợ các địa phương triển khai chương trình, Ban Chỉ đạo Trung ương đã ban hành kế hoạch thực hiện 5 chuyên đề chuyên sâu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) có trọng tâm xây dựng sản phẩm theo hướng phát huy giá trị tài nguyên bản địa, truyền tải văn hoá, tri thức dân gian của địa phương.

Đặc biệt khuyến khích sử dụng phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ để tạo các sản phẩm OCOP đặc trưng và xây dựng, hình thành các "điểm đến" để quảng bá, nâng cao thương hiệu sản phẩm OCOP.

Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới tập trung xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chí về du lịch nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng mô hình thí điểm, triển khai ứng dụng chuyển đổi số và tổ chức quảng bá, giới thiệu.

Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh, hướng đến xây dựng các mô hình thí điểm về xã nông thôn mới thông minh, xã thương mại điện tử.

Chương trình khoa học công nghệ có thể lấy các dự án, mô hình đang, sắp triển khai để gắn kết với chương trình khoa học công nghệ trong nông thôn mới để thu hút được các nguồn lực, tạo thuận lợi cho việc triển khai.

Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn đảm bảo các điều kiện cho đời sống nông thôn nông thôn. Trong đó, để giải quyết tiêu chí nước sạch, các địa phương cần xây dựng các hồ trữ nước ngọt trong từng hộ dân. Điều này, một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã làm thực hiện khá hiệu quả.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, điều cần làm trong xây dựng nông thôn mới là giải quyết những điều đơn giản nhất, căn bản nhất mà người dân đang vướng mắc để nâng cao đời sống của nhân dân.

“Nhiệm vụ của nông thôn mới là xây dựng những mô hình quản lý cộng đồng hiệu quả chứ không phải những mô hình phát triển kinh tế xã hội lớn lao của địa phương. Do đó, công tác tuyên truyền cần dễ hiểu để người dân dễ dàng tiếp cận và ứng dụng trong thực tiễn”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam chia sẻ.

Tin liên quan

Đọc tiếp