Điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương

NGÂN SÁCH QUỐC HỘI
07:58 - 10/01/2023
Điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương
0:00 / 0:00
0:00
Theo Nghị quyết vừa được thông qua, Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương, với tổng mức giảm 1.547,8 tỷ đồng. Trong khi đó, tăng dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương với tổng mức tăng 226 tỷ đồng.

Chiều 9/1, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại; điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan và việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Kết quả biểu quyết cho thấy có 480/485 đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường biểu quyết tán thành thông qua dự thảo Nghị quyết, chiếm 96,77%. Với đa số phiếu tán thành, Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết

Nghị quyết quy định chi tiết về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương. Trong đó, điều chỉnh giảm dự toán vốn vay lại năm 2022 của 7 địa phương, với tổng mức giảm là 1.547,8 tỷ đồng; điều chỉnh tăng dự toán vốn vay lại (từ nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ) năm 2022 của 7 địa phương với tổng mức tăng là 226 tỷ đồng.

Quốc hội nhất trí điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại của các địa phương

Quốc hội nhất trí điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại của các địa phương

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định bổ sung dự toán ngân sách Nhà nước năm 2021 nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) số tiền 14.713,362 tỷ đồng.

Giảm dự toán chi thường xuyên năm 2021 của Bộ Tài chính số tiền 2.268,3 tỷ đồng, trong đó của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng; tăng tương ứng dự toán chi đầu tư phát triển năm 2021 của Bộ Tài chính, trong đó của Tổng cục Thuế là 1.134,8 tỷ đồng, của Tổng cục Hải quan là 1.133,5 tỷ đồng; cho phép chuyển nguồn số kinh phí này sang năm 2023 để thực hiện đầu tư 95 dự án của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan theo đề xuất của Chính phủ tại Tờ trình số 503/TTr-CP ngày 26/12/2022, thời gian giải ngân đến hết ngày 31/12/2024.

Ngoài ra, Nghị quyết của Quốc hội cũng nhất trí chuyển 5.016,674 tỷ đồng nguồn ngân sách địa phương đã bố trí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 năm 2021 còn dư của 24 địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022 để chi cho công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định, không sử dụng cho mục đích khác; đồng thời hủy dự toán số chuyển nguồn không sử dụng hết trong niên độ ngân sách Nhà nước năm 2022 theo quy định.

Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban khác của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Đọc tiếp