Dệt may Việt Nam phải 'xanh hoá' để mở rộng khách hàng

Dệt May Việt nAM
17:40 - 22/09/2023
Dệt may Việt Nam phải 'xanh hoá' để mở rộng khách hàng
0:00 / 0:00
0:00
Số hoá và xanh hoá là việc làm cấp bách mà các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện nếu muốn cải thiện tình hình đơn hàng cho năm 2024.

Đây là áp lực được đại diện các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam nhắc tới tại Diễn đàn & Triển lãm dệt may Việt Nam với chủ đề "Cùng nhau tái chế - Cùng nhau tuần hoàn" trong khuôn khổ chương trình Texfuture Việt Nam diễn ra từ 20/9 - 22/9/2023.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2023 xuất khẩu hàng dệt và may mặc trong nước phải đối mặt với nhiều khó khăn do sự sụt giảm chi tiêu, tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam.

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu 8 tháng đầu năm 2023 mặt hàng dệt may giảm 14,4%, chỉ đạt 22,5 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó xuất khẩu sang thị trường chủ lực Hoa Kỳ chỉ đạt 10 tỷ USD, giảm 22,4%; EU 2,66 tỷ USD giảm 11,9%; Hàn Quốc 2,08 tỷ USD giảm 3%.

Bên cạnh áp lực về thị trường, lãnh đạo VITAS cũng cho biết, trong cam kết của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP hay EVFTA đã đưa ra quan điểm về việc sử dụng các nguyên liệu xanh cũng như việc tái chế các sản phẩm. Điều này bắt buộc doanh nghiệp phải "xanh hóa" dệt may, từ đó mới có cơ hội tiếp cận đơn hàng lớn từ các thị trường như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

"Đây cũng là những yêu cầu đòi hỏi nhà sản xuất Việt Nam phải thích ứng. Nếu không thay đổi, dệt may Việt Nam có thể dần đánh mất lợi thế cạnh tranh", Chủ tịch VITAS nhấn mạnh và đồng thời cho biết, sản phẩm tái chế đi từ ý thức tiết kiệm và tái chế của con người, và quần áo cũng là một trong xu hướng đó.

Để giải quyết những thách thức đặt ra cho ngành dệt may, tại Texfuture Việt Nam 2023, các doanh nghiệp đã và đang góp phần thu hẹp khoảng cách giữa ý định và hành động thiết thực cho một tương lai "xanh" của các doanh nghiệp trong ngành dệt may.

Một số doanh nghiệp dệt may đã đưa ra nhiều sản phẩm tái chế, trong đó có những loại đã pha trộn nguyên liệu tái chế 30-40%, nhưng cũng có những loại sản phẩm tỷ lệ pha trộn nguyên liệu tái chế đã lên đến 50-60%.

Nhiều sản phẩm dệt may đã có tỷ lệ nguyên liệu tái chế lên đến 60%.

Nhiều sản phẩm dệt may đã có tỷ lệ nguyên liệu tái chế lên đến 60%.

Cũng trong khuôn khổ triển lãm, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc khơi dậy và thu hút hệ sinh thái dệt may và da giày, hơn là tuân theo định dạng triển lãm truyền thống, với nhiều hoạt động đa dạng như: Sourcing Zone (Business to Business) - sản phẩm chủ đạo vải tái chế & tuần hoàn, vải thời trang, vải chức năng, công nghệ và dịch vụ.

Hay Venture Zone (I2B - Idea to Business) - dành cho các start-up, ý tưởng sáng tạo và sản phẩm công nghệ AI, 3D, cũng như các mẫu thử nghiệm trong lĩnh vực dệt may tái chế và tuần hoàn. Miracle Zone (D2B - Design to Brand) - không gian đặc biệt dành cho thương hiệu Việt, giúp các thương hiệu địa phương mang đến những sản phẩm thời trang thân thiện môi trường và vươn tầm quốc tế.

Đồng thời, chương trình cũng tổ chức các hoạt động xúc tiến giao thương B2B trực tiếp từ những doanh nghiệp dệt may, nhà máy sản xuất vải cho đến các nhà thiết kế, nhãn hàng và những người đam mê trong thời trang và chất liệu bền vững, quan tâm đến xu hướng tái chế và xanh hóa trong ngành.

Sự kiện có sự góp mặt của 15 nhãn hàng, hơn 200 đơn vị tham gia triển lãm, hơn 1.000 nhà máy doanh nghiệp dệt may, hơn 1.000 thương hiệu thời trang Việt.

Tin liên quan

Đọc tiếp