Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi xuất khẩu sang Italia

Thương Mại Italia
11:06 - 07/10/2022
Doanh nghiệp cần lưu ý gì khi xuất khẩu sang Italia
0:00 / 0:00
0:00
Theo Thương vụ Việt Nam tại Italia, doanh nghiệp Việt cần lưu ý một số vấn đề khi xuất khẩu hàng hóa sang Italia như loại tiền sử dụng khi giao thương, kênh phân phối hiệu quả...,đặc biệt là lưu ý khi ký hợp đồng, tránh đối tác lừa đảo.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 8 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Italy đạt 4,2 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó xuất khẩu Việt Nam sang Italy 8 tháng đầu năm 2022 đạt 3 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu từ Italy 1,19 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2021.

Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Italia bao gồm máy móc, thiết bị; điện thoại và linh kiện; máy vi tính và linh kiện; phương tiện vận tải phụ tùng; cà phê; hàng dệt may; hàng thủy sản…

Ngược lại, một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ Italia bao gồm máy móc thiết bị cơ khí; nhựa và các sản phẩm nhựa; dược phẩm; tủ bàn ghế; phụ kiện dệt may; đồ uống; rượu, giấm…

Về quan hệ đầu tư, tại hội nghị giao ban xuất khẩu gần đây của Bộ Công Thương, Thương vụ Việt Nam tại Italia cho biết, đến cuối tháng 8/2022, Italia đứng thứ 34 trong tổng số 139 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, với 138 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký trên 409,46 triệu USD. Hiện nay Italia đã đầu tư vào 18 tỉnh thành của Việt Nam.

Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Italia, tổng vốn đầu tư vào Việt Nam lên tới hơn 700 triệu euro. Lý do có sự chênh lệch lớn này có thể do nhiều doanh nghiệp Italia đầu tư vào Việt Nam thông qua chi nhánh khu vực tại các nước khác như Singapore, Hồng Kong (Trung Quốc)...nên không được phía Việt Nam tính là đầu tư từ Italia.

Doanh nghiệp có thể gặp đối tác lừa đảo khi xuất hàng sang Italia

Theo Thương vụ Việt Nam tại Italia, khi xuất khẩu sang thị trường Italia cần lưu ý một số điểm. Bao gồm, do tiếng Italia được sử dụng phổ biến, ngay trong các hội thảo quốc tế. Do vậy, khi tiếp cận với đối tác, doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên tiếng Italia.

Tiền tệ chính thức ở Italia là Euro, đồng USD không được chấp thuận rộng rãi. Ngân hàng tại Italia cho phép mở tài khoản bằng USD và phải đổi sang Euro khi sử dụng. Tất cả các ngân hàng thương mại được phép thực hiện các giao dịch ngoại hối.

Doanh nghiệp cần tìm kiếm đúng đại lý, nhà phân phối hoặc đối tác kinh doanh của Italia. Bởi kinh doanh sẽ kém hiệu quả hơn khi dựa vào các đại lý đặt tại thị trường lân cận như Pháp, Đức…

Italia là nước trong nhóm G7 có thị trường rất lớn với gần 60 triệu dân và 60 triệu du khách quốc tế, các tập đoàn lớn của Việt Nam cần quan tâm hơn đến kinh doanh tại Italia.

Thói quen kinh doanh của người Việt Nam dựa vào cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại các nước có cộng đồng Việt Nam lớn như ở Đức, Séc, Rumani, v.v. sẽ không hiệu quả đối với thị trường Italia.

Doanh nghiệp Việt cũng cần cẩn trọng trong việc ký kết hợp đồng với các điều khoản thanh toán. Thương vụ cho biết hiện đang giải quyết nhiều vụ việc gian lận của công ty Italia với công ty Việt Nam.

Nhiều địa chỉ của doanh nghiệp Italia là địa chỉ giả mạo, khi đến thực tế địa chỉ đó không có văn phòng công ty nào như phía Việt Nam đưa ra. Một số người Italia phối hợp với một số nhóm lừa đảo quốc tế, làm giả các loại chứng từ, kể cả chứng từ thanh toán...để tìm cách chiếm đoạt bộ chứng từ gốc để nhận hàng tẩu tán..

Một số hình thức lừa đảo như công ty Italia đã đặt cọc cho công ty Việt Nam, nhận hàng từ công ty Việt Nam và sau đó không trả tiền hàng còn lại; công ty Việt Nam đã đặt cọc nhưng công ty Italia không giao hàng...

Đọc tiếp