Đến năm 2025, tổng giá trị nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD

e-Conomy SEA 2020 Việt nAM
17:13 - 10/11/2021
Đến năm 2025, tổng giá trị nền kinh tế số Việt Nam sẽ đạt 57 tỷ USD
0:00 / 0:00
0:00
Theo báo cáo do Google và các đối tác trong khu vực Đông Nam Á công bố ngày 10-11, kể từ khi bắt đầu Covid-19 Việt Nam đã có thêm 8 triệu người dùng kỹ thuật số và chủ yếu đến từ khu vực ngoài thành thị.

Báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á - Tiếng gầm thập kỷ 20: Thập kỷ kỹ thuật số Đông Nam Á (e-Conomy SEA 2020)" do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện cho thấy, Việt Nam đã có thêm 8 triệu người dùng kỹ thuật số kể từ khi Covid-19 bùng phát. Đặc biệt, có 55% những người tiêu dùng số mới của Việt Nam này không đến từ khu vực thành thị.

Tài liệu trên cũng chỉ ra rằng, mức độ duy trì thói quen số của người dân Việt Nam đang rất cao khi có tới 97% người tiêu dùng mới vẫn sử dụng dịch vụ số và 99% có ý định tiếp tục sử dụng trong tương lai, bất chấp việc đại dịch Covid-19 thuyên giảm.

Với nhóm người từng sử dụng các dịch vụ số trước đại dịch, họ đã sử dụng thêm trung bình 4 dịch vụ số kể từ khi đại dịch bắt đầu. Mức độ hài lòng của họ đối với các sản phẩm, dịch vụ số là khoảng 83% theo khảo sát của Google.

Với sự tăng trưởng người dùng, mảng kinh doanh trực tuyến của Việt Nam được hưởng lợi và đang tăng trưởng mạnh ở mức hai con số so với cùng kỳ năm trước. Tổng giá trị nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2021 dự kiến đạt 21 tỷ USD, tăng 31%.

Theo các chuyên gia, sự gia tăng này cơ bản nhờ vào sức tăng trưởng lên đến 53% của ngành thương mại điện tử, bất chấp thị trường du lịch trực tuyến đang bị thu hẹp.

Dự báo của Google, Temasek và Bain & Company cho biết, đến năm 2025 toàn bộ nền kinh tế Internet tại Việt Nam sẽ đạt giá trị 57 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) đạt 29%. Nền kinh tế kỹ thuật số của Việt Nam được dự đoán sẽ đạt 220 tỉ USD tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030, đứng thứ hai trong khu vực sau Indonesia.

Cũng theo khảo sát của Google, 30% các nhà bán hàng tại Việt Nam tin rằng họ không thể vượt qua đại dịch nếu không có các nền tảng số. Các dịch vụ tài chính số đang ngày càng trở nên quan trọng khi 99% nhà bán hàng số tại Việt Nam đã chấp nhận việc thanh toán trực tuyến. Khoảng 72% trong số này sẽ tăng mức sử dụng các công cụ tiếp thị số trong 5 năm tới đây.

Bên cạnh đó, hoạt động giao dịch đầu tư sáng tạo tại Việt Nam đã tăng vọt trong nửa đầu năm 2021, vượt các khoản đầu tư cả năm của những năm gần đây. Việt Nam đang là trung tâm sáng tạo hấp dẫn với số lượng vườn ươm doanh nghiệp, chương trình phát triển và phòng nghiên cứu nhiều hơn so với đa số các nước khác trong khu vực.

Tuy thị trường có tính biến động, nguồn vốn toàn cầu vẫn chảy vào Việt Nam nhờ các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng vững chắc và hệ sinh thái số đang phát triển. Vốn đầu tư vào các dịch vụ số tại Việt Nam đã tăng trưởng mạnh trong đại dịch Covid-19 và vẫn đang giữ ở mức cao. Các mảng đầu tư được quan tâm nhất là thương mại điện tử, công nghệ tài chính, công nghệ y tế và công nghệ giáo dục.

Tin liên quan

Đọc tiếp

Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi. Ảnh: Getty Images

CEO TikTok: 'Chúng tôi sẽ không đi đâu cả'

Ngày 24/4, Giám đốc điều hành TikTok Chew Shou Zi khẳng định công ty sẽ chiến thắng được thách thức pháp lý và ngăn chặn dự luật cấm ứng dụng video ngắn phổ biến này tại thị trường Mỹ - nơi TikTok đang sở hữu hơn 170 triệu người dùng.
Những người sáng tạo nội dung TikTok tập trung tại Đồi Capitol, ngày 12/3. Ảnh: Yahoo News

Mỹ tiến gần hơn tới lệnh cấm Tiktok

Thượng viện Mỹ ngày 23/4 (giờ địa phương) đã thông qua dự luật yêu cầu ứng dụng truyền thông mạng xã hội Tiktok phải thoái vốn khỏi công ty mẹ ByteDance ở Trung Quốc, hoặc sẽ bị cấm ở thị trường Mỹ.