Đề xuất nghiên cứu tiền khả thi mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương

CAO TỐC Việt nAM
08:35 - 17/04/2023
Đề xuất nghiên cứu tiền khả thi mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Đề xuất nghiên cứu tiền khả thi mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương.
0:00 / 0:00
0:00
Bộ Giao thông Vận tải giao Ban quản lý dự án 7 tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP HCM - Trung Lương.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vừa ký Quyết định số 439/QĐ – BGTVT về việc giao nhiệm vụ lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư mở rộng đường bộ cao tốc đoạn TP HCM - Trung Lương.

Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải giao Ban quản lý dự án 7 tổ chức lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Kinh phí lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án được thanh toán theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm. Thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2025.

Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban Quản lý dự án 7 làm việc với Cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận và các cơ quan liên quan để tiếp nhận hồ sơ, tài liệu giai đoạn 1 của dự án, các kết quả nghiên cứu trước đây (nếu có). Tận dụng tối đa các dữ liệu đã có trong quá trình nghiên cứu, lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư/Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Cục Đường bộ Việt Nam và Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận được yêu cầu có trách nhiệm cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Ban Quản lý dự án 7 để triển khai thực hiện.

Trước đó, tháng 11/2022, Sở Giao thông vận tải TP HCM đã có báo cáo gửi UBND TP HCM về nghiên cứu phương án mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương lên 8 làn xe và 2 làn khẩn cấp, cùng với việc mở rộng các tuyến kết nối cao tốc theo quy hoạch.

Tháng 8/2022, Bộ Giao thông Vận tải thống nhất với các địa phương về phương án đầu tư mở rộng đường cao tốc TP HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận theo quy mô quy hoạch.

Về phương án đầu tư, thống nhất nghiên cứu, đề xuất ít nhất 3 phương án gồm: đầu tư công; phương thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao); phương thức PPP, hợp đồng BTL (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ) và hợp đồng BLT (xây dựng - thuê dịch vụ - chuyển giao).

Việc sớm nghiên cứu mở rộng cao tốc TP HCM - Trung Lương là hết sức cần thiết và cấp bách. Dự án sẽ góp phần hoàn thành mạng lưới đường cao tốc theo quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời phát huy hiệu quả khai thác các cao tốc, vành đai đang triển khai.

Dự án cao tốc TP HCM - Trung Lương có chiều dài toàn tuyến 61,9 km. Trong đó tuyến chính cao tốc dài 39,8 km, các tuyến đường nối, đường dẫn dài 22,1 km, được khởi công xây dựng vào tháng 12/2004, hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 2/2010.

Tuyến có 4 làn xe, tốc độ thiết kế 120 km/h và 2 làn khẩn cấp, cứu hộ, bắt đầu thu phí từ năm 2011 và đến cuối năm 2018 thì chấm dứt thu phí do hết hạn hợp đồng bản quyền thu phí.

Cao tốc này hiện do Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải) quản lý (nay là Khu Quản lý đường bộ IV, Cục Đường bộ Việt Nam). Sau khi dừng thu phí, từ đầu năm 2019 lượng xe trên tuyến cao tốc này tăng đột biến.

Hiện lượng xe đi lại trên tuyến đang rất lớn, tuyến đường hiện tại không đáp ứng được sự gia tăng của xe cộ và nhu cầu đi lại của người dân. Cao tốc thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc, đặc biệt là vào các dịp lễ Tết, cuối tuần.

Tin liên quan

Đọc tiếp