'Doanh nghiệp bị nợ đọng vốn, chậm hoàn thuế chẳng biết kêu ai'

DOANH NGHIỆP QUỐC HỘI
16:24 - 01/11/2023
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
0:00 / 0:00
0:00
Tại phiên thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội ngày 1/11, nhiều đại biểu Quốc hội tiếp tục bày tỏ quan tâm đối với tình hình “sức khoẻ” doanh nghiệp.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho biết, thời gian qua doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức diễn đàn kinh tế - xã hội... để khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó. Chính phủ cũng luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, thường xuyên chỉ đạo, điều hành tháo gỡ vướng mắc.

Đặc biệt, Bộ Chính trị mới ban hành Nghị quyết 41 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới. Nghị quyết đưa ra những chính sách mới, trong đó có quy định bên cạnh việc lên án, ngăn chặn, kiên quyết xử lý doanh nghiệp, doanh nhân vi phạm pháp luật thì cần bổ sung chế tài kinh tế để xử lý cho phù hợp, không hình sự hoá quan hệ kinh tế. “Đây là chính sách mới, đột phá, tháo bỏ tâm lý e ngại”, bà Hoa nhận định.

Tuy nhiên trước mắt, đại biểu cho rằng doanh nghiệp vẫn còn phải đương đầu với những khó khăn và cần tiếp tục có các biện pháp tháo gỡ. Bà nêu ra 4 vấn đề chính.

Thứ nhất, việc nợ đọng vốn xây dựng cơ bản đối với doanh nghiệp xây dựng vẫn là vấn đề nổi cộm trong quản lý đầu tư công, chủ yếu nợ đọng từ ngân sách địa phương, có những khoản nợ từ trước năm 2015, hệ luỵ là kéo dài thời gian hoàn thành dự án, giảm hiệu quả đầu tư, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp.

Thứ hai là chậm hoàn thuế giá trị gia tăng, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn về thủ tục hành chính xuất phát từ các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ. Báo cáo của Uỷ ban Tài chính Ngân sách đánh giá, tính thủ công về nghiệp vụ, sự phức tạp chồng chéo của các văn bản cùng việc thiếu tiêu chí phân loại rủi ro đầu tư hoàn thuế gây ách tắc lớn cho doanh nghiệp.

"Có doanh nghiệp than thở, doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước thì bị xử lý nghiêm, còn doanh nghiệp bị nợ đọng vốn, bị chậm hoàn thuế thì chẳng biết kêu ai”, đại biểu dẫn chứng, đồng thời đề nghị Chính phủ có những giải pháp quyết liệt hơn để xử lý tình trạng này.

Thứ ba là tín dụng doanh nghiệp khó khăn. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khó đáp ứng đầy đủ điều kiện vay vốn của các tổ chức tín dụng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn nhưng theo đại biểu, vẫn rất cần những thủ tục thông thoáng hơn, nghiên cứu thêm những sản phẩm tín dụng đặc thù, linh hoạt cho loại hình doanh nghiệp này.

Thứ tư, đại biểu đề cập đến công tác thanh tra, kiểm toán của cơ quan quản lý đối với doanh nghiệp trong một số trường hợp chưa thực sự hiệu quả để giúp phát hiện sai phạm từ sớm, từ xa, kịp thời chấn chỉnh. “Đề nghị các cơ quan tiến hành tố tụng, thanh tra, kiểm tra đẩy nhanh hơn nữa tiến độ các vụ án để các doanh nghiệp liên quan cơ cấu lại, sớm phục hồi sản xuất”, đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn Khánh Hoà) cho biết, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ nhiều yếu tố cả bên ngoài lẫn bên trong nền kinh tế, nhất là những rào cản từ các điểm nghẽn của pháp luật, từ nhận thức về pháp luật và cách ứng xử đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức.

Đại biểu Lê Hữu Trí phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Lê Hữu Trí phát biểu tại hội trường.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tập trung các giải pháp tích cực, tháo gỡ các nút thắt điểm nghẽn, nhằm khai thông mọi nguồn lực về dòng vốn trong nền kinh tế. Quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc rào cản lớn đối với doanh nghiệp hiện nay, nhất là vấn đề pháp lý, thị trường đầu ra, tiếp cận vốn, triển khai có hiệu quả các biện pháp kích cầu thương mại và du lịch, cải thiện mạnh mẽ thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Tiếp tục xử lý tháo gỡ những khó khăn vướng mắc bảo đảm ổn định và sự phát triển lành mạnh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản thị, trường xuất nhập khẩu. Có các chính sách có tính đột phá tích cực, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, bền vững hơn.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, nếu giải ngân tốt các nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế thì sẽ có tác dụng rất lớn trong thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước. Tuy nhiên hiện việc giải ngân vốn của Chương trình còn khá chậm, đến ngày 30/9/2023 mới đạt 28,9% kế hoạch vốn được giao.

Trong đó, gói hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hỗ trợ kinh doanh lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống ngân hàng thương mại đang bị tắc, chậm, vướng mắc. Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng đề nghị Chính phủ hết sức quan tâm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện chính sách hỗ trợ này.

Liên quan đến hoạt động doanh nghiệp, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng thông tin thêm, trong 9 tháng 2023 số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 135.000, bình quân mỗi tháng có 15.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập có số có xu hướng giảm về số vốn đăng ký và lao động.

“Số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút bảo hiểm xã hội một lần gia tăng cục bộ, lao động khu vực phi chính thức còn lớn, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên theo báo cáo của Chính phủ còn khá cao”, đại biểu nêu.

Đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá sát tình hình này kịp thời, quan tâm có giải pháp chấn chỉnh tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản, rút lui khỏi thị trường và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả hơn.

Tin liên quan

Đọc tiếp